(GD&TĐ) - Không có đủ khả năng tài chính để bỏ ra cả “cục tiền” mua trọn gói một căn hộ, nhiều gia đình ở thành thị gần đây bị cuốn hút bởi những quảng cáo bán nhà trả góp, hay hỗ trợ cho vay vốn mua nhà trả góp... Tuy nhiên, vay tiền mua nhà trả góp cũng không dễ, mà có vay được thì người mua cũng không thể “vơ bèo”...
Cơ hội cho người có nhu cầu thực
Một khách hàng có nhu cầu vay vốn ngân hàng để mua nhà cho biết: Vợ chồng tôi có thu nhập khoảng 20 triệu đồng một tháng và muốn mua nhà để ở, cần được tư vấn về lãi suất, điều kiện và các thủ tục vay vốn hoặc chương trình hỗ trợ, ưu đãi cho người mua nhà để ở. Theo Eximbank, ngân hàng này đã thực hiện triển khai chương trình cho vay mua nhà trả góp với lãi suất cho vay ưu đãi và thời hạn vay vốn lên tới 10 năm. Phương thức trả nợ vay: lãi và gốc trả hàng tháng dựa vào mức thu nhập ổn định hàng tháng của khách hàng. Điều này giúp cho khách hàng có thể chủ động được tài chính để trả nợ vay. Về tài sản đảm bảo thì khách hàng có thể thế chấp bằng chính bất động sản mua hay bằng bất động sản khác của chính mình (nếu có). Thủ tục vay vốn nghe qua thì có vẻ khá “đơn giản”, khách hàng chuẩn bị trước một số giấy tờ như CMND, hộ khẩu hay tạm trú của người vay, người hôn phối; giấy đăng ký kết hôn hoặc xác nhận độc thân... Ngoài ra, khách hàng cần chuẩn bị các chứng từ liên quan đến việc mua bán nhà (hợp đồng mua bán, giấy tờ pháp lý liên quan đến căn nhà cần mua...); các chứng từ chứng minh thu nhập (sao kê tài khoản, giấy xác nhận mức lương...) và giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản đảm bảo.
Trong khi đó, VIB tiếp tục giảm lãi suất cho vay bất động sản gói ưu đãi 1000 tỷ. Với lãi suất chỉ từ 9.9%/năm trong 3 tháng đầu tiên của khoản vay, thời gian áp dụng đến 30/9/2012 hoặc khi giải ngân hết hạn mức của gói. VIB cũng cho biết với thủ tục, hồ sơ gọn nhẹ và đơn giản, điều kiện vay vốn linh hoạt, VIB sẽ giúp khách hàng tiếp cận dễ dàng hơn nguồn vốn vay bất động sản (Vay mua nhà - đất là sản phẩm tín dụng nhằm hỗ trợ nguồn vốn giúp khách hàng có nhu cầu mua nhà, căn hộ, đất thổ cư để ở, làm địa điểm sản xuất kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi...).
Vẫn nhiều cái khó
Tuy việc mua nhà trả góp mở ra một phương thức cho người không nhiều tiền mà lại có nhu cầu nhà ở, song kể cả với các dự án xây chung cư bình dân, cao cấp có “bắt tay” với ngân hàng nào đó để kích “cầu” người tiêu dùng mua căn hộ trong thời điểm thị trường bất động sản nhiều khó khăn như hiện nay, thì không phải người có nhu cầu nào cũng “chạm tay” được với nguồn vốn vay.
Người có nhu cầu mua nhà trả góp cần lưu ý về các điều khoản trong hợp đồng của bên bán, trước khi ký mua nhà |
Thực tế dù có đủ thủ tục giấy tờ, khá “hài lòng” về mức lãi suất cho vay vốn, thì không ít người có nhu cầu mua nhà trả góp cũng phải chờ... giải quyết được nhiều cái khó... trước khi chạm tay được tới đồng vốn vay để mua nhà trả góp. Một trong những cái khó là chứng minh khả năng trả tiền cho ngân hàng (theo tháng) dựa trên một khoản thu nhập đều đặn nào đó (chủ yếu là từ lương và cả khoản thu nhập khác có chứng nhận của cơ quan, đối với công nhân, viên chức, nhân viên doanh nghiệp...). Không ít người đã phải từ bỏ ý định vay vốn ngân hàng mua nhà trả góp, bởi dù có thế chấp chính tài sản mua để vay vốn thì việc chứng minh thu nhập đối với cán bộ, nhân viên cơ quan nhà nước và kể cả doanh nghiệp cũng không dễ dàng gì. Vay vốn thì phải chứng minh mức thu nhập đủ khả năng chi trả theo tháng, những thu nhập thực thì khó khai thực, khó chứng minh thực vì còn liên quan đến việc đóng thuế thu nhập cá nhân (một số cơ quan chi trả thu nhập ngoài lương cao hơn rất nhiều so với lương chính và các khoản này thì không thể “đóng dấu tròn son đỏ và lấy chữ ký thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp được) (!?).
Thêm nữa, hợp đồng mua bán nhà trả góp hiện vẫn ở dạng hợp đồng hứa mua bán nhà, hoặc góp vốn giữa người mua và chủ đầu tư xây dựng nhà ở. Ràng buộc ở dạng hợp đồng này chưa nhiều, lại chủ yếu mang tính chất thỏa thuận giữa hai bên, nên rủi ro về mặt pháp lý cũng khá cao, bất lợi chủ yếu vẫn nghiêng về phía người mua nhà. Thêm nữa, trước khó khăn về nguồn vốn rót vào các dự án bất động sản, nên đã có tình trạng chủ đầu tư đã ký hợp đồng với người mua, nhận khoản tiền ban đầu và trả góp theo đợt, nhưng lại chậm trong triển khai xây dựng, tiến độ không đúng như dự kiến ban đầu, dẫn đến khả năng giao nhà chậm.
Trong khi đó, bên cho vay vốn (ngân hàng) và và bên bán nhà trả góp (doanh nghiệp) cũng khá cẩn trọng với những hợp đồng mua bán căn hộ trả góp. Bởi theo lý giải của một số doanh nghiệp bán căn hộ chung cư trả góp, hiện nay thị trường bất động sản đang rất khó khăn, ngoài vấn đề về lãi suất cho vay vốn thì những nguyên nhân khác như độ an toàn của các hợp đồng mua trả góp khiến doanh nghiệp không khỏi băn khoăn. Nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản vẫn ái ngại về việc bán nhà trả góp, vì số đông người mua nhà trả góp thu nhập thường xuyên không đủ sức chi trả liên tục tiền nhà, khả năng chậm tiền trả góp nhà đúng hạn là cao. Để “nắm đằng chuôi”, các công ty bất động sản phải dùng phương thức nếu vài tháng liên tục người mua nhà trả góp không thanh toán tiền mua trả góp đúng hạn thì công ty sẽ thu hồi lại nhà. Tuy nhiên, về cách thức này thì doanh nghiệp cũng khó “nắm chuôi” chắc, bởi hợp đồng bán nhà là hợp đồng dân sự, trong khi bộ luật Dân sự lại chưa hề có điều khoản quy định về việc này, nếu đưa ra toà để kiện người mua nhà thì công ty cũng sẽ thua.
Để tránh được những rủi ro đáng tiếc xảy ra khi mua nhà trả góp, ngoài việc cân nhắc kỹ về khả năng tài chính, khả năng trả góp, người mua nhà trả góp cần lưu ý chọn doanh nghiệp đầu tư bất động sản có uy tín, đồng thời cần có hỗ trợ thông tin, tư vấn của một bên tư vấn có uy tín. Người mua nhà cũng cần nhờ luật sư tư vấn về những nội dung, điều khoản trong hợp đồng để tránh tình trạng ký mua nhà rồi mới “há miệng mắc quai”.
Thu Ba