Mùa mận chín trên cao nguyên Mộc Châu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày hội hái quả trên cao nguyên Mộc Châu vừa được tổ chức đã thu hút hàng nghìn du khách thập phương đến tham gia trải nghiệm.

Ban giám khảo đang chấm điểm cho các đội thi tham gia hái quả.
Ban giám khảo đang chấm điểm cho các đội thi tham gia hái quả.

Trên thung lũng Nà Ka...

Ngày 27/5, tại thung lũng mận Nà Ka (thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) đã diễn ra Ngày hội hái quả mận hậu lần thứ 7. Bên lề ngày hội còn là nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc cũng được tổ chức nhân dịp này.

Trong ngày hội hái quả, thung lũng mận Nà Ka diễn ra sôi động với những dòng người tấp nập đổ về hòa cùng màu xanh tươi mát, màu mận chín đỏ. Những bộ trang phục dân tộc rực rỡ đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp.

Sau chương trình nghệ thuật đặc sắc, các đại biểu, du khách đã hòa mình vào không khí của Ngày hội hái quả mận hậu huyện Mộc Châu năm 2023.

Các đại biểu và người dân tham dự lễ hội hái mận tại thung lũng Nà Ka.

Các đại biểu và người dân tham dự lễ hội hái mận tại thung lũng Nà Ka.

Dưới sự cổ vũ nhiệt tình của đại biểu, người dân và du khách, các đội thi đã thể hiện sự khéo léo, nhanh nhẹn trong phần thi hái quả với những yêu cầu hái quả bằng tay (hoặc dụng cụ chuyên dụng), không được rung cây, bẻ cành, đập quả hoặc các thao tác gây ảnh hưởng cho cây.

Trong không gian ngập tràn tiếng cười là phần thi ăn quả từ chính những trái mận mà đội thi vừa hái được. Theo đó, mỗi đội thi sẽ chọn một đại diện tham gia để ăn được nhiều trái mận nhất. Quy định của phần thi này là phải thể hiện được sự hấp dẫn khi ăn trái mận, không để lại phần thịt quá nhiều trên hạt.

Trái mận được trang trí thành mô hình bắt mắt tại hội thi.

Trái mận được trang trí thành mô hình bắt mắt tại hội thi.

Ngoài việc trải nghiệm hái mận, thưởng thức những trái mận tươi ngon, du khách còn được tham quan, tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc ở Mộc Châu.

Tại ngày hội hái quả còn diễn ra cuộc thi Trại văn hóa giữa các đội thi đến từ các xã, thị trấn. Cùng với đó, các đội thi còn giới thiệu những phong tục tập quán, hoạt động độc đáo trong lao động sản xuất của dân tộc mình đến đông đảo du khách.

Vừa trải nghiệm hái mận tại ngày hội, ông Hoàng Anh Tuấn, du khách đến từ Hoà Bình hào hứng nói: "Về Mộc Châu, tôi thấy cảnh quan tuyệt đẹp, con người ở đây rất thân thiện, mến khách. Được tham gia trải nghiệm hái quả và thưởng thức những quả mận tươi ngon tại vườn tôi cảm thấy rất vui, không uổng chuyến đi này".

Các đội thi tham gia trò chơi "Ai ăn quả mận nhiều nhất".

Các đội thi tham gia trò chơi "Ai ăn quả mận nhiều nhất".

Hiện nay, quả mận hậu Mộc Châu đã vươn ra thị trường rộng lớn, những sàn thương mại điện tử uy tín, trở thành nông sản đặc trưng của địa phương. Ngày hội hái quả mận hậu Mộc Châu năm 2023 khép lại với những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân, du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Bà Hoàng Thị Hoài Anh đến từ Hà Nội cho biết: “Tôi với gia đình lên Mộc Châu vừa ngắm cảnh, vừa tham gia trải nghiệm tại vườn mận. Tôi rất thích không khí nơi đây, con người rất thân thiện và mến khách. Tôi đã tự tay chọn những quả mận chín mọng nước về làm quà cho người thân".

Thoát nghèo bền vững...

Với lịch sử hơn 30 năm phát triển, hiện nay huyện Mộc Châu là khu vực trồng mận hậu lớn nhất của cả nước, với tổng diện tích hơn 3.200 ha. Trong đó, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 2.400 ha, sản lượng ước đạt gần 29.000 tấn.

Từ những vườn mận trĩu quả, những người nông dân trồng mận trên địa bàn huyện Mộc Châu đã thay đổi cuộc sống, vươn lên trở thành những triệu phú và tỷ phú trên vùng đất cao nguyên.

Toàn cảnh ngày hội tại thung lũng mận Nà Ka.

Toàn cảnh ngày hội tại thung lũng mận Nà Ka.

Huyện Mộc Châu quy hoạch vùng trồng mận công nghệ cao tại thung lũng mận Nà Ka cấp mã số vùng trồng. Địa phương này luôn chú trọng tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ. Từ đó sản lượng và chất lượng quả mận được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, địa phương luôn khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở đẩy mạnh chế biến gia tăng giá trị các sản phẩm từ quả mận, như: Mận sấy, ô mai mận, siro mận hay rượu mận...vv.

Mộc Châu là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với 12 dân tộc anh em. Kết cấu hạ tầng tại các xã, bản đặc biệt khó khăn chưa đồng bộ. Các khu dân cư phân tán, khó khăn trong việc triển khai các chính sách, các chương trình, dự án; sản xuất hàng hóa nông nghiệp mang tính nhỏ lẻ, manh mún; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế... Toàn huyện có 13 xã, 2 thị trấn với 193 bản, tiểu khu; có 10 xã vùng I, 02 xã vùng II và 03 xã vùng III; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 4,36%.

Trong những năm qua, địa phương này đã không ngừng nỗ lực trong thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể kể đến như việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn 1: 2021 – 2025, huyện Mộc Châu đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả. Qua đó, tạo động lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ