Mưa lũ kéo dài, dạy học nương theo thời tiết

GD&TĐ - Mưa lũ kéo dài và liên tiếp khiến nhiều trường học vùng núi bị ảnh hưởng nặng nề.

Học sinh Trường Tiểu học Ca Thành, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) trong lớp học tạm. Ảnh: Phương Thảo
Học sinh Trường Tiểu học Ca Thành, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) trong lớp học tạm. Ảnh: Phương Thảo

Cùng với việc khắc phục hậu quả sau bão để sớm ổn định dạy - học, các trường học còn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát nguy cơ sạt lở, dự báo và lên kế hoạch đảm bảo an toàn cho thầy trò, cơ sở vật chất.

Chạy lũ trong đêm

Đêm 30/9, một trận mưa lớn khiến nước từ khe Mạt đổ ập xuống Trường PTDTBT Tiểu học Lượng Minh (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An). Để đảm bảo an toàn, các thầy, cô giáo sơ tán khẩn cấp 361 em đến nơi an toàn. Chỉ trong thời gian ngắn, nước lũ kéo theo bùn đất ngập khắp sân trường.

Phòng học, khu nhà bếp, nhà ăn bán trú, nhà vệ sinh... bị ngập gần 1m. Sau khi nước rút, các phòng học tầng trệt đều ngập trong lớp bùn dày khoảng 30cm. Do lũ lên nhanh, nhà trường không kịp sơ tán tài sản khiến toàn bộ đồ dùng học tập, sách vở của học sinh bị ngập nước, hư hỏng.

Trận mưa lũ trong tháng 9 vừa qua khiến Trường Mầm non Đồng Thịnh (huyện Định Hóa, Thái Nguyên) bị sạt lở điểm trường chính và điểm trường An Thịnh, cách trường chính 6km.

“Nhà trường mong muốn chính quyền địa phương có phương án dài hơi xây bờ kè để phòng ngừa diễn biến bất thường của thời tiết và đảm bảo an toàn cho học sinh”, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Thắm bày tỏ.

Trong ngày 1/10, lực lượng chức năng và người dân địa phương phối hợp với nhà trường dọn bùn đất ra khỏi trường lớp. Dự kiến phải mất 2 ngày mới dọn hết số bùn đất này.

Tại TP Yên Bái (Yên Bái), ông Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng GD&ĐT TP Yên Bái thông tin: “Mưa lớn nên sáng 1/10, trên địa bàn TP Yên Bái có 2 trường cho học sinh nghỉ học tạm thời để đảm bảo an toàn.

Đó là Trường Tiểu học Yên Ninh và Trường Tiểu học Nam Cường. Hai trường trong đợt mưa lũ ngày 9/9 bị ảnh hưởng do gần taluy và có nguy cơ sạt lở. Sau khi các lực lượng chức năng khảo sát, kiểm tra tình hình thực tế, chúng tôi sẽ cho học sinh đi học lại trong điều kiện an toàn nhất”.

Phía sau Trường Tiểu học Nam Cường (TP Yên Bái) có mái taluy cao khoảng hơn 10m, sau bão số 3 bị sạt lở những mảng nhỏ. Trong cơn mưa sáng ngày 1/10, có những tảng nhỏ trôi theo nước, ban giám hiệu cảm thấy bất an nên cho học sinh sơ tán ra nơi an toàn.

“Mặc dù khoảng cách giữa taluy và lớp học cách nhau chừng 5 - 6m, nhưng các cơ quan chức năng kiểm tra nếu chưa đảm bảo an toàn, chúng tôi sẽ có phương án ghép lớp hoặc bố trí cho học sinh học tại các phòng chức năng của nhà trường thời gian tới”, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quang Huy nói.

Cũng bị ảnh hưởng bởi bão số 3, sáng 1/10, thời tiết mưa to, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Yên Ninh (TP Yên Bái) đã báo cáo lãnh đạo và thông báo cho phụ huynh đón các em về nhà. Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Bình, sau khi được cơ quan chức năng kiểm tra, nếu đảm bảo điều kiện an toàn, nhà trường sẽ cho học sinh đi học trở lại.

Tại huyện Văn Chấn (Yên Bái), tình trạng mưa lớn cũng gây khó khăn trong việc dạy học của các thầy, cô giáo và học sinh. “Sáng 1/10, Trường Tiểu học Tú Lệ cho học sinh nghỉ học tạm thời. Mưa lớn khiến nước dâng nhanh, không có điểm sạt lở, tuy nhiên ở Trường Tiểu học Tú Lệ, có một rãnh nước chảy lớn khiến học sinh không thể đến trường nên chúng tôi cho các em nghỉ học tạm thời. Địa phương đã xử lý, khắc phục đồng thời đảm bảo điều kiện an toàn cho nhà trường”, ông Nguyễn Minh Đức - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trấn Yên thông tin.

day-hoc-nuong-theo-thoi-tiet-1-7287.jpg
Lực lượng dân quân xã Trà Nam và phụ huynh hỗ trợ Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Trà Nam (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đào mương thoát nước để tránh xói lở tại khu nội trú của trường. Ảnh: NTCC

Đảm bảo phương châm 4 tại chỗ

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, địa phương có 2/3 diện tích là đồi núi nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho trường lớp và học sinh mùa mưa bão, Sở GD&ĐT Nghệ An thường xuyên nắm bắt thông tin dự báo thời tiết, xác định các khu vực trường học gần sông, suối, đồi núi có nguy cơ lũ quét, sạt lở cao.

Sở cũng yêu cầu các nhà trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương chủ động phòng chống, thực hiện phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).

Theo ông Hoàn, đối với các trường, điểm trường bán trú, nội trú đóng ở vùng núi có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở cao phải có phương án dự phòng để đảm bảo an toàn cho học sinh. Cắt cử cán bộ, giáo viên túc trực 24/24 giờ; nếu mưa kéo dài, lũ lên nhanh, có dấu hiệu sạt lở phải nhanh chóng di dời học sinh, tài sản, đồ dùng học tập đến nơi an toàn.

Do nhiều bản làng, điểm trường ở các huyện miền núi Nghệ An nằm xa khu vực trung tâm, các tuyến đường thường xuyên bị mưa lũ, sạt lở chia cắt. Chính vì thế, căn cứ vào tình hình mưa lũ thực tế, các trường học chủ động thông báo cho học sinh nghỉ học ở nhà, tránh trường hợp không an toàn trên đường tới trường. Đồng thời, thầy cô lên phương án đảm bảo nhân lực, nhu yếu phẩm để giữ học sinh ở lại trường vào 2 ngày cuối tuần, không để các em về nhà nếu chưa an toàn.

day-hoc-nuong-theo-thoi-tiet-4-8454.jpg
Lãnh đạo huyện Tương Dương kiểm tra trường học bị lũ quét trong đêm 30/9. Ảnh: Phạm Tâm

Trường PTDTBT Tiểu học Huồi Tụ 2 (xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) có 1 điểm trường chính và 4 điểm trưởng lẻ với hơn 300 học sinh. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thế Vĩnh, năm 2022, ngọn núi phía sau trường bị sạt lở, khiến nhà trường phải sơ tán khẩn cấp học sinh khỏi nhà bán trú. Do khu ở bán trú của học sinh chưa được xây dựng kiên cố, dựng tạm bằng khung sắt nên sau đó, nhà trường cải tạo lại nhà đa chức năng thành nơi tránh trú, sử dụng trong những tình huống cần thiết.

Để tránh tình trạng sạt lở, vào đầu mùa mưa bão, nhà trường cùng người dân địa phương kiểm tra địa chất đồi núi phía sau trường, sau đó đào rãnh để thoát nước mưa. Khi trời mưa to, nước mưa sẽ chảy theo các rãnh giúp hạn chế tình trạng đất bị ngấm nước lâu dài gây sạt lở. Bên cạnh đó, vào đầu năm học, nhà trường rà soát lại cơ sở vật chất. Nếu trường lớp xuống cấp sẽ có phương án xử lý, di dời tài liệu, đồ dùng dạy học đến phòng cao ráo, kiên cố.

Theo thầy Vĩnh, các điểm trường lẻ học sinh thường đi về nhà trong ngày nên cơ sở vật chất được giao cho Ban quản lý cộng đồng dân cư trông coi. Còn điểm trường học sinh ở lại từ thứ 2 đến thứ 6 luôn có giáo viên, lãnh đạo trực 24/24, sẵn sàng di dời khẩn cấp học sinh và tài sản khi có nguy cơ lũ quét, sạt lở.

Tương tự, Trường PTDTBT Tiểu học Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) có 100 học sinh ở lại buổi trưa tại trường. Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn các em khi qua sông, suối, đề phòng nước lũ dâng hoặc sạt lở đất.

“Giáo viên chủ nhiệm các lớp đều được lưu ý, trong tình huống thời tiết diễn biến bất thường, nếu không có phụ huynh đón thì tuyệt đối không để học sinh tự về nhà; không để các phụ huynh khác đón thay”, thầy Bùi Quang Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

day-hoc-nuong-theo-thoi-tiet-3-2720.jpg
Đường đi Phình Hồ, Làng Nhì, Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Ảnh: Đức Hạnh

Vượt khó đến trường

Học sinh Trường PTDTBT THCS Văn Lăng (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đa phần ở cách trường từ 10 - 20km. Để thuận tiện cho việc học, các em ở lại bán trú tại trường. Chia sẻ thông tin, cô Long Thị Anh - Hiệu trưởng nhà trường đồng thời thông tin: “Trong đợt mưa lũ vừa qua, do sạt lở, địa hình chia cắt nên học sinh nghỉ học 1 tuần. Các em trở lại trường học tập và ổn định từ ngày 12/9. Sau 2 tuần, sĩ số các lớp đều duy trì, không có tình trạng học sinh nghỉ học”.

Để bù đắp kiến thức cho các em sau những ngày nghỉ học, Trường PTDTBT THCS Văn Lăng tổ chức dạy bù để kịp tiến độ thực hiện khung thời gian năm học. Đây cũng là vấn đề khiến giáo viên vất vả hơn trong quá trình tổ chức dạy học sau bão lũ.

Còn tại Trường Tiểu học Ca Thành, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), mưa bão làm sạt lở taluy ở trước mặt sân trường và phía sau có vết nứt dài khoảng 50m và có nguy cơ xảy ra sạt lở. Để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, trường đã xin ý kiến của UBND xã Ca Thành, Phòng GD&ĐT huyện Nguyên Bình để di dời học sinh sang trường mầm non, quây bạt khu vực sân khấu của trường mầm non thành hai lớp học, lớp còn lại học ở khu vực bếp ăn ngoài hiên có mái tôn.

Theo cô Hoàng Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ca Thành, đây là giải pháp tạm thời để học sinh có được chỗ ngồi học, đảm bảo chương trình học của năm. Về lâu dài, cần có phương án để di chuyển trường ra khỏi khu vực bị sạt lở. Trên thực tế, 5 lớp học của trường đã xuống cấp. Trường cũng không có phòng chức năng, bếp ăn nên dù các em nhà xa trường, ngày học 2 buổi thì trường cũng không thể nấu ăn bán trú. Phần lớn các em đều tự mang cơm nắm từ nhà để ăn trưa.

Thầy trò 2 điểm trường Lăng Lương và Răng Chuỗi thuộc Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) vừa khẩn trương di chuyển sang địa điểm khác dạy học để đảm bảo an toàn do phát hiện vết nứt ở quả đồi phía sau dãy phòng học.

Quảng Nam mới đối diện với những tác động đầu tiên của mùa mưa bão. Các trường học ở những địa phương nằm trong bản đồ cảnh báo sạt lở như huyện Nam Trà My, Nam Giang, Đông Giang… đều được hướng dẫn phải thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương để rà soát vị trí có nguy cơ cao về sạt lở theo bản đồ cảnh báo lẫn trong điều kiện thực tiễn. Đây là giải pháp giúp các trường học có sự chủ động trong phương án ứng phó khi mùa mưa bão mới bắt đầu.

Trường PTDTBT Tiểu học Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) quy định, thầy, cô giáo có nhà cách trường trên 25 km phải ở nội trú, không đi về trong ngày để đảm bảo an toàn.

Theo thầy Hiệu trưởng Bùi Quang Ngọc, có những tình huống thầy cô không lường hết được như sạt núi, nước suối dâng cao, tràn đập tràn… khi di chuyển trên đường trong những ngày thời tiết bất thường. Nhiều thầy, cô giáo trẻ, chưa quen địa hình lại có tâm lý chủ quan, sợ trễ giờ, bỏ tiết… Vì vậy, nhà trường quy định giáo viên ở lại nhà công vụ để thuận tiện trong hoạt động giáo dục và đảm bảo an toàn, tránh bất trắc trên đường đi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ