Mùa 'kiến làm tổ'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hè đến, tại nhiều ngôi trường ở vùng khó vẫn vang tiếng thầy cô. Không đứng trên bục giảng, họ khoác lên mình bộ quần áo lao động nhịp nhàng tay xẻng, tay bay… Những nhà lớp học, phòng ở nội trú, bếp ăn, sân trường mới… được dựng lên không chỉ bằng vật liệu xây dựng mà còn từ nhiệt huyết, tình yêu thương dành cho các lứa học trò.

Có lớp học mới, học sinh tại điểm Nậm Ma, Trường Mầm non Pú Hồng giờ đây có điều kiện học tập tốt hơn.
Có lớp học mới, học sinh tại điểm Nậm Ma, Trường Mầm non Pú Hồng giờ đây có điều kiện học tập tốt hơn.

Gùi từng viên gạch, bao cát

Trong ký ức của cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Trường Mầm non Pú Hồng (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) hình ảnh về những ngày tháng “dựng lớp, xây trường” vẫn còn nguyên vẹn. Đặc biệt là mùa hè năm 2019 – thời gian cao điểm “kiến thiết” của nhà trường. Cô bảo: “Chưa có năm nào chúng tôi kết nối được kinh phí để xây dựng nhiều lớp học đến thế”.

Hàng loạt các điểm trường tranh, tre, nứa, lá dần được gọi tên, như: Pú Hồng A, Ao Cá, Nà Nếnh A, Mường Ten, Tin Tốc B… Thay thế vào đó là những lớp học, nhà ở giáo viên được xây dựng, kiên cố hóa vững chãi, khang trang. Thế nhưng, hai tháng ròng rã “đánh vật” với thời tiết, địa hình để hoàn thành điểm trường Nậm Ma là thành quả cô Hiền luôn tự hào nhất.

“Đây là điểm xa xôi, khó khăn nhất, cách trường trung tâm 24km, hoàn toàn đường đất lại ngược dốc. Xe đi chỉ có thể cài số 1. Chúng tôi bắt đầu khởi công từ tháng 7, đúng vào cao điểm mùa mưa nên nỗi vất vả càng tăng thêm bội phần”, cô Hiền bộc bạch.

Toàn bộ kinh phí để xây dựng điểm trường (trên 200 triệu đồng) được Quỹ xây trường vùng cao hỗ trợ. Tuy nhiên, theo cô Hiền, để có nguyên vật liệu thi công, giáo viên và bà con dân bản phải gùi từng viên gạch, bao cát từ ngoài vào.

“Chúng tôi phải lựa thời tiết, tranh thủ triệt để những lúc nắng lên mới vận chuyển vật liệu. Song thời tiết trong này thất thường nên không tránh khỏi những cơn mưa bất chợt. Nhiều hôm xe chở được vào đến nửa đường thì không thể đi, nhà trường, dân bản phải tăng bo tiếp nối. Bà con đa phần nghèo, chỉ vài nhà có xe máy, còn lại chủ yếu dùng sức người để gùi gạch, cát”, cô Hiền nhớ lại.

Suốt hơn 2 tháng ròng rã, vừa thi công vừa chờ nguyên vật liệu vận chuyển từ ngoài vào, điểm trường mới hoàn thành. Cô Hiền bảo không biết bao nhiêu giọt mồ hôi và cả nước mắt của giáo viên, bà con dân bản đã hòa cùng những cơn mưa. Thế nhưng, khi nhìn hơn 20 học sinh con em đồng bào Khơ Mú địa phương được học tập, chơi đùa trong phòng học mới xây dựng khang trang, mọi vất vả đều được bỏ lại phía sau.

Phụ huynh cùng tham gia hỗ trợ vận chuyển vật liệu xây dựng tại Trường Mầm non Pú Hồng.

Phụ huynh cùng tham gia hỗ trợ vận chuyển vật liệu xây dựng tại Trường Mầm non Pú Hồng.

Những đôi tay… “xấu xí”

Cô Đỗ Thị Thúy và tập thể giáo viên Trường Mầm non Mường Pồn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) cũng vừa trải qua những ngày hè bận rộn, song đầy ý nghĩa. Chìa đôi bàn tay chai sần, rám nắng, cô Thúy nói: “Nhìn thế này chắc chẳng ai bảo tay giáo viên mầm non đâu nhỉ. Nhưng mà tôi lại thấy vui vì nó xấu đi không hề vô nghĩa”.

Rồi cô Thúy kể, suốt từ cuối tháng 4 tới nay, hoạt động tu sửa, xây mới nhiều hạng mục diễn ra liên tục tại các điểm trường. Bởi nhà trường đang trong quá trình hoàn thiện, phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2023. Thời gian này, Ban giám hiệu cùng giáo viên nhà trường phân công nhau túc trực tại các điểm để giám sát và hỗ trợ quá trình thi công.

“Là quản lý nên tôi càng không thể vắng mặt. Nhà cách trường gần 30km nên ngày nào tôi cũng đi đi, về về như con thoi. Phần xây dựng chính và lắp đặt các thiết bị thì buộc phải thuê thợ rồi. Nhưng giáo viên và bà con dân bản thì tham gia hỗ trợ vòng ngoài. Nhìn thế thôi chứ vô vàn việc không tên”, cô Thúy nói.

Tại điểm trung tâm, để có mặt bằng xây dựng khu vực nhà ăn phía sau, nhà trường phải vận chuyển hơn 40 xe đất từ nơi khác về tạo nền. Thế nhưng vì xe không thể vào tận nơi, nên đất được tập kết phía ngoài. Nhà trường huy động toàn bộ giáo viên để vận chuyển thủ công.

Giáo viên và phụ huynh Trường Mầm non Mường Pồn tham gia hỗ trợ xây dựng tại điểm trường trung tâm.

Giáo viên và phụ huynh Trường Mầm non Mường Pồn tham gia hỗ trợ xây dựng tại điểm trường trung tâm.

“Ban đầu chúng tôi cứ xách từng xô đất, rồi sau đó lại mượn xe rùa của dân để đẩy. Nhưng vì khối lượng quá lớn, chất chồng cao quá nóc nhà, mà giáo viên cả trường mới có hơn 30 người nên làm không xuể. Sau đó trường phải nhờ đến sự hỗ trợ của bà con dân bản”, cô Thúy chia sẻ.

Là Bí thư Đoàn trường, nên cô giáo Vi Thị Yên đã phát huy vai trò xung kích của thanh niên để đi đầu nhận nhiệm vụ. Cô Yên tâm sự, ban đầu, khi nhìn khối lượng đất quá lớn ai cũng bảo “nếu cứ vận chuyển thủ công thì không biết đến bao giờ mới hoàn thành”. Nhưng rồi các cô lại động viên nhau bằng suy nghĩ “kiến tha lâu cũng đầy tổ”.

Bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, các cô khoác lên mình những bộ quần áo lao động, chân xỏ giầy, đầu đội nón. Đôi bàn tay giáo viên mầm non vốn chỉ dành để múa và thực hiện các cử chỉ nhẹ nhàng chăm sóc trẻ. Vậy mà, giờ ai nấy thoăn thoắt xúc từng xẻng đất, đẩy từng xe rùa dưới thời tiết nắng – mưa thất thường của mùa hè vùng cao.

“Bảo hộ rất kỹ như thế mà giờ nhìn da ai cũng đen nhẻm đi vì cháy nắng. Ngày nào làm xong mồ hôi cũng ướt đẫm áo quần, hôi rình. Rồi tay, chân trầy xước, phồng rộp cả lên. Vất vả nhất là gần một tuần vận chuyển đất thôi. Vì vừa làm vừa mưa, bùn đất chảy ra nhầy nhụa, trơn trượt bám đầy quần áo, mặt mũi. Nhưng chúng em động viên nhau, mỗi người nỗ lực thêm một chút là ngày mai học sinh có trường sạch, lớp đẹp để học rồi”, cô Yên bộc bạch.

Học sinh Trường Mầm non Mường Pồn được học tập trong cơ sở mới khang trang hơn.

Học sinh Trường Mầm non Mường Pồn được học tập trong cơ sở mới khang trang hơn.

Gom nhiệt huyết, góp yêu thương

Con đường đất nhầy nhụa sau mưa; người đồng nghiệp mướt mát mồ hôi, vật lộn với chiếc xe đặc kín bùn đất 2 bánh; lũ trẻ nhếch nhác ngồi học trong căn phòng tranh tre siêu vẹo, trống huơ hoác... Những ghi nhận từ thực tế ám ảnh tâm trí đã thúc giục cô Nguyễn Thị Hiền phải làm điều gì đó.

Gọi chỗ nọ, “ới” chỗ kia, cô Hiền nhắn tin rồi viết thư xin tài trợ, với khát khao thay đổi diện mạo cho ngôi trường mình đang giảng dạy. Tình yêu thương của cô đã kết nối được những tấm lòng thiện nguyện đồng cảm, sẻ chia, trao gửi để dựng xây lên hàng loạt lớp học mới.

Từ năm 2019, những mùa hè không còn trôi qua lặng lẽ như trước. Ở các điểm trường của Pú Hồng rộn rã tiếng đầm nền, khoan cắt… hòa chung nụ cười của giáo viên và bà con bản địa. Giờ đây, 17 điểm trường ở Pú Hồng đều đã được kiên cố hóa, đảm bảo điều kiện học tập cho gần 700 con em các dân tộc địa phương.

Cô Hiền cho biết: “Trong tổng số 30 phòng học hiện có thì 7 phòng đã được xây dựng kiên cố, 12 phòng bán kiên cố, 11 nhà lắp ghép. Chúng tôi hạnh phúc vì ngoài 9 phòng sử dụng nguồn ngân sách thì toàn bộ số còn lại là xã hội hóa từ sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện”.

Cô Hà Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Nhè, huyện Tủa Chùa thì tâm sự, sau nhiều lần chứng kiến các tổ chức thiện nguyện lên tặng quà cho học sinh địa bàn, cô không khỏi trăn trở. “Không lẽ cứ chờ đợi nơi khác đến giúp đỡ những thứ mà mình cần? Trong khi ở đây mình cũng có thể chủ động làm được một vài điều?!”.

Do khó khăn về giao thông nên việc vận chuyển nguyên liệu để xây dựng các điểm trường ở Pú Hồng hết sức vất vả.

Do khó khăn về giao thông nên việc vận chuyển nguyên liệu để xây dựng các điểm trường

ở Pú Hồng hết sức vất vả.

Rồi đến khi nhận thông tin nhà trường được một tổ chức xã hội từ thiện đầu tư xây mới nhà lớp học tại 2 điểm bản, cô Hạnh đã biến trăn trở thành hành động. Báo tin vui đến bà con, cô Hạnh cũng tranh thủ tâm sự, vận động mỗi gia đình cùng tham gia đóng góp ngày công để công trình sớm hoàn thành.

Vậy là giáo viên, phụ huynh cùng bắt tay vào việc. Trước tiên là mở đường. Chỉ sau một ngày, đoạn đường nhỏ hẹp rẽ vào trường đã được mở rộng để xe chở vật liệu thuận tiện đi lại. Khung nhà lớp học cũ nhanh chóng được tháo dỡ, tạo mặt bằng để thợ bắt tay vào thi công.

“Chỉ sau hơn một tháng, đến nay cả 2 điểm trường đều đã xây dựng xong, bao gồm đầy đủ các hạng mục: Phòng học, phòng ở của giáo viên, sân trường, tường bao, công trình vệ sinh… Bà con nhìn thành quả, ai cũng phấn khởi. Giờ chúng tôi chỉ chờ ngày bàn giao”, cô Hạnh nói.

Còn tại xã vùng cao Huổi Mí, huyện Mường Chà, từ năm học tới tập thể giáo viên Trường PTDTBT THCS đã có thể yên tâm hơn vì các lớp học đều được xây dựng, lắp đặt kiên cố hóa. Những ngày gùi đất tạo nền, trộn vữa xây tường… giờ chỉ còn trong ký vãng. Thời điểm này các thầy cô giáo đều đã có mặt tại trường. Ngoài làm công tác chuyên môn, thầy cô dọn dẹp, vệ sinh nhà lớp học, cảnh quan và sửa chữa những chỗ hỏng hóc trong hè.

“Mùa hè ở miền núi thường có mưa bão, gió lốc nên nhà lớp học sẽ bị ảnh hưởng. Năm nào nặng mà sạt lở, sập tường, tốc mái… thì giáo viên vất vả hơn. Nhưng năm nay không bị ảnh hưởng nhiều nên chúng tôi chỉ dọn dẹp, vệ sinh cảnh quan trường lớp, phòng ở, giặt chăn màn… Làm sao mọi thứ sẵn sàng, thơm tho để chờ đón học sinh về học tập, sinh hoạt”, cô giáo Lò Thị Quỳnh tâm sự.

Những ngày này ở vùng cao vẫn chưa hết mưa. Giông lốc, gió bão theo mưa kéo về sầm sập ngoài trời. Nằm trong căn phòng công vụ giữa bốn bề núi rừng, cô Quỳnh yên tâm nghỉ ngơi sau giờ lao động. Giờ đây, mỗi lần mưa gió, cô giáo vùng cao đã không còn phải nơm nớp lo sợ khi nghĩ đến đám học trò bên khu nội trú…

Ban đầu bà con cũng chưa hiểu ra. Nhưng tôi nói, lớp học hiện tại làm hoàn toàn bằng tôn, rất nóng. Nhiều năm trước, đã có trường hợp học sinh vì nóng quá mà đổ máu cam. Giờ có người cho tiền xây mới, khang trang, sạch sẽ, mát mẻ và đặc biệt là đảm bảo an toàn hơn thì tốt quá. Bà con chỉ việc đóng góp công sức cùng tham gia. Công trình nhanh hoàn thành thì con cháu của mình càng sớm được hưởng thụ. Nghe vậy, ai cũng hồ hởi đăng ký. - Cô Hà Thị Hạnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ