Trường lớp xây dựng dở dang, thầy trò loay hoay tìm chỗ học

GD&TĐ - Được khởi công xây dựng từ năm 2010, nhưng đến nay, khu nhà ở bán trú dành cho HS Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH và THCS Dân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) vẫn chưa được hoàn thành. 

Trường lớp xây dựng dở dang, thầy trò loay hoay tìm chỗ học

Sau 7 năm, công trình nhà bán trú mới chỉ xây dựng được một phần, rồi bị “đắp chiếu” trong sự mong ngóng của giáo viên, phụ huynh, HS.  Vì điều kiện đi lại học tập hết sức khó khăn nên tình trạng HS nghỉ học, bỏ học khiến nhà trường hết sức trăn trở, lo lắng.

Công trình nhà bán trú 7 năm nằm đắp chiếu

Theo phản ánh của đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH và THCS Dân Hóa, công trình nhà bán trú cho HS của trường được khởi công xây dựng từ năm 2010 với số vốn 3,5 tỷ đồng do UBND xã Dân Hóa làm chủ đầu tư.

Công trình được thiết kế hai tầng, 20 phòng ở cho HS trong khu vực trường. Tuy nhiên, công trình mới thi công được một thời gian ngắn thì gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng vì vướng mắc một nhà dân và một cột điện nên phải dừng lại.

Mặc dù, chủ đầu tư đã trả hết số tiền cho nhà thầu, nhưng nhà thầu đã biến mất khi công trình mới làm được phần móng, trụ và xây được khoảng 1/2 tường của tầng một. Từ đó, công trình nhà bán trú Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH và THCS Dân Hóa bị “đắp chiếu” cho đến nay.

Theo thầy Nguyễn Văn Văn Chương - Hiệu trưởng, việc thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú thực sự là một thuận lợi lớn, giải quyết được nhiều khó khăn khách quan trong lĩnh vực giáo dục, như: Giảm tỷ lệ lớp ghép, nâng cao điều kiện học tập, thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên, HS, giáo dục toàn diện, ngăn chặn tình trạng HS bỏ học, thực hiện công tác phổ cập giáo dục…

Cũng nhờ có mô hình trường học bán trú mà nhận thức, sự đầu tư chăm lo cho sự nghiệp giáo dục ngày càng được người dân, xã hội quan tâm.

Vì thế nhà trường có điều kiện thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, đội ngũ giáo viên chuyên tâm thực hiện đổi mới cách giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Bởi vậy, khi nghe có dự án đầu tư xây dựng nhà bán trú cho con em HS nhà trường, cán bộ, giáo viên, phụ huynh, HS tỏ ra rất vui mừng, phấn khởi.

Ai cũng mong ngóng công trình mau chóng hoàn thành để đưa vào hoạt động, các em HS chấm dứt cảnh đi ở nhờ, hay băng rừng, vượt suối đến lớp. Ấy vậy mà sau 7 năm xây dựng, công trình lại đắp chiếu, bỏ hoang.

Hiện nay, do không có chỗ ăn, ở lại nên có khoảng 100 em HS khối THCS ở bản Cha Lo, Ka Ai, Ka Vàng, Ba Loóc đang có nguy cơ bỏ học.

Bởi tính quãng đường từ bản Cha Lo về trường mất gần 20 km, bản Ka Ai khoảng 12 km, bản Ka Vàng khoảng 10 km, bản Ba Loóc khoảng 5 km, đường đến lớp có rất nhiều dốc nên các cháu gần như không thể đi bằng xe đạp mà chỉ có thể đi bộ, đi xe khách hoặc gia đình phải chở xe máy.

Do việc đi lại quá khó khăn nên mỗi năm có từ 3 - 5 HS phải bỏ học, riêng năm học 2015 - 2016 đã có 4 HS trong trường bỏ học hẳn. Hiện các HS còn lại vẫn đến lớp nhưng rất thất thường.

Em Hồ Bắc (sống ở bản Cha Lo) đã phải bỏ học nói: “Do đường xa quá, nhà cháu lại nghèo nên không có tiền đi xe khách đến trường, do vậy cháu phải nghỉ học vào rừng hái măng bán, khi nào bán có tiền, cháu lại đi học”.

Mong ngóng công trình hoàn thành

Trước tình thế đó, để tạo điều kiện ăn ở cho các em HS, nhà trường đã nhường lại 2 phòng nội trú của giáo viên cho HS. Hiện nhu cầu được ăn ở bán trú tại trường của HS còn rất lớn nhưng nhà trường không có phương án nào giúp được HS, chính vì vậy, tình trạng HS nghỉ học, bỏ học vẫn diễn ra.

Trao đổi vấn đề này với chính quyền địa phương xã Dân Hóa, ông Đoàn Phúc Hạnh - Chủ tịch UBND xã Dân Hóa - cho hay: Trong thời gian qua, UBND xã Dân Hóa cũng rất trăn trở về vấn đề này và đang tìm mọi cách để xử lý, tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn thành công trình.

Theo đó, UBND xã Dân Hóa có kế hoạch đầu tư nguồn kinh phí 5 tỷ đồng để tiếp tục thi công lại nhà bán trú cho HS ở tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH và THCS Dân Hóa. Tuy nhiên, nếu được triển khai, nhà bán trú cũng không thể hoàn thành “một sớm, một chiều”.

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Minh Hóa, sau khi nắm bắt được sự việc ngưng trệ trong triển khai xây dựng công trình nhà bán trú HS Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH và THCS Dân Hóa, Phòng GD&ĐT huyện đã nhiều lần gặp gỡ, trao đổi với chính quyền địa phương tìm hiểu khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.

Trước sự việc đó, Phòng GD&ĐT thực sự thấy rất lo lắng, đồng thời mong muốn công trình sớm được triển khai xây dựng lại, sớm hoàn thành giúp HS có điều kiện ăn ở bán trú thuận lợi.

Ngăn chặn được tình trạng HS bỏ học, nhà trường ổn định được nề nếp dạy học, tổ chức hoạt động bán trú thuận lợi, còn đội ngũ giáo viên yên tâm đứng lớp dạy học, kèm cặp giúp đỡ HS, nâng cao chất lượng dạy học.

Thầy Nguyễn Văn Văn Chương - Hiệu trưởng - cho biết: Để ngăn chặn tình trạng HS bỏ học, trong thời gian qua, nhà trường đã tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, mặt trận, Bộ đội Biên phòng đến từng nhà để vận động các em đến lớp.                                                                                                                                                  Tuy nhiên, tình hình không mấy được cải thiện vì điều kiện quá khó khăn có khoảng 70 HS vẫn đi học thất thường, có em nghỉ thường xuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.