Bên cạnh những thể nghiệm mang tính chất hiện đại, quốc tế thì sự tìm tòi kết hợp với vẻ đẹp truyền thống cũng chính là thế mạnh để bộ môn nghệ thuật này thăng hoa.
Ngành nghệ thuật còn non trẻ
Múa hiện đại là bộ môn đòi hỏi sự linh hoạt, sức sáng tạo và tưởng tượng không ngừng. Đây là loại hình nghệ thuật múa kết hợp giữa các yếu tố khiêu vũ hiện đại và ballet cổ điển, thể hiện cảm xúc bay bổng của người nghệ sĩ.
Trong nghệ thuật múa đương đại, những mối quan tâm tới các vấn đề xã hội và điều kiện tinh thần của con người chính là đề tài mà các đạo diễn khai thác.
Múa đương đại xuất hiện tại nước ta khoảng hơn 20 năm gần đây. Giống như nhiều bộ môn nghệ thuật, khi mới du nhập tại Việt Nam, những ngày đầu múa đương đại Việt đã gặp không ít khó khăn trong việc định hình và phát triển.
Thời điểm đó loại hình này còn mang tính thể nghiệm là chính. Thời gian đầu chúng ta chủ yếu mời và xem các đoàn múa nước ngoài sang biểu diễn giao lưu, qua đó từng bước tiếp cận và học hỏi.
Theo biên đạo múa Nguyễn Phúc Hải (Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM) thì: Để có thể làm nghề, phát huy được tư duy sáng tạo nghệ thuật múa đương đại, bên cạnh việc học tập bài bản từ trường lớp nghệ thuật chính quy, những người theo đuổi môn nghệ thuật này phải tự mày mò học hỏi thêm, tự tìm kiếm cho mình hướng đi riêng.
Vì nếu không tự mở rộng tầm nhìn, bổ sung kiến thức chuyên môn, biên đạo múa khó phát huy được chất sáng tạo, xây dựng được phong cách riêng.
Hội nhập kết hợp với bản sắc riêng
Để có được một tác phẩm múa đương đại ra mắt khán giả, cần khá nhiều điều kiện: Tư duy và khả năng biên đạo, khả năng của diễn viên, ê kíp sản xuất, nhạc sĩ, người làm phim ảnh, ánh sáng, sân khấu trình diễn, kinh phí tổ chức…
Những nghệ sĩ thành danh trong làng múa Việt cũng đã dày công xây đắp được con đường nghệ thuật múa khá dài trong suốt những năm qua với nhiều thành tựu kết hợp giữa tinh túy của nghệ thuật múa dân tộc với nghệ thuật múa thế giới.
Một trong những tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc đối với người xem đó là vở “Cánh chim và mặt trời” của biên đạo múa NSND Thái Ly. Tác phẩm là một minh chứng cho sự kết hợp ngôn ngữ Đông - Tây, hài hòa giữa múa dân tộc Khmer và múa cổ điển châu Âu.
Điều này mang đến sự thuyết phục lớn cho việc chúng ta có thể dàn dựng loại hình múa đương đại một cách sáng tạo khi khai thác kết hợp với phong cách truyền thống của dân tộc.
Mới đây, Cuộc thi Tài năng biên đạo trẻ 2016 tổ chức 2 năm một lần, vừa kết thúc, cũng được coi như một trong những giải pháp của ngành múa, tạo thêm “sân chơi” để các tài năng múa thể hiện năng lực bản thân, qua đó phát hiện thêm nhiều gương mặt mới cho múa.
Theo giới chuyên môn đánh giá thì chưa mùa nào số lượng thí sinh và tác phẩm tham gia nhiều như năm nay, cũng chưa mùa nào chất lượng tác phẩm lại đồng đều như lần này. Hơn 30 biên đạo trẻ chuyên và không chuyên mang đến 30 tiết mục với sắc màu đa dạng từ múa dân gian, truyền thống đến khai thác thể loại múa đương đại, ballet hiện đại, múa cổ điển phương Tây…
Các đề tài được các biên đạo trẻ lựa chọn rất phong phú như đề tài chiến tranh, hậu chiến và hòa hợp dân tộc trong “Tình bạn” của Hoàng Thái Sơn; “Góc khuất” của Nguyễn Thế Duy; “Đời cát” của Trần Văn Hiệp… hoặc đề tài về thế giới tâm hồn, những rung động sâu kín của người phụ nữ Việt Nam trong tác phẩm “Cầm giả ca”, “Dạ cổ hoài lang”… hay đề tài về những trăn trở trong đời sống tâm lý, tình cảm con người Việt thời hội nhập qua tác phẩm “Cân bằng”, “Phía sau”. “Ai điên, ai tỉnh”…
Với vở múa “Dạ cổ hoài lang”, diễn viên không múa trên nền cổ nhạc nguyên bản của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu mà biến tấu, có trường đoạn ngưng nghỉ với tiếng đàn mộc nghe như đứt ruột đứt gan giúp tác phẩm tăng hiệu ứng. Những chiêm nghiệm đời sống khá già dặn đã giúp họ có những tác phẩm thăng hoa, đầy hiện đại nhưng vẫn đậm bản sắc Việt.