Châu Âu đang đối mặt với một mùa đông có thể là khắc nghiệt chưa từng có sắp tới, khi cơ quan khí tượng châu Âu, ngày 4/10, cảnh báo hiện tượng La Nina sẽ khiến thời tiết lạnh hơn mọi năm, trong bối cảnh châu lục này đang khủng hoảng năng lượng.
Theo Trung tâm Dự báo Thời tiết Trung hạn châu Âu (ECMWF), một đợt lạnh sớm do La Nina có thể xuất hiện vào tháng 11 và 12 tới, khiến thời tiết châu Âu lúc đó lạnh và khô hơn so với cùng thời điểm các năm trước đó. Hiện tượng La Nina xảy ra khi nhiệt độ bề mặt đại dương giảm mạnh và chỉ xuất hiện vài năm một lần.
Cảnh báo này được đưa ra sau khi Cơ quan Quản lý năng lượng Anh (OFGEM) dự báo mùa đông năm nay ở nước này có nguy cơ bị thiếu khí đốt và nguồn cung điện cũng sẽ gặp khó khăn. Lý giải cho viễn cảnh này là do chiến sự Nga - Ukraine đang gây ra thiếu hụt nguồn cung năng lượng không chỉ với nước Anh, mà cả châu Âu.
Để đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng đang hiện hữu và một mùa đông khắc nghiệt đến gần, Liên minh châu Âu (EU) phải chuẩn bị cho một kế hoạch cắt điện luân phiên và các biện pháp khẩn cấp khác để hỗ trợ lẫn nhau. Cụ thể, EU chuẩn bị cho 2 kịch bản, đồng thời chạy đua với thời gian để tìm kiếm nguồn cung năng lượng thay thế Nga.
Trong kịch bản đầu tiên, theo Ủy viên Quản lý khủng hoảng của EU là Janez Lenarcic sẽ chỉ có một số nhỏ các quốc gia thành viên EU bị ảnh hưởng bởi sự cố mất điện trong mùa đông sắp tới. Theo đó, phần lớn các nước còn lại không bị ảnh hưởng nhiều có thể hỗ trợ cung cấp điện cho các nước thành viên bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên ở kịch bản thứ hai tình hình sẽ tồi tệ hơn, khi một số lượng lớn các nước EU cùng chịu ảnh hưởng thiếu điện và năng lượng cùng lúc. Bối cảnh này sẽ khiến các nước EU phải giới hạn việc viện trợ khẩn cấp lẫn nhau. Khi kịch bản này xảy ra, EU có kế hoạch sẽ đáp ứng nhu cầu khẩn cấp về năng lượng bằng nguồn dự trữ chiến lược vốn để dành đối phó các sự cố lớn như hóa học, chiến tranh hạt nhân hay sinh học.
Trong bối cảnh đó, đồng minh gần gũi của EU là Mỹ cũng đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) vào châu Âu trong những tháng qua, bất chấp việc hoạt động sản xuất năng lượng trong nước Mỹ cũng đang ở mức thấp hơn trung bình. Một vụ cháy xảy ra hồi tháng 6 vừa qua tại nhà xuất khẩu khí đốt lớn thứ hai của Mỹ là Freeport LNG đang cản trở nỗ lực hỗ trợ của Mỹ cho châu Âu.
Ngay cả khi có sự hỗ trợ bù đắp của Mỹ thì EU vẫn ở trong tình trạng khó khăn về năng lượng, vì việc tìm kiếm nguồn cung ổn định và đầy đủ thay thế cho Nga là điều không hề dễ dàng, đồng thời đòi hỏi thời gian dài.
Trong khi đó, mùa đông được dự báo là khắc nghiệt lại đang đến gần từng ngày, nên vấn đề khí đốt của châu Âu được dự báo chắc chắn sẽ khó khăn vào mùa đông sắp tới.
Ngoài việc nỗ lực đảm bảo năng lượng cho mùa đông năm nay thì theo các nhà phân tích, bất kể bằng biện pháp nào thì cũng sẽ ảnh hưởng tới lượng khí đốt của châu Âu dự trữ cho mùa đông năm sau.
Điều này cho thấy, sự ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine tới châu Âu sẽ không chỉ xảy ra trong ngắn hay trung hạn, mà có thể sẽ phải tính bằng nhiều năm.