Ở bậc phổ thông, các hệ thống học tập trực tuyến cũng đã góp phần hỗ trợ cho HS ôn tập trong thời gian nghỉ học để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCov) gây ra.
“Giảng đường” online
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, SV trường ĐH Đông Á dù không đến trường nhưng vẫn có thời khóa biểu “lên lớp”. Để đảm bảo tiến độ học tập của SV trong điều kiện không thể tổ chức dạy – học tập trung, nhà trường đã triển khai phương pháp học online qua hệ thống E-learning, livestream.
Các tài liệu, hướng dẫn học tâp và hình thức đánh giá, kiểm tra kiến thức trong quá trình tự học của SV dưới sự hướng dẫn của giảng viên phụ trách học phần trong thời gian này cũng đã được trường ĐH Đông Á xây dựng chi tiết.
Một lớp học trực tuyến của trường ĐH Đông Á, SV vẫn “bị” điểm danh. |
Phương pháp E-learning có ưu điểm giúp phát huy tinh thần tự học của người học và khuyến khích các phương pháp sư phạm đa dạng. Học viên có thể truy cập các khóa học từ bất kỳ nơi đâu như tại nhà, tại những điểm Internet công cộng, 24 giờ một ngày, 7 ngày trong tuần.
Người học có thể lựa chọn cách học và khóa học sao cho phù hợp với mình. Hệ thống Elearning cho phép học viên có thể theo dõi quá trình và kết quả học tập của mình. Ngoài ra, qua những bài kiểm tra giáo viên quản lý cũng dễ dàng đánh giá mức độ tiến triển trong quá trình học của các sinh viên trong khoá học.
Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch để bắt đầu từ ngày 10/2, toàn trường sẽ triển khai dạy – học bằng phương pháp E – learning. “Để đảm bảo tính hiệu quả học online tại nhà của sinh viên, nhà trường cũng đưa ra những yêu cầu, quy định cụ thể đối với giảng viên về hệ thống bài giảng, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng do các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế đặt ra.
Khung chương trình môn học, đề cương môn học, thiết kế bài giảng được chuẩn hóa nhưng đồng thời vẫn có phạm vi sáng tạo, tự chủ của mỗi giảng viên” – PGS.TS Lê Văn Huy – Trưởng phòng Đào tạo cho biết.
Một số môn học, giảng viên của trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đã chủ động trong việc triển khai dạy – học trực tuyến. Chẳng hạn như đối với môn học Tổng quan du lịch, các sinh viên tham gia môn học được thông báo và yêu cầu nghiên cứu các chương mà giảng viên đã đưa lên elearning.
“Nếu trước kia, tôi dừng việc gửi các câu trả lời cá nhân về câu hỏi nghiên cứu và câu hỏi ôn tập lên diễn đàn, thay vào đó tôi cho điểm thành phần 1 qua các việc trả lời trên lớp, thì nay khôi phục việc trả lời tất cả các câu hỏi này trên elearning.
Điểm thành phần 1 được đánh giá trên mục này và bài kiểm tra giữa kỳ. Các bài giống nhau sẽ không được tính điểm cho cả hai” – TS Trương Sỹ Quý, trưởng khoa Du lịch cho biết.
Đối với việc tổ chức hoạt động nhóm khi dạy – học trên E – learning, theo TS Trương Sỹ Quý thì gần như không có nhiều thay đổi. “Giảng viên có thể tổ chức chức diễn đàn từng chương cho từng lớp. Mỗi nhóm mở một chủ đề trên diễn đàn để hẹn giờ cùng trao đổi giải đáp các thắc mắc trong nhóm.
Giảng viên sẽ theo dõi hoạt động của các nhóm trên diễn đàn. Trước deadline, phải lập biên bản ghi các ý kiến, câu trả lời chung, các câu hỏi nhóm không thể trả lời được, cho điểm từng thành viên theo quy định. Thay vì trả lời các câu hỏi của nhóm trên lớp, thì giảng viên trả lời online. Các bài thuyết trình từng chương cũng lập biên bản như đã quy định…” – TS Quý trao đổi.
Học sinh phổ thông ôn tập, củng cố kiến thức
Sau 1 tuần nghỉ học, từ 3/2-9/2, HS toàn thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục nghỉ học kéo dài cho đến hết ngày 16/2. Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã làm việc với VNPT, Viettel, FPT về việc cung cấp miễn phí phần mềm hỗ trợ học tập tại nhà cho HS trong thời gian các em nghỉ học kéo dài.
Theo đó, VNPT Đà Nẵng sẽ cung cấp miễn phí ứng dụng vnEduTeacher và vnEduConnect (ứng dụng dùng cho điện thoại), hỗ trợ GV giao bài tập cho HS từ file ảnh hoặc bài tập file word, nhận bài tập và chấm điểm bài tập cho HS qua mạng internet. Ứng dụng này thích hợp cho các đơn vị, trường học đang sử dụng phần mềm quản lý trường học vnEdu của VNPT.
Khoa Quản trị Kinh doanh, trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng họp thống nhất triển khai dạy và học trên E-learning |
Riêng Viettel Đà Nẵng sẽ cung cấp miễn phí hệ thống Mạng xã hội học tập ViettelStudy. Thông qua hệ thống, GV có thể tổ chức lớp học trực tuyến thông qua hình thức livestream bài giảng, đưa các nội dung bài học, bài kiểm tra dưới dạng video, tài liệu, câu hỏi ôn tập… lên hệ thống, xem kết quả bài tập của HS mình.
Công ty cổ phần FPT cũng đã cam kết sẽ hỗ trợ hình thức học online miễn phí trên hệ thống vioedu trong thời gian HS tạm nghỉ học để phòng dịch Corona.
Ông Trần Nguyễn Minh Thành – Phó GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay, các hệ thống đang mở miễn phí, phụ huynh HS có thể truy cập, đăng ký tài khoản để HS học tập và làm bài tập, giúp củng cố kiến thức cho con em mình, kèm với sự hướng dẫn, kết nối cụ thể từ phía GVCN”.
Ngay trong tuần đầu tiên HS nghỉ học để phòng chống dịch nCov, một số trường học như trường Tiểu học Võ Thị Sáu, tiểu học Phan Đăng Lưu (Q. Hải Châu) đã tải các bài ôn tập cho các khối lớp lên trang fanpage của nhà trường để hỗ trợ cho phụ huynh trong việc giúp HS ôn tập ở nhà.
Thầy Phan Hùng – Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú cho biết: “Ngoài hệ thống bài tập được các giáo viên bộ môn gửi cho HS làm trong thời gian không đến trường, nhà trường đang khẩn trương hoàn thiện một số chuyên đề của các môn học dưới dạng video, clip để tải lên website của trường làm tài liệu ôn tập cho HS. Hình thức này đã được một số GV tổ chức luyện thi online triển khai rồi nên sẽ không có nhiều lúng túng trong khi triển khai thực hiện”.
Sở GD-ĐT Đà Nẵng đề nghị thủ trưởng các đơn vị, trường học lựa chọn hệ thống học trực tuyến phù hợp và bắt đầu thông tin đến phụ huynh, triển khai thực hiện sớm nhất có thể, giúp học sinh được tiếp cận, ôn tập trong thời gian nghỉ học kéo dài...