Mùa Covid-19: Sống chậm để yêu thương nhiều hơn

Mùa Covid-19: Sống chậm để yêu thương nhiều hơn

Mỗi người góp một bàn tay

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trăn trở: “Dừng hoạt động xổ số kiến thiết là kéo theo bao nhiêu con người kiếm ăn từng bữa trên mỗi tờ vé số đó, họ sẽ sống như thế nào trong mấy ngày tới là điều mà thành phố phải quan tâm”.

Những người bán vé số gần như là những người nghèo khổ nhất trong xã hội, phần lớn là người già, trẻ nhỏ, người tàn tật không còn sức lao động, toàn bộ cuộc sống của họ phụ thuộc vào những tờ vé số bán được mỗi ngày.

Bà Nguyễn Thị Tư (69 tuổi, quê ở Trà Vinh) lên thành phố bán vé số được gần năm năm. Hai chân bị đau đi lại khó khăn nhưng hằng ngày bà vẫn phải đi bán vé số, được đồng nào hay đồng đó để kiếm sống. Vì dịch bệnh, vé số tạm ngưng phát hành, cuộc sống của bà Tư lại càng khó khăn thêm.

Bà Nguyễn Thị Em (72 tuổi), bán vé số bên lề đường cùng hai cháu ngoại cho biết, hàng ngày bà đi xe buýt từ huyện Hóc Môn lên thành phố để bán vé số. “Giờ cả vé số và xe buýt nghỉ, tôi không biết sắp tới sẽ sinh sống ra sao”.

Thấu hiểu và đồng cảm với những mảnh đời cơ cực này, đã xuất hiện ngày càng nhiều những sẻ chia, giúp đỡ của những tấm lòng nhân ái. Những người tặng tiền, hỗ trợ cho bà con bán vé số trong thời gian tránh dịch cũng đều gặp khó khăn chung về kinh tế nhưng họ đã cùng nhau góp một bàn tay.

Quán cơm chay Bình An (46 Ngô Quyền, phường 6, quận 10, TPHCM) đã thông báo phát suất ăn miễn phí cho bà con bán vé số tại TPHCM từ ngày 1/4 - 15/4 với lời chia sẻ: “Mong bà con mình vượt qua lúc khó khăn, tất cả vì cộng đồng khỏe mạnh. Lá rách đùm lá nát”.

Chủ một cửa hàng tại địa chỉ 83 đường số 9, phường 9, quận Gò Vấp cũng đã đăng thông tin lên mạng xã hội tặng tất cả những người nghèo, những ông bà, cô chú, trẻ em bán vé số một phần quà gồm 10kg gạo, 1 thùng mỳ, 1 lít dầu ăn, 1 bịch khẩu trang.

Cùng với đó là hàng loạt các quán ăn, quán cơm phát suất ăn miễn phí hoặc bán suất ăn với giá 1.000 đồng, 2.000 đồng cho người nghèo, người bán vé số như quán cơm Nụ Cười, quán nướng Yoki, quán cơm 2.000 đồng, bếp ăn từ thiện Bảo Hòa, quán cơm Nhà thờ hầm, quán cơm Thiện Tâm…

Chị Đoàn Thùy Dương, chủ đại lý vé số Thùy Dương (TP Thủ Dầu Một) cho biết nhận thấy khó khăn của bà con nghèo đang hằng ngày bán vé số mưu sinh, chị cùng một số nhà hảo tâm đã chung tay quyên góp, tặng quà chia sẻ khó khăn với những người bán vé số dạo trong mùa dịch này. Phần quà cho mỗi người chỉ là một thùng mỳ tôm và 500.000 đồng nhưng cũng giúp bà con bán vé số ấm lòng trong giai đoạn khó khăn.

Mùa Covid-19: Sống chậm để yêu thương nhiều hơn ảnh 1
Những dòng thông báo đầy tính nhân văn trong lúc khó khăn.

Nhóm từ thiện Hoa Sen đã chuẩn bị 600 phần quà gồm lương thực, thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay cho người người già, người khuyết tật bán vé số dạo. Nhóm thiện nguyện chia thành nhiều tốp nhỏ đi tìm gặp những người bán vé số dạo để trao tận tay. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bình Dương, một số cửa hàng tạp hóa cũng chuẩn bị hàng trăm phần quà để trước cửa hàng tặng cho những người bán vé số dạo.

Anh Nguyễn Thanh Tâm, chủ đại lý vé số ở Vĩnh Long thông báo sẽ hỗ trợ mỗi ngày 50.000 đồng cho những người bán vé số dạo thuộc đại lý của mình. Thời gian hỗ trợ là 15 ngày kể từ ngày dừng phát hành xổ số kiến thiết trên cả nước, bắt đầu từ ngày 1/4. Với chất giọng miền Tây chân chất, anh Tâm cho biết, đại lý vé số Thiện (phường 5, thành phố Vĩnh Long) là của gia đình anh hoạt động từ 20 năm qua. Đại lý có từ 20 - 30 người bạn hàng thường xuyên nhận vé số đi bán lẻ trong nhiều năm. Việc tạm dừng phát hành xổ số kiến thiết sẽ khiến cuộc sống của những người bán vé số này trở nên bấp bênh hơn, vì thế anh chỉ muốn hỗ trợ một phần nhỏ công sức của mình, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.

Giữa cái nắng oi bức của những ngày cuối tháng 3, anh Ngôn Đức Thắng, một người chuyên làm thiện nguyện tại Cần Thơ chạy xe rong ruổi khắp các chợ ở Ninh Kiều, Bình Thủy (TP Cần Thơ) để kiếm những người già, người khuyết tật bán vé số, mỗi người được anh Thắng gửi 200.000 đồng với lời dặn để bà con mua gạo trong những ngày không được đi bán.

Anh Thắng chia sẻ, khi hay tin Nhà nước không cho các công ty xổ số phát hành vé số nữa, anh lo lắng cho những người già, người khuyết tật bởi đa số những người bán vé số đều là lớn tuổi, không con cháu, thường có bệnh trong người, họ không thể làm việc nặng nên mới lang thang trên đường bán vé số. Anh đã đi vận động, kêu gọi được một số tiền để tranh thủ trao cho bà con cố gắng vượt qua khó khăn.

Cùng tâm trạng lo lắng cho cái ăn tạm thời của những người bán vé số ở trên địa bàn, chị Huỳnh Thị Thanh Dung, chủ một cửa hàng thời trang ở Ninh Kiều (TP Cần Thơ), đã bỏ tiền ra mua hơn 100 thùng mỳ gói để tặng cho bà con.

Ông Trần Hồng Phúc, Chủ tịch Hội Từ thiện tỉnh Quảng Nam cho biết, hội đã kêu gọi hỗ trợ người nghèo bán vé số trong tình hình dịch bệnh. Ngay sau khi Hội Từ thiện tỉnh Quảng Nam kêu gọi, các nhà hảo tâm trong nhóm Nhớ về Tam Kỳ đã góp sức được gần 65 triệu đồng để hỗ trợ 126 trường hợp. Mỗi trường hợp được nhận 500.000 đồng, gồm các nhu yếu phẩm và tiền mặt.

Ấm tình xóm trọ

Cuộc sống của người lao động trở nên khó khăn hơn khi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, nhiều chủ trọ đã giảm giá tiền thuê phòng. Sự sẻ chia ấy dù ít hay nhiều đều khiến người thuê trọ cảm thấy ấm lòng hơn giữa mùa dịch bệnh.

Dịch bệnh xảy ra, cũng như nhiều người lao động phổ thông khác, chị Đặng Thị Mai Xuân đang thuê trọ tại Bình Dương lo đến thắt ruột khi phải nghỉ làm trong khi vẫn phải nuôi 2 con nhỏ. Tiền ăn hàng ngày rồi tiền nhà khiến chị nhiều lúc bế tắc. Nhận được thông báo chủ nhà trọ cho miễn phí tiền nhà 2 tháng để hỗ trợ trong mùa dịch Covid-19, chị Xuân bật khóc nức nở vì vui mừng: “Tôi vui lắm vì đang lo lắng không biết trong thời gian tới làm gì để có tiền trang trải cuộc sống. Mới đầu cũng mong chị chủ nhà giảm chút xíu tiền phòng, ai ngờ chị miễn phí luôn 2 tháng, giúp tôi và mọi người, vậy thì còn gì bằng nữa”.

Đang làm việc, chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân tại khu công nghiệp Tân Bình vui mừng khi nhận được tin nhắn của chủ nhà: “Bây giờ công việc khó khăn nên tháng 4 này vợ chồng không cần đóng tiền nhà đâu. Của ít lòng nhiều, chỉ mong rằng mọi người sẽ vượt qua giai đoạn này”.

Mùa Covid-19: Sống chậm để yêu thương nhiều hơn ảnh 2
Hỗ trợ người bán vé số dạo trong thời điểm dừng phát hành xổ số kiến thiết nhằm chống dịch.

Chị Thủy tâm sự: “Em làm công nhân, chồng làm thợ hồ, dịch bệnh như này chồng em đâu có việc, phải ở nhà trông con vì con cũng nghỉ học, tất cả tiền nhà, tiền ăn chỉ trông chờ vào đồng lương công nhân của em, thật sự là vô cùng khó khăn. Nhận được tin nhắn của chị chủ nhà, em mừng muốn khóc, không phải ai cũng thương và thấu hiểu với mình như thế”.

Chị Thảo sống tại một khu trọ ở phường Linh Đông, quận Thủ Đức cho biết, khu chị ở có bốn phòng, giá phòng khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng. Chủ trọ đã giảm giá tiền phòng từ Tết đến giờ và có thể kéo dài đến khi hết dịch. “Mưu sinh xa nhà, giữa thành phố lớn, đông người, trong thời điểm công việc gặp khó, sự sẻ chia của chủ trọ khiến chúng tôi thấy rất vui và hạnh phúc. Mỗi khi thấy mọi người gặp khó, chủ trọ đều giúp đỡ, nhiều lúc còn chia sẻ đồ ăn cùng nhau” - chị Thảo tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Yến - chủ khu phòng trọ nằm trên đường 30/4 (phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một) có 14 căn phòng trọ, mỗi nhà trọ chị thu từ 1 - 1,2 triệu đồng/tháng. Thấy nhiều công nhân, người lao động bị mất việc, bị giảm tiền lương khiến cuộc sống khó khăn, chị Yến đã chủ động giảm 400 nghìn đồng trong tháng 4 cho mỗi phòng trọ, nếu dịch bệnh còn kéo dài chị sẽ tiếp tục giảm trong các tháng tới.

Chi chia sẻ: “Mình nghĩ rằng mình đang còn kiếm được tiền, còn nhiều người thì bị mất việc do dịch bệnh. Nên mình nói với mọi người rằng, nhiều thì không có nhưng mỗi người hỗ trợ một ít để mọi người đỡ cực khổ hơn. Mình chỉ nghĩ đơn giản vậy thôi”.

Chị Đoàn Thùy Dương, chủ hơn 80 căn phòng trọ tại phường Phú Cường (TP Thủ Dầu Một), cũng thông báo miễn phí tiền phòng trong 2 tháng (tháng 4 và tháng 5) để hỗ trợ công nhân, người lao động vượt qua khó khăn.

Theo chị Dương, khu phòng trọ của chị mỗi phòng có giá từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng. Miễn phí 2 tháng tiền phòng, chị thất thu khoảng hơn 200 triệu đồng. Nhưng chị vẫn chấp nhận vì chị thấy mọi người ai cũng khó khăn. Đặc biệt, khu nhà trọ của chị toàn công nhân và người lao động nghèo, cuộc sống rất khó khăn. Ngoài ra, chị Dương còn hỗ trợ cho mỗi phòng trọ 10 kg gạo để người lao động giảm bớt chi phí, ổn định cuộc sống.

Chị Dương chia sẻ: “Ở khu nhà trọ của tôi toàn công nhân và người lao động nghèo, tôi thấy ai cũng lo lắng khi bị mất việc, buôn bán thì ế ẩm nên quyết định hỗ trợ mọi người, mong sao dịch bệnh chóng qua để mọi người ổn định cuộc sống”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Chuyến (phường Tân Bình, TP Dĩ An) cũng cho biết: “Khu phòng trọ của tôi có hơn 90 phòng, hầu hết những người ở trọ đều là công nhân. Hiện tại, họ vẫn đi làm ổn định. Nếu thời gian tới, mọi người mất việc hoặc gặp khó khăn thì tôi sẽ tính toán hỗ trợ cụ thể”.

Ông Hồ Văn Phước, Chủ tịch UBND phường Trường Thọ, quận Thủ Đức cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều sinh viên nghỉ học, công nhân gặp khó khăn nên phường đã và đang vận động chủ nhà trọ hỗ trợ các trường hợp này. Hiện trên địa bàn phường có khoảng 50% công nhân và sinh viên về quê chưa trở lại nên những hỗ trợ từ địa phương trong giai đoạn hiện nay là vô cùng thiết thực.

Sau khi vận động, một chủ nhà trọ tại khu phố 7 đã giảm 50% số tiền thuê trọ từ 1 triệu xuống còn 500.000 đồng. Bên cạnh đó, một chủ nhà trọ khác tại khu phố 6 cũng giảm 20% tiền thuê trọ cho 19 phòng trọ là công nhân và sinh viên, 100 % cho một công nhân gặp khó khăn.

Cùng chung tay hỗ trợ người lao động, bà Bùi Thị Buôn, quận Phú Nhuận, TPHCM cũng giảm giá từ 10% - 20% tiền thuê trọ cho các bạn sinh viên, công nhân tại khu trọ của mình. “Dịch bệnh phức tạp, sinh viên phải nghỉ học về quê, dân lao động cũng phải nghỉ làm. Do đó, tôi quyết định giảm chi phí thuê trọ để có thể hỗ trợ phần nào trong thời điểm này” - bà Buôn nói.

Chị N.D, chủ 12 phòng trọ tại khu vực phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, cũng đã quyết định giảm 400.000 đồng/phòng từ tháng này cho đến khi Nhà nước chính thức công bố hết dịch. “Hiện nay tôi cũng gặp khó khăn vì đang vay tiền ngân hàng, nếu không tôi đã giảm nhiều hơn nữa... Mình gặp khó nhưng vẫn còn hơn nhiều hoàn cảnh khác, mỗi người cùng nhau chia sẻ một ít” - chị tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.