“Mua bán thận”, nhiều bị cáo chuẩn bị hầu tòa

GD&TĐ - Bị cáo buộc lén lút đưa rất nhiều người ra nước ngoài cắt ghép thận trái phép nhằm thu lợi bất chính, Tôn Nữ Thị Huyền cùng 7 đồng phạm bị Viện KSND TPHCM đề nghị truy tố tội danh “Mua bán bộ phận cơ thể người”.

Bị can Huyền và đồng bọn tại cơ quan CSĐT. Ảnh: IT
Bị can Huyền và đồng bọn tại cơ quan CSĐT. Ảnh: IT

Con đường bán thận của nữ buôn vải

Theo đó, Viện KSND TPHCM vừa chuyển lại hồ sơ vụ mua bán bộ phận cơ thể người sang TAND TPHCM cùng cấp sau khi điều tra bổ sung theo yêu cầu. Theo dự kiến ngày 19/1, TAND TPHCM sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo. Trong vụ án này, các đối tượng phạm tội hoạt động trong đường dây môi giới, mua bán thận xuyên quốc gia gây rúng động dư luận một thời.

Theo hồ sơ vụ án, Tôn Nữ Thị Huyền (SN 1975 tại Đồng Nai) làm nghề bán vải tại quận Phú Nhuận, TPHCM từ năm 2007. Năm 2009, Huyền đi ghép thận tại Trung Quốc, quen biết với Đào Thành Nhân (người Việt, chưa rõ lai lịch) sinh sống tại Campuchia. Năm 2016, Huyền sang Campuchia gặp lại đồng hương và được Nhân giao việc mua bán thận với một bác sĩ tên Trần (người Singapore) làm việc tại bệnh viện quân đội ở thủ đô Phnôm Pênh.

Quá trình trao đổi, Trần bàn với Huyền về Việt Nam tìm người bán thận đưa sang Campuchia để ghép thận cho người có nhu cầu với giá 15.000 – 17.000 USD/quả thận. Đồng thời, Trần hướng dẫn Huyền cách tuyển chọn người và phương pháp làm các xét nghiệm kiểm tra đối chiếu chéo.

Đầu tháng 4/2017, Đào Đức Hai Việt sang Campuchia bán thận cho Huyền từ đó quen biết nhau. Sau khi trở về nước, Việt tham gia cùng Huyền tổ chức việc mua bán thận và được giao nhiệm vụ lên mạng Facebook tìm kiếm người bán thận, đi làm các xét nghiệm. Huyền trả công cho Việt từ 15 - 25 triệu đồng một quả thận nếu phẫu thuật ghép thận thành công.

Ngoài ra, Huyền còn giao Việt đưa người bán thận mà Huyền tìm được đi làm các xét nghiệm tại Đại học Y Hà Nội và các mẫu xét nghiệm do Huyền đưa để đối chiếu chéo và lấy kết quả đưa lại được trả công 1 - 3 triệu đồng.

Sau đó, Đào Quang Hưng cũng sang Campuchia bán thận và quen biết với Huyền. Việt cùng Hưng đã môi giới Hoàng Đức Tùng, Phạm Quang Cảnh, Huỳnh Linh Tâm, Nguyễn Minh Tâm, Huỳnh Kim Ngân... bán thận cho Huyền. Từ đó, những người này cũng tham gia tìm kiếm người có nhu cầu bán thận môi giới cho Huyền.

Đồng thời, thông qua trang mạng xã hội, người bán thận trên Facebook, nhóm này đã tìm được và đưa những người bán thận đến các bệnh viện như Chợ Rẫy, 115, Hòa Hảo, Thống Nhất, phòng khám Thuận Kiều ở TPHCM, Bệnh viện Đức Trí, 108 Hà Nội tiến hành các xét nghiệm theo hướng dẫn trước đó của Trần, Huyền.

Khi có kết quả thì chụp hình ảnh thông tin về người bán thận gửi qua phần mềm cho Huyền, Huyền chuyển cho bác sĩ Trần… Sau khi các chỉ số xét nghiệm của giữa người ghép thận và người bán thận phù hợp với nhau, Huyền tổ chức đưa những người này sang Campuchia làm phẫu thuật cắt bán thận.

Sau khi đến Campuchia, Huyền đưa những người này đến thủ đô tập trung tại một khu vực. Mỗi ngày, Huyền sẽ tổ chức đưa hai người vào bệnh viện quân đội để phẫu thuật cắt thận. Xong việc, người bán thận sẽ được nghỉ dưỡng tại bệnh viện 12 ngày, đưa về nước và được trả 200 - 210 triệu đồng. 

Thu lợi bất chính hàng tỷ đồng

Theo cáo trạng, Viện KSND TPHCM đề nghị truy tố tội danh “Mua bán bộ phận cơ thể người” đối với 8 đối tượng, gồm: Tôn Nữ Thị Huyền (SN 1975), Đào Đức Hai Việt (SN 1994), Hoàng Đức Tùng (SN 1991), Phạm Quang Cảnh (SN 1996), Huỳnh Linh Tâm (SN 1992), Nguyễn Minh Tâm (SN 1999), Đào Quang Hưng (SN 1992), Huỳnh Kim Ngân (SN 1995).

Trong vụ án, Huyền được xác định là người điều hành đường dây mua bán thận ở Việt Nam. Phạm tội với vai trò đồng phạm, những đối tượng khác giúp Huyền đưa người bán thận đến bệnh viện; tìm người bán thận, môi giới qua Internet. Hầu hết, các đối tượng phạm tội đều là những người từng có kinh nghiệm đi bán thận “chui”.

Từ năm 2017 - 2019, Huyền cùng đồng phạm tìm hơn 100 người bán thận, đưa những người này đến nhiều bệnh viện ở TP HCM và TP Hà Nội làm xét nghiệm. Sau đó, Huyền trực tiếp tổ chức, chỉ đạo thuộc cấp đưa 37 người sang Campuchia cắt ghép thận. Nhờ đó, băng nhóm tội phạm thu lợi hơn 2,5 tỉ đồng. Trong 37 người bán thận đã ghép thận cho người khác, cơ quan điều tra xác định rõ lai lịch 22 người. Sau khi bán thận, những người này tổn hại sức khỏe từ 45 - 69%.

Trong quá trình thụ lý vụ án, cơ quan tố tụng xác định các bị can có sự cấu kết chặt chẽ, phân công vai trò cụ thể. Hành vi của Huyền cùng bảy đồng phạm là nguy hiểm cho xã hội, xâm hại tính mạng, sức khoẻ người khác và vi phạm nguyên tắc nhân đạo trong hiến, ghép, lấy mô bộ phận cơ thể nên cần xử lý nghiêm.

Sau khi điều tra bổ sung theo yêu cầu của tòa, Cơ quan CSĐT và Viện KSND cùng quan điểm Vũ Thị Thư, người giúp việc cho Huyền trong việc đi chợ nấu cơm, dọn dẹp tại Campuchia không biết được Huyền đưa người đi mua bán thận nên không xử lý là có căn cứ. Đồng thời, Trần Bá Linh có hành vi giúp sức cho Đoàn Thanh Nhân vận chuyển người bán thận Campuchia nhưng do Nhân đã chết nên Cơ quan CSĐT đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi của Linh để xử lý...

Liên quan đến yêu cầu tương trợ tư pháp, việc đề nghị Bộ Tư pháp Vương quốc Campuchia hỗ trợ xác minh làm rõ một số đối tượng liên quan đến nay vẫn chưa có kết quả. Tuy nhiên, đại diện cơ quan công tố cho rằng kết quả này không làm thay đổi nội dung vụ án vì thế giữ nguyên quan điểm truy tố ban đầu và đưa sang toà để xét xử.

Theo TS Bùi Kim Hiếu - Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người là khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, mô và bộ phận cơ thể con người là đối tượng tác động trực tiếp của tội phạm. Hành vi mua bán nội tạng người là nguy hiểm cho xã hội và bị pháp luật nghiêm cấm. Khoản 8 Điều 11 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 đã nghiêm cấm các hành vi: Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.

Đồng thời, Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định cụ thể tội danh “Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người” tại Điều 154. Đây là một bước đi có giá trị từ thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là trong bối cảnh các hành vi mua bán nội tạng, bộ phận cơ thể người diễn ra tràn lan và gây tác động tiêu cực tới con người và đời sống xã hội Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo dục 'mới' tại Indonesia hướng tới 4 trụ cột.

Lộ trình giáo dục mới của Indonesia

GD&TĐ - Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục Tiểu học và Trung học Indonesia, ngành Giáo dục cần cải thiện 4 trụ cột để đạt được mục tiêu 'Indonesia Vàng 2045'.

Minh họa/INT

Bản cam kết ở Làng Nủ

GD&TĐ - Thầy Nguyễn Xuân Khang được biết đến là người thầy đầu tiên đã nhận nuôi toàn bộ số cháu nhỏ còn sống sót sau trận lũ quét ở Làng Nủ hôm 10/9/2024.