Mua bán chứng chỉ - Ai đã tiếp tay?

GD&TĐ - Một số người khi đề cập về việc thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đang đánh đồng hai chuyện, đó là chuyện học và chuyện thi. Cho nên nhiều ý kiến đã cho rằng, nguyên nhân do Bộ GD&ĐT buông lỏng quản lý, dẫn đến nhiều cơ sở, đơn vị tổ chức học và thi “cấp tốc”, dẫn đến việc thi và cấp chứng chỉ trở thành hình thức. Thực chất, đây là hai việc khác nhau. 

Nhiều cơ sở làm phôi chứng chỉ giả bị lực lượng chức năng phát hiện.
Nhiều cơ sở làm phôi chứng chỉ giả bị lực lượng chức năng phát hiện.

Có cung là có cầu

Với thẩm quyền của mình, Bộ GD&ĐT đã ban hành các chương trình bồi dưỡng về ngoại ngữ và tin học, sau đó ban hành các quy định về việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục, các đơn vị đủ điều kiện theo quy định sẽ tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng (nếu học viên có nhu cầu) và tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo quy định. Như vậy, về lý, học viên có thể không cần phải học, không cần ôn thi, chỉ đăng ký và đến tham dự thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo các trình độ mong muốn.

Theo dõi trang web của các đơn vị được cho là có uy tín trong việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, có thể dễ dàng thấy, các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ các trình độ liên tục được tổ chức mà không hề có bất cứ thông tin gì về các khóa học hoặc các lớp ôn tập. Điều đó là hoàn toàn bình thường và những ai có nguyện vọng đều có thể đăng ký, nộp tiền lệ phí rồi tham dự kỳ thi, chưa đạt lại đăng ký thi tiếp bao giờ đạt, tức là có được chứng chỉ mong muốn thì thôi.

Còn việc đăng ký ôn thi (nếu có, thời gian bao lâu) là nhu cầu và thỏa thuận giữa người có nhu cầu và đơn vị đào tạo. Không thể từ đó mà kết luận về tất cả các trường hợp, các đơn vị và cơ sở giáo dục tổ chức thi và cấp chứng chỉ là tổ chức học và thi trong thời gian ngắn ngày, dẫn đến hiệu quả và chất lượng không thực chất.

Câu chuyện của những kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mà học viên được phát trước, dạy trước đáp án, được hướng dẫn trước cách làm bài, thậm chí là được mang cả đáp án vào chép thật sự rất đáng buồn. Nhưng xét cho đến cùng chính là kết quả của sự thỏa thuận của chính người tham dự thi và đơn vị tổ chức thi theo kiểu “có cung là có cầu” - một quy luật vô cùng rõ ràng, sòng phẳng và lạnh lùng của kinh tế thị trường, đâu phải chỉ của riêng ai.

Lỗi tại ai?

Trong những năm qua, khi tham gia các kỳ thăng hạng, nâng ngạch công chức, viên chức, đã xảy ra trường hợp chính các công chức, viên chức “tố” nhau về việc gian lận trong tham gia học, thi để lấy chứng chỉ. Lý do là đồng nghiệp thấy có những công chức, viên chức vẫn đi làm bình thường, không hề báo cáo, xin phép cơ quan về việc đi học, nhưng lại có chứng chỉ (mặc dù có những chứng chỉ để có được thì thời lượng học đến vài trăm tiết).

Cũng có một số người lại rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” vì đi mua chứng chỉ và đã trót lọt qua cửa của cơ quan quản lý lúc tham dự các kỳ thi/xét thăng hạng, nâng ngạch nhưng đến một ngày, cơ sở gian lận trong cấp chứng chỉ bị phanh phui thì chính những người đi mua chứng chỉ phải gánh chịu hậu quả đầu tiên. Lúc đó, lỗi không chỉ là không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, mà còn là sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả - lỗi vi phạm vô cùng nghiêm trọng đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật hiện nay.

Tuy nhiên, không phải bao giờ và lúc nào mỗi người đều có đủ tỉnh táo để nhận thức được điều đó; hoặc đôi khi chỉ vì họ suy nghĩ đơn giản rằng có một vài cái chứng chỉ cho xong chuyện. Nhiều cơ sở giáo dục cũng phản ánh việc tổ chức các chương trình bồi dưỡng, nhiều học viên tham gia chỉ muốn đăng ký theo kiểu “đánh trống ghi tên”, nộp tiền vào và vài ngày sau là có chứng chỉ. Khi có chứng chỉ rồi, thì chính những người đó lại quay lại tố cơ sở giáo dục tổ chức bồi dưỡng hình thức, không chất lượng… rồi tố đến cơ quan quản lý “đẻ” ra các quy định hành dân.

Ở đây, nếu bàn thật kỹ, thật sâu thì có rất nhiều chuyện để nói, nhưng trong khuôn khổ của bài viết này tác giả chỉ muốn mạn đàm về một chuyện - là rốt cuộc đối với câu chuyện mua bán chứng chỉ để phục vụ nâng ngạch, thăng hạng (nếu có) thì ai là người đầu tiên tiếp tay cho các cơ sở, đơn vị làm ăn phi pháp? Phải chăng có cả lỗi của chính những người không muốn học nhưng vẫn muốn có chứng chỉ để đủ điều kiện được nâng ngạch, thăng hạng?

Trong khi việc nâng ngạch, thăng hạng vốn dĩ là do nhu cầu của cá nhân, cơ quan quản lý các cấp không bắt buộc tất cả các công chức, viên chức phải thăng hạng nếu không có nhu cầu hoặc có nhu cầu nhưng không đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Có ai có đủ can đảm để thừa nhận rằng chính sự mâu thuẫn trong mỗi chúng ta đã tiếp tay cho kẻ xấu trục lợi?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ