Mù quáng bao che những kẻ muốn lật đổ chính quyền

Mù quáng bao che những kẻ muốn lật đổ chính quyền
Mù quáng bao che những kẻ muốn lật đổ chính quyền ảnh 1
Lê Công Định lĩnh mức án 5 năm tù và 3 năm quản chế

Sau một ngày xét xử sơ thẩm, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù, thời gian quản chế 5 năm; Nguyễn Tiến Trung 7 năm tù, 3 năm quản chế; Lê Công Định và Lê Thăng Long cùng lĩnh mức án 5 năm tù và 3 năm quản chế. Các bị cáo trên bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ Luật Hình sự.

Quá trình điều tra xác định rằng các đối tượng này đã hành động một cách có tổ chức nhằm chống phá và lật đổ Nhà nước Việt Nam, có sự liên kết với các tổ chức phản động lưu vong và được các thế lực thù địch chống Việt Nam khích lệ, hỗ trợ. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia.

Khi bị bắt, Trần Huỳnh Duy Thức đã khai nhận hành vi chống Nhà nước thông qua việc trực tiếp viết nhiều bài công kích sự điều hành, chính sách kinh tế của Chính phủ, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng, chia rẽ nội bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Lê Công Định thú nhận thêm rằng đã tham gia khóa huấn luyện do nhóm khủng bố Việt Tân tổ chức, cũng như âm mưu thành lập đảng phái để thu hút lực lượng chống lại nhà nước Việt Nam.

Tại phiên tòa, Nguyễn Tiến Trung và Lê Công Định đều thừa nhận hành động của mình là vi phạm luật pháp Việt Nam. “Tôi nông nổi và phạm sai lầm,” Nguyễn Tiến Trung nói. Lê Công Định hối hận vì nhiều người thân trong gia đình đã đóng góp xây dựng chính thể này còn ông ta thì chống lại. Cũng cần nhắc thêm rằng Lê Công Định là một luật sư nắm vững luật pháp Việt Nam.

Bản thân các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội và hiểu rằng những hành động của họ đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, nhưng những “người ngoài” như đại diện tổ chức Nhà báo Không Biên giới Lucie Morillon lại ngang nhiên tuyên bố rằng “họ không làm gì sai trái.” Các đối tượng thừa nhận âm mưu lật đổ chính quyền nhưng Giám đốc đặc trách châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) Brad Adams vẫn khẳng định “không phải là tội theo luật quốc tế.” Không rõ cái gọi là “luật quốc tế” ở đây là luật nào, nhưng việc âm mưu lật đổ chế độ, cấu kết với những tổ chức bị coi là khủng bố, mà vẫn được một số người nhắm mắt bao che thì quả là một chuyện khó hiểu.

Và không rõ khi tội trạng rõ ràng đến vậy mà theo một số người vẫn không phải là tội, thì việc đối xử tàn tệ với tù nhân, thậm chí giam giữ người vô thời hạn, không được hưởng những quyền lợi pháp lý, việc gây ra những cuộc chiến tàn khốc ở nhiều quốc gia mà lý do về sau được thừa nhận là sai lầm, việc gia tăng buôn bán vũ khí chết người khắp nơi trên thế giới, sẽ được gọi là gì? Không lẽ đó cũng là đảm bảo quyền dân chủ cho người dân hay cho một quốc gia chỉ mong muốn sự an bình và phát triển?

Và điều quan trọng nữa là mỗi công dân của một quốc gia trước hết phải tuân thủ luật pháp của chính quốc gia đó, trước khi viện dẫn đến những luật quốc tế một cách chung chung. Mỗi quốc gia có quyền thực thi quyền của mình nhằm đảm bảo giữ vững chế độ mà hàng triệu người đã phải đổ bao xương máu để đạt được và đang cố gắng xây dựng một xã hội vì mọi người dân. Mọi ý kiến, phát biểu, bình luận về quyết định của một nhà nước có chủ quyền, thiết nghĩ phải dựa trên quan điểm công bằng và chỉ nên được đưa ra khi hiểu rõ sự việc và có đầy đủ thông tin.

Sự bao che mù quáng đối với một nhóm chống đối rất có thể làm nảy nở tràn lan những phần tử gây rối loạn cho Việt Nam - một quốc gia ổn định, một điểm đến an toàn, thân thiện cho các du khách và nhà đầu tư nước ngoài.

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng những quyền cơ bản của công dân, cùng phấn đấu xây dựng một đất nước hòa bình, ổn định và phát triển, đồng thời không chấp nhận sự dung túng cho những kẻ âm mưu lật đổ chính quyền của nhân dân, chà đạp lên quyền lợi của đất nước, của dân tộc vì những mưu cầu chính trị vị kỷ./.

Theo TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ