Mũ chống Covid-19 không “thần kỳ” như quảng cáo

Mũ chống Covid-19 không “thần kỳ” như quảng cáo

Không ít người nhanh chóng “sắm’ cho mình đầy đủ “dụng cụ bảo hộ” để chống Covid-19. Tuy nhiên, theo chuyên gia y tế, những vật dụng này không có hiệu quả, mà còn có thể gây hại cho sức khoẻ.

Thiết bị bảo hộ trở thành hàng “hot”

Mũ chống giọt bắn thường được bán với giá dao động từ 95.000 - 150.000 đồng. Trong khi đó, người dùng chỉ cần bỏ ra từ 135.000 - 180.000 đồng để có thể mua một bộ đồ bảo hộ.

Theo lời quảng cáo của nhiều cửa hàng, mũ chống Covid-19 có khả năng ngừa dịch cao, giúp người dùng tránh các giọt bắn khi tiếp xúc với người khác. Nhiều người bán hàng khẳng định, chỉ cần trang bị chiếc mũ này thì người dùng có thể yên tâm, bởi không loại virus nào có thể xâm nhập. Loại mũ này bao gồm hai bộ phận là vải như thông thường và có gắn thêm tấm che giọt bắn được làm từ nhựa. Những người bán hàng cho biết, do được làm từ nhựa trong suốt, nên người sử dụng sẽ không bị hạn chế tầm nhìn, mà vẫn có thể chống Covid-19 khi ra đường.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, chị Nguyễn Minh Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, ngoài việc thường xuyên đeo khẩu trang, chị luôn đội mũ chống giọt bắn khi ra ngoài, đặc biệt là tới siêu thị mỗi ngày. “Tôi sử dụng mũ chống Covid-19 vì lo sợ mình sẽ nhiễm bệnh khi ra khỏi nhà. Tôi nghĩ là loại mũ này có tác dụng phòng, chống dịch bệnh hiệu quả”, chị Trang nói thêm.

Không chỉ mũ chống giọt bắn, kính bảo hộ cũng là vật dụng được nhiều người tìm kiếm trong thời gian dịch bùng phát. Chị Nguyễn Tuyết Lê - chủ một cửa hàng kính tại Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, kính bảo hộ có nhiều loại khác nhau, giá cả sẽ phụ thuộc vào chất lượng mỗi loại. Chị Lê cũng chia sẻ, mặc dù không chuyên bán kính bảo hộ, nhưng theo chị được biết, những cửa hàng bán buôn thường nhập từng thùng kính bảo hộ về mỗi ngày.

“Loại kính bảo hộ phổ biến trên thị trường có tác dụng cản bụi cũng như giọt bắn. Tuy nhiên, loại kính đắt hơn sẽ có nhựa trong và chất lượng nhựa tốt hơn”, chị Lê cho hay.

Nói về kính bảo hộ, chị Tạ Kim Dung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Mình được người thân tặng kính chống Covid-19 và thường xuyên sử dụng khi ra khỏi nhà”. Cũng theo chị Dung, mặc dù không biết rõ về việc, liệu loại kính này có hiệu quả thực sự như lời quảng cáo hay không, nhưng chị vẫn cảm thấy an tâm hơn khi đeo chúng.

Ý kiến từ chuyên gia

Trái với những tác dụng “kỳ diệu” của trang phục bảo hộ mà các chủ cửa hàng quảng cáo, chuyên gia y tế cho rằng, những vật dụng này sẽ không mang lại bất cứ hiệu quả nào trong việc phòng, chống Covid-19.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, PGS.TS Đinh Vạn Trung - Nguyên Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn - BV Trung ương quân đội 108, Viện trưởng Viện Phát triển Y Dược công nghệ cao, cho biết: “Những loại mũ chống giọt bắn chỉ chủ yếu dành cho các y, bác sĩ khi thực hiện công tác hồi sức cấp cứu, đặc biệt là khi đặt máy thở cho bệnh nhân. Loại mũ này có tác dụng giúp nhân viên y tế tránh được giọt bắn của người bệnh”.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trung, loại mũ này không cần thiết đối với người dân, dù dịch Covid-19 bùng phát. Lý giải về quan điểm này, PGS.TS Trung cho biết, thông thường, mọi người sẽ tiếp xúc phải giọt bắn của người đối diện nếu họ giao tiếp ở khoảng cách 20 - 30cm. Tuy nhiên hiện nay, người dân được khuyến cáo nên giữ khoảng cách 2m khi giao tiếp. “Ở khoảng cách này, ngay cả khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, giọt bắn cũng sẽ không thể tiếp xúc tới phía người đối diện”, ông Trung nói thêm.

Ngoài ra, PGS.TS Trung khẳng định, loại kính và mũ chống giọt bắn đang được nhiều người sử dụng không chỉ gây lãng phí tiền, vướng víu khi ra ngoài, mà còn có thể gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khoẻ. Theo ông Trung, loại mũ được các nhân viên y tế sử dụng phải bảo đảm nhiều yếu tố như: Độ chuẩn xác về quang học, độ tán sắc ánh sáng, độ phản quang...

Tuy nhiên, với chất lượng không được thẩm định của những vật dụng chống Covid-19 đang được rao bán, người dùng có thể sẽ gặp các vấn đề về mắt. “Nếu những chiếc mũ chống giọt bắn được quảng cáo trên mạng chỉ được làm từ nhựa mica bình thường, chúng sẽ gây hại tới mắt người dùng”, PGS.TS Trung nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trung, những bộ đồ bảo hộ hiện được rao bán trên mạng xã hội cũng không có bất kỳ hiệu quả nào trong việc phòng, chống Covid-19. Theo đó, quần áo bảo hộ phải được cung cấp từ những cơ sở sản xuất uy tín, chuyên nghiệp, có thương hiệu rõ ràng, được cấp phép sản xuất dòng sản phẩm quần áo bảo hộ. Ngoài ra, đội ngũ nhân viên sản xuất cũng là những người được đào tạo chuyên sâu, có kiến thức chuẩn về đồ bảo hộ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ