Lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm khích lệ, cùng hơn 22 triệu học sinh cả nước chào mừng năm học mới

GD&TĐ - Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ khai giảng năm học mới, chia sẻ, động viên cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên cả nước; quan tâm vấn đề an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông với chương trình vận động toàn dân "Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em",… là những sự kiện giáo dục nổi bật tuần qua.

Ngày 5/9, hơn 22 triệu học sinh cả nước đã chính thức bước vào năm học mới 2019 - 2020.
Ngày 5/9, hơn 22 triệu học sinh cả nước đã chính thức bước vào năm học mới 2019 - 2020.

Năm học mới, quan tâm hơn tới việc dạy làm người

 Con người cần có đức, có tài thì mới đóng góp xây dựng được đất nước, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Dạy chữ quan trọng, dạy làm người, dạy đức, dạy lối sống văn hóa còn quan trọng hơn trong thời kỳ hội nhập và trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Đó là nội dung được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới ở Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội).

Ghi nhận những cải tiến về phương pháp, tiếp cận mới về mô hình phát triển, đặc biệt là nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập đã được khẳng định. Trong năm học mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, bên cạnh tiếp tục dạy học hiệu quả các môn văn hóa - mà thường gọi là dạy chữ - các thầy cô cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống cho học sinh, sinh viên - tức dạy làm người - để học sinh phát triển toàn diện, phát huy năng lực sáng tạo.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới ở Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội).
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới ở Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội).

Dự lễ khai giảng năm học mới tại trường THPT Tháp Mười (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, năm học 2019-2020, ngành GD&ĐT cả nước phải tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng, Nhà nước về “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu hình thành lớp thanh niên có năng lực công dân mới, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ nêu trên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Đồng Tháp, thầy và trò Trường THPT Tháp Mười cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khơi dậy niềm vui, niềm say mê học tập; Các cháu học sinh cố gắng chăm chỉ, siêng năng trong học tập và rèn luyện, kết hợp chặt chẽ giữa học với hành, để kiến thức mà các cháu có được sẽ sâu hơn, chắc hơn và thực sự có ích trước tiên cho chính bản thân mình, sau đó là gia đình và cộng đồng.

Bên cạnh đó, cũng cần phải quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên có phẩm chất chính trị tốt, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng… Mỗi thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục phải hết lòng vì thế hệ trẻ, sáng tạo trong công việc, tận tâm, tận tụy vì học sinh thân yêu, thực sự là những tấm gương để học sinh noi theo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh trống khai giảng năm học mới 2019 - 2020, tại trường THPT Tháp Mười (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh trống khai giảng năm học mới 2019 - 2020,  tại trường THPT Tháp Mười (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp).
 Sâu khấu chính là của các em học sinh, nhà trường thật sự mong muốn điều đó từ cách bố trí hàng ghế đại biểu cuối sân trường, cho đến các phần hội đều rất nhẹ nhàng, tươi vui. Những điều đó thể hiện tinh thần vì học sinh thân yêu của nhà trường.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Trong ngày khai giảng năm học mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm thầy trò trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận 7, TPHCM). Ông từ chối ngồi ở vị trí đại biểu mà đứng cùng phụ huynh xem các học sinh có buổi lễ khai giảng tươi vui.

Phó Thủ tướng cho biết, ấn tượng với công tác chuẩn bị lễ khai giảng của nhà trường. Ông tỏ rõ sự rạng rỡ, tươi vui khi trò chuyện với các em học sinh và phụ huynh trong ngày vui khai trường.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hôm nay ông ghé thăm trường để mong cùng chung vui niềm vui khai giảng với các em học sinh. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm thầy trò trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận 7, TPHCM), cùng các thầy cô đón chào học sinh lớp 1 trong Lễ khai giảng.
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm thầy trò trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận 7, TPHCM), cùng các thầy cô đón chào học sinh lớp 1 trong Lễ khai giảng.

Vận động toàn dân "Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em"

Nhằm góp phần bảo vệ an toàn cho trẻ, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng lãnh đạo nhiều cơ quan Trung ương, địa phương đã tham dự và phát động chương trình vận động toàn dân "Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em".

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị cha mẹ, người lớn thực hiện nghiêm túc đội mũ bảo hiểm, đó là hành xử văn hóa. Thầy cô giáo thường xuyên trao đổi hướng dẫn kỹ năng bảo đảm an toàn giao thông trong đó có đội mũ bảo hiểm; lực lượng chức năng tuần tra xử lý nghiêm không đội mũ bảo hiểm theo quy định...

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng: "An toàn giao thông là mối quan tâm của mọi người, mọi nhà. Thời gian qua, tình hình an toàn giao thông vẫn rất phức tạp, đặc biệt một số vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại về người và tài sản vẫn còn rất lớn".

Để tạo ý thức tốt và đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy, người lớn hãy gương mẫu thực hiện đội mũ bảo hiểm đúng quy cách và thực hiện đội mũ cho trẻ khi tham gia giao thông.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trong Lễ phát động chương trình vận động toàn dân "Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em".
 Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trong Lễ phát động chương trình vận động toàn dân "Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em".

Khởi động tìm kiếm Đại Sứ E-Learning Việt Nam

Trong tuần qua,Báo Giáo Dục và Thời Đại phát động chương trình “Tìm kiếm Đại sứ E-Learning Việt Nam”. Năm bài giảng xuất sắc nhất sẽ giúp cho chủ nhân nhận được phần thưởng trị giá 500 triệu đồng.

Chương trình “Tìm Kiếm Đại Sứ E-Learning Việt Nam” được phát động với mục đích khuyến khích những người hoạt động trong lĩnh vực đào tạo. Hoặc có đam mê và mong muốn phát triển trong lĩnh vực đào tạo. Tận dụng khoa học công nghệ hiện đại vào giảng dạy nhằm tạo ra các khóa học trực tuyến sinh động, hiệu quả không kém các khóa học truyền thống. Từ đó, khẳng định bản thân và lan tỏa tri thức của mình đến những người học trên khắp mọi miền đất nước, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc cho cả người dạy và người học.

Nhiều năm qua, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, khuyến khích sử dụng giáo án điện tử đã được ngành giáo dục triển khai rộng khắp. Chương trình này là cơ hội để các thầy cô giáo, các giảng viên trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn, đồng thời cũng thêm lựa chọn và cơ hội cho người học thông qua tài nguyên công nghệ sẵn có.

Xem chi tiết về Chương trình TẠI ĐÂY.

Bài giảng sử dụng hỗ trợ của CNTT đã rất phổ biến trong các nhà trường. (Ảnh minh họa)
Bài giảng sử dụng hỗ trợ của CNTT đã rất phổ biến trong các nhà trường. (Ảnh minh họa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.