Một trái tim - Một thế giới: Nối những vòng tay nhân ái

GD&TĐ - Sáng nay (10/4), tại TPHCM diễn ra buổi họp báo giới thiệu chương trình “Một trái tim - Một thế giới” lần thứ XII.

Một trái tim - Một thế giới: Nối những vòng tay nhân ái

Đây là chương trình tổ chức thường niên nhân dịp kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4) do Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Bộ LĐ-TB và XH, Đài truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức. 

Chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật từ thiện “Một trái tim - Một thế giới” sẽ được trực tiếp trên kênh VTV2 vào lúc 20h30 phút ngày 17/4 tại Trung tâm ca nhạc Lan Anh, TP HCM. 

Theo chia sẻ của đại diện Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam (Hội Bảo trợ NTT và TMC VN), đây là lần thứ hai chương trình được tổ chức tại thành phố mang tên Bác. Ngoài các tiết mục văn hóa nghệ thuật, khán giả sẽ được xem các phóng sự cũng như được giao lưu với nhân vật chính về cuộc sống, nghị lực và ước mơ của họ.

BTC hi vọng, chương trình sẽ mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, ấn tượng khó quên về nghị lực sống, tình người, sự sẻ chia, kết nối trong cộng đồng. Đó là những nhân vật như chị Đào Thị Xuân (tỉnh Bình Phước), là một người dân bình thường, gia đình buôn bán nhỏ, nhưng chị đã thành lập nhóm thiện nguyện “Hạt gạo tấm lòng” quy tụ hơn 50 người cùng đóng góp, trợ giúp cho những hoàn cảnh khó khăn. Đó là những em HS, SV dù bị khiếm thị, bị khuyết tật, vẫn vươn lên học tập thật giỏi với nghị lực sống phi thường…

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đình Liêu - Chủ tịch T.Ư Hội Bảo trợ NTT và TMC VN, Trưởng BTC chương trình, thông qua các phóng sự, nhân vật, chương trình muốn gửi tới khán giả thông điệp: Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người khuyết tật luôn ý thức được sự thiệt thòi về thể chất, cố gắng gấp nhiều lần so với người khác để thực hiện ước mơ. 

Đó là ước mơ được đến trường, được sống bằng sức lao động của mình, có một ngôi nhà vững chãi hơn, có một tổ ấm bé nhỏ hay đơn giản chỉ là được nhìn nhận là những người có khả năng, được là chính mình. 

Với sự quan tâm của Nhà nước, sự trợ giúp của cộng đồng, sự nỗ lực của bản thân, họ đã phát huy khả năng, đóng góp trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống, bao gồm cả lĩnh vực chính trị. 

Không chỉ tôn vinh, biểu dương những tấm gương điển hình, chương trình còn là địa chỉ nối những nhịp cầu nhân ái. Theo đó, 11 năm qua, từ nguồn Quỹ vận động được qua chương trình này, Hội đã tổ chức nhiều dự án, nhiều hoạt động hỗ trợ giúp cho hàng triệu lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi, giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống. 

Cụ thể như năm 2014, Hội đã được các tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài tiếp tục đóng góp, ủng hộ vào quỹ Hội các cấp với số tiền và hiện vật quy tiền trị giá 357 tỷ đồng. 

Dự kiến năm 2015, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình trọng tâm như: chỉnh hình phục hồi chức năng cho 1.200 ca; mổ mắt thay thủy tinh thể cho 4.500 ca khiếm thị; cấp 6.000 xe lăn; tặng 8.000 suất học bổng và xe đạp cho trẻ mồ côi nghèo…

Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Đình Liêu, ở nước ta hiện có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật (từ 5 tuổi trở nên, dưới 5 tuổi chưa được thống kê cụ thể), và đa số những người này đều có hoàn cảnh rất khó khăn. 

Vì vậy, thông qua chương trình “Một trái tim - Một thế giới” lần thứ XII tại TPHCM năm nay, Hội hy vọng một lần nữa nối liền tình cảm sẻ chia từ nhà tài trợ đến với những mảnh đời còn nhiều gian khó, giúp họ vượt qua nghịch cảnh của cuộc sống. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.
Ảnh: Quốc Bình

Đu đủ là vừa!

GD&TĐ - Trước khi trời đổ mưa rào giao mùa Xuân sang Hạ, chị liền hối đứa nhỏ bắc ghế hái những quả đu đu đã lớn hết cỡ, vỏ ngả ương ương.
Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT

Đi tìm nguyên nhân gây bệnh đau đầu

GD&TĐ - Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát, trong đó, đau đầu nguyên phát chiếm 90% và là cơn đau do bệnh lý cụ thể gây ra.