Một thương binh ròng rã 7 năm đòi nợ trường học

GD&TĐ - Thương binh Trần Quang Bá, đại diện đơn vị thi công, trúng thầu thi công công trình sửa chữa, xây dựng mới một số phòng học với chủ đầu tư là Trường THPT Thủ Đức, TPHCM vào năm 2010. Công trình được nghiệm thu, hoàn công và đưa vào sử dụng một năm sau đó. Tuy nhiên, ròng rã suốt 7 năm qua ông Bá vẫn bất lực trong việc đòi các khoản nợ còn lại.

Trường THPT Thủ Đức, đơn vị đang bị kiện đòi nợ gần 7 tỉ đồng
Trường THPT Thủ Đức, đơn vị đang bị kiện đòi nợ gần 7 tỉ đồng

Chủ đầu tư chối bỏ trách nhiệm?

Trong đơn cầu cứu gửi Báo GD&TĐ, ông Trần Quang Bá (đại diện Công ty TNHH Quang Đức) tỏ ra hết sức bức xúc vì chủ đầu tư (Trường THPT Thủ Đức) quá coi thường cá nhân ông và các phán xét của tòa án.

Theo đó, đằng đẵng hơn một năm trời với nhiều thiện chí hợp tác để yêu cầu Ban giám hiệu (BGH) Trường THPT Thủ Đức, TPHCM thanh toán nốt khoản tiền còn nợ hơn 4,6 tỉ đồng nhưng vô vọng. Tháng 8/2013 ông Trần Quang Bá quyết định khởi kiện Trường THPT Thủ Đức ra tòa để đòi nợ tổng số tiền 6,7 tỉ đồng.

Sau hơn 5 năm thụ lý đơn kiện, với biết bao thủ tục pháp lý cần bổ sung, ngày 20/7/2018, Tòa án nhân dân quận Thủ Đức, TPHCM tuyên ông Trần Quang Bá thắng kiện, buộc Trường THPT Thủ Đức phải trả cho liên danh Công ty TNHH Xây dựng Quang Đức và Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng dịch vụ Linh Trung số tiền xây dựng còn thiếu hơn 4,6 tỉ đồng, tiền lãi chậm thanh toán hơn 2 tỉ đồng. Tổng cộng hai khoản này là hơn 6,7 tỉ đồng (theo đề nghị của nguyên đơn).

Đặc biệt, sau bản án đã tuyên của TAND quận Thủ Đức, Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức (QĐ số 130/QĐ-CCTHADS, ký ngày 8/10/2018) yêu cầu Trường THPT Thủ Đức nghiêm túc thi hành bản án. Tuy nhiên, mọi thứ đến thời điểm này vẫn là sự im lặng một cách khó hiểu từ BGH nhà trường.

Tổng giá trị của hợp đồng hai bên ký với nhau là hơn 27,9 tỉ đồng, hiện số tiền được giải ngân là 26,5 tỉ đồng. Toàn bộ ngân sách dành cho công trình mà Sở Xây dựng TPHCM phê duyệt cho nhà trường là hơn 36,5 tỉ đồng.

Điều đáng nói và đáng quan tâm nhất chính là 28 hạng mục phát sinh (đều có biên bản của chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, đơn vị tư vấn giám sát) được chủ đầu tư yêu cầu đơn vị thi công phải thực hiện nhiều hạng mục hết sức phi lý.

Nói về các khoản tiền mà Trường THPT Thủ Đức không chịu trả cho mình, ông Trần Quang Bá cho biết đó không phải lỗi do đơn vị thi công. Ngoài khoản tiền theo hợp đồng đã ký chưa được trả đủ thì còn nhiều khoản trong quá trình thi công nảy sinh từ yêu cầu của chủ đầu tư.

Thậm chí, ngay trong quá trình thi công với nhiều hạng mục được chủ đầu tư (đại diện là ông Nguyễn Hữu Diệu - Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức, nay đã về hưu) yêu cầu làm. Ông Trần Quang Bá đã không ít lần đưa ra cảnh báo về việc đội vốn, tăng chi phí của công trình nhưng mọi cảnh báo đều bị phớt lờ.

Liên lạc với ông Nguyễn Hữu Diệu, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức, ông cho biết mình đã về hưu từ lâu và không có trách nhiệm trả lời.

Công văn trả lời và chuyển yêu cầu của Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức của UBND TPHCM sang Chi cục Thi hành án TP
  • Công văn trả lời và chuyển yêu cầu của Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức của UBND TPHCM sang Chi cục Thi hành án TP

Xài tiền vô tội vạ?

Công trình thi công, sửa chữa và xây dựng mới một số phòng học tại Trường THPT Thủ Đức thuộc diện được điều chỉnh tổng mức đầu tư do biến động giá vì dự án được phê duyệt ngày 27/5/2009 (theo Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 và Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009).

Biên bản làm việc của Sở Xây dựng TPHCM (ngày 4/10/2013) với các bên về đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư cho dự án cũng khẳng định rõ điều đó. Đặc biệt, chủ đầu tư với đại diện pháp luật là ông Nguyễn Hữu Diệu cũng đã làm tờ trình, văn bản xin Sở Xây dựng TPHCM xem xét cho điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 36,5 tỉ đồng lên mức gần 53 tỉ đồng. Tuy nhiên, tờ trình và văn bản này không được Sở Xây dựng TPHCM chấp thuận.

Thực tế, soi chiếu 28 hạng mục phát sinh trong tổng gói thầu thi công, có nhiều hạng mục mà chính đơn vị thi công cũng không hiểu vì sao một trường học lại cần có. Đơn cử, tại biên bản làm việc các công việc phát sinh và thay đổi ngày 7/11/2009 (biên bản số 14), với đại diện 4 thành phần gồm:

Chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị giám sát cho thấy, hạng mục công trình phát sinh và thi công là lắp đặt 9 bồn tắm đứng (loại dùng cho khách sạn cao cấp), 4 máy nước nóng, 3 bồn inox loại 2.000 lít, hệ thống van vòi từ nước lạnh sang nước nóng; thay đổi sàn gỗ một số hạng mục (biên bản số 17, ngày 5/5/2011), hạng mục thay đổi kiến trúc trang trí sảnh chính (biên bản số 23, ngày 19/9/2011) với yêu cầu trần thạch cao, dàn đèn trang trí, các cột phải bọc Alumium, bậc cấp lót đá hoa cương; hạng mục hệ thống lam nhôm che nắng, hạng mục mương cống và sân trường mới hoàn toàn (không có trong thiết kế ban đầu).

Theo ông Trần Quang Bá, các hạng mục này đều phải làm theo chỉ đạo và ngẫu hứng của nguyên Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Diệu.

Hiện Chi cục Thi hành án dân sự Thủ Đức đã hai lần có văn bản (Văn bản số 1196/CCTHA và 1383/CCTHA) gửi UBND TPHCM nhờ xem xét, có ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ cấp bổ sung kinh phí để Trường THPT Thủ Đức thi hành bản án.

Tuy nhiên, đến thời điểm này (thông qua Văn bản số 5378, ký ngày 21/6/2019) Văn phòng UBND TPHCM vừa chuyển yêu cầu của Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức qua Chi cục Thi hành án dân sự TPHCM để kiểm tra, báo cáo, đề xuất phương án cho UBND TPHCM.

Thông tin với phóng viên, ông Lê Ngọc Khái - Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức TPHCM cho biết, mình cũng đang ở trong thế khó. Thời gian qua, nhà trường đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị lên Sở Xây dựng TPHCM và Sở GD&ĐT TPHCM để có hướng giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm. Mới nhất là phản hồi của UBND TPHCM với Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức về vụ việc này.

“Vụ việc kéo dài khiến cá nhân tôi và nhà trường nhiều năm qua rất mệt mỏi vì thường xuyên phải báo cáo, giải trình. Đây là đầu tư công, dư hay thiếu thì đều phải chờ ngân sách duyệt. Vấn đề này là vấn đề của hiệu trưởng cũ, họ “cầm đèn chạy trước ô tô” dẫn đến kiện cáo mấy năm nay. Tôi mới về, không rành về thủ tục xây dựng nên cũng chỉ biết chờ cơ quan cấp trên xem xét. Nếu có tiền thì trả cho đơn vị thi công ngay, còn không có thì cứ phải tiếp tục chờ” - ông Khái nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh đội nắng ra về sau buổi thi đánh giá năng lực ở Đại học Quốc gia TP HCM ngày 7/4. Ảnh minh họa: VNUHCM

'Hạ nhiệt' cho sĩ tử

GD&TĐ - Nắng nóng kéo dài những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của học sinh các địa phương.
Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.