Ước mơ giản dị của vợ người thương binh mù

GD&TĐ - Đã hơn 40 năm, câu chuyện về lễ đón dâu kỳ lạ vẫn hằn sâu trong tâm trí của bà Phan Thị Kim Song. Ở đám cưới đó, cô dâu chở chú rể trên chiếc xe đạp để về nhà chồng. 

Bà Song chỉ mong mình có đủ sức khỏe để chăm sóc ông đến cuối cuộc đời. 	 Ảnh: T.G
Bà Song chỉ mong mình có đủ sức khỏe để chăm sóc ông đến cuối cuộc đời. Ảnh: T.G

Lời hẹn ước trước ngày nhập ngũ

Ngày lên đường nhập ngũ anh lính trẻ Cao Văn Thành, SV Trường ĐH Bách khoa đã nhận được lời hẹn ước chờ đợi của cô bạn sinh viên Phan Thị Kim Song. Như bao nhiêu người bạn cùng thời, khi gác nghiệp bút nghiên ra trận, anh tin ở chiến thắng, ở hòa bình và ôm ấp ước mơ về một đám cưới đẹp với người bạn học.

Ở lại trường, Kim Song nhận thông tin từ người yêu qua những bức thư viết vội trên đường hành quân, thường chỉ vỏn vẹn vài dòng: “Anh đang nghỉ chân nên tranh thủ viết thư cho em…”, “Hôm nay đơn vị anh đi qua quê em…”. Cho đến một ngày, vẫn nét chữ quen thuộc ấy nhưng nguệch ngoạc hơn rất nhiều “Song, anh bị thương mắt phải và vai. Lúc nào ra Bắc, anh sẽ báo tin. Em yên tâm học tốt”, rồi bặt tăm.

“Tôi chỉ kịp viết cho Song bức thư thông báo mình đã được chuyển ra Viện 109 và đó cũng là bức thư cuối cùng tôi viết cho cô ấy!” – người thương binh mù kể lại.

Do không còn khả năng chiến đấu, anh được rồi chuyển ra Bắc để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, khi ra đến Viện Quân y 109 (tỉnh Vĩnh Phúc), mắt còn lại của anh bị nhiễm trùng và không bao giờ thấy lại được khuôn mặt cô bạn gái nữa. 

Nhận được thư, mặc dù đang làm luận án tốt nghiệp nhưng Kim Song vội vã bắt tàu đi lên Viện Quân y 109. Đến nơi, cô được thông báo anh Thành đã chuyển về Viện Quân y 108 tại Hà Nội. Gặp anh, cô không cầm được nước mắt khi nhận được câu hỏi: “Song, có phải em đấy không?”. Song lao đến ôm chầm lấy anh. Từ giây phút đó, cô quyết định gắn cuộc đời mình với người bạn học.

Hạnh phúc vượt qua mọi rào cản

Năm 1976, đám cưới của cô kỹ sư Bách khoa và anh thương binh mù diễn ra bất chấp mọi rào cản của gia đình, bạn bè và sự hoài nghi của xã hội. Một đám cưới kỳ lạ khi cô dâu chở chú rể trên chiếc xe đạp cũ, đạp như chạy bỏ lại sau lưng những trách cứ, khuyên nhủ từ người thân: “Con ơi! Tại sao con lại khổ thế? Chị ơi! Em thương chị quá”. Ngày đó, người duy nhất ủng hộ đám cưới là bố của Song. Ông đã khóc trong đám cưới của con gái khi phát biểu: “Con lấy một người vì dân vì nước nên bố sẽ luôn động viên con!”.

Sau đám cưới, với tư chất của anh bộ đội cụ Hồ, người thương binh “tàn nhưng không phế” vượt qua số phận và dần trở thành chỗ dựa tinh thần cho vợ và gia đình. Về Thanh Hóa, anh Thành không chịu ở lại Trung tâm Điều dưỡng cho thương binh mà xin ra ngoài và ngày ngày nhờ vợ chở đi dạy nhạc cho trẻ em khắp vùng. Trong thời gian này, anh thường tìm gặp và động viên những người đồng cảnh ngộ cùng nhau lạc quan để vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Anh cũng chính là sáng lập viên Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa.

Sau khi chồng về công tác tại Hội Người mù tỉnh, đang là một kỹ sư của Nhà máy Bia, bà Kim Song xin nghỉ và về cùng chồng làm công tác hội. “Ngày đó hội mới thành lập, tuy còn nghèo nhưng tôi đã có xe đưa, xe đón!”, ông Thành hóm hỉnh kể về chuyện hàng ngày được vợ đạp xe chở đi làm.

Ước mơ giản đơn khó thành hiện thực

Vợ chồng tôi cùng sinh vào ngày 2/2/1951, nhưng nguyện vọng cuối cùng của tôi là mất sau chồng để được chăm sóc   ông ấy đến tận cuối đời. Bà Phan Thị Kim Song

Năm 1998, ông Thành được tổ chức đưa ra làm ở Trung ương Hội Người mù Việt Nam. Để tiếp tục theo và giúp đỡ chồng, bà Song học văn bằng hai của Học viện Hành chính Quốc gia để đáp ứng đủ yêu cầu công việc và xin về công tác tại Trung ương Hội. “Do là một kỹ sư nên tôi đã phải đi học thêm một bằng cử nhân để có thể xin về Trung ương để tiếp tục công tác cùng chồng”, bà Song cho biết. Từ đó, bà tiếp tục với công việc quen thuộc của mình khi là ánh sáng đưa đường, chỉ lối và phụ giúp công việc cho chồng. Thậm chí, để đáp ứng được công việc, bà còn phải làm quen và học chữ nổi Braille để đỡ đần ông Thành.

Trong suốt thời gian ông Thành công tác tại Hội Người mù Việt Nam, cứ mỗi buổi chiều, nghe câu gọi “Ra đón chồng kìa!” của hàng xóm, bà Song lại vứt bỏ việc nhà chạy ra đầu ngõ để dắt chồng về nhà. Người dân ở con ngõ nhỏ trên phố Huỳnh Thúc Kháng quá quen với hình ảnh “một tay xách cặp, một tay dắt chồng”. “Bà ấy khác gì hai con mắt của chồng” – một người hàng xóm thán phục.

Hơn 40 năm chung sống hạnh phúc, hai ông bà đã có với nhau ba người con. Người con gái lớn bị nhiễm chất độc da cam từ bố nên không nói và không nghe được, nhưng rất may mắn là hai người con sau đều rất giỏi và thành đạt trong công việc. Tuy nhiên, với bà Song, vẫn còn đó những ước mơ giản đơn của người phụ nữ mà có lẽ bà sẽ không bao giờ có được.

“Tôi chỉ ước khoa học phát triển chữa cho ông Thành được một bên mắt, để một lần ông ấy nhìn thấy các con, một lần được ông ấy chở xe đi trên phố” - bà Song rơm rớm nước mắt. Nhưng, sau một vài lần đến Bệnh viện Mắt Trung ương thăm khám, các bác sĩ đã chính thức trả lời là không thực hiện được ca mổ. Câu trả lời của bác sĩ dường như được ông Thành biết trước. Để động viên vợ, người thương binh luôn vui vẻ sống, cống hiến bởi “tuy không được nhìn thấy mặt các con, nhưng trong tâm trí tôi, vợ tôi mãi mãi là một sinh viên trẻ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.