Một tháng 6 phiên hoài cổ

Một tháng 6 phiên hoài cổ

Các đồ vật cũ kỹ, với nhiều người có lẽ chẳng có chút giá trị gì. Nhưng khi mang đến chợ, bày lên kệ lại trở thành những món đồ độc đáo, được nhiều người săn tìm. Người chơi đồ cũ – cổ nói rằng, những món đồ ấy mang nhiều năng lượng bởi nó gắn liền với quá khứ, là vật chứng của những giai đoạn thăng trầm lịch sử.

"Ké" chợ cây cảnh

Một tháng 6 phiên hoài cổ ảnh 1
Giá cả các loại sản phẩm tại chợ đồ cũ có khi rất đắt.

Tại chợ Vạn Phúc, khách tới mua bán trao đổi tất cả mọi thứ, bất kể là hàng còn có thể sử dụng hay đã vô dụng. Từ những bức tượng, bình gốm sứ, đôi loa bãi xuất xứ Nhật Bản cả chục triệu đồng tới những chiếc điện thoại đã vỡ tan nát, chiếc đầu máy quay băng chẳng rõ liệu còn có thể chạy hay không. Và thậm chí, có cả những cái chum vại đựng nước tiểu thời xưa cũng được trưng bày.

Khi trời còn tờ mờ sáng, tiếng huyên náo dọn hàng đã xua tan bầu không khí vắng lặng của thời khắc giao thoa giữa đêm và ngày. Khắp chợ đầy ắp người mua, kẻ bán cùng cơ man sản phẩm. Khách hàng đến đây chủ yếu là những người luống tuổi và giới sưu tầm đồ cổ, đồ cũ.

Những người này là khách hàng chuyên nghiệp, họ đảo qua nhiều vòng quanh chợ, ngắm nghía kỹ lưỡng, tỉ mỉ từng sản phẩm rồi mới quyết định chọn mua, ngã giá. Cũng có những khách hàng đến chợ chỉ vì tò mò xem xét chợ bán những mặt hàng gì.

Theo lời một chủ hàng, chợ đồ cổ Vạn Phúc trước kia vốn là chợ cây cảnh. Khoảng vài năm trước bắt đầu xuất hiện vài người bán đồ cổ trưng hàng ra vỉa hè, ké cạnh những người bán cây. Rồi dần dần, chợ cây cảnh tự dẹp, thay vào đó là những sản phẩm đồ cổ, đồ xưa.

Lịch họp chợ chính của chợ vẫn 6 phiên, nhưng giờ có mở thêm cả ngày thường. Tuy nhiên, ngày thường thì cả khách và người bán đều thưa thớt, hàng hóa nghèo nàn. Còn ngày phiên, tất cả những gì gọi là tinh túy, bình dân hay ồn ã được quy tụ về đây cả.

Sôi động chợ đồ cũ

Khách hàng rất thích thử vận may tìm kiếm các món đồ mình muốn ở chợ. Tuy nhiên, theo cụ Hóa - một người bán chum vại cũ cho hay: "Người mua chủ yếu là dân sưu tập, họ đến tìm những thứ mà trong bộ sưu tập còn thiếu".

Khi mặt trời lên cao hơn con sào thì nét đặc trưng cũng như sự phong phú, đa dạng của sản phẩm hàng hóa chợ đồ cổ mới hiện rõ. Không còn tiếng í ới gọi nhau dọn hàng, khách cũng đã dồn hết tâm trí soi xét sản phẩm nên không gian chợ rất tĩnh mịch.

Thi thoảng, một vài bài hát được phát ra bởi những chiếc loa, chiếc máy cát-sét cũ kỹ mang những thương hiệu nổi tiếng từ cách đây 20, 30 năm. Đôi lúc, những tiếng rè rè làm không gian của phiên chợ thêm đậm đặc chất xưa hoài niệm.

Trong diện tích rộng khoảng gần một mẫu đất, có hàng trăm gian hàng được mở ra. Cứ một sản phẩm nếu bán được, rất có thể chủ hàng đã có thêm vài trăm, thậm chí cả triệu đồng. Cho nên, nếu khách đến chợ không thuộc loại sưu tập lành nghề thì rất dễ mất tiền oan cho một món đồ không tương xứng.

Cụ Hóa cũng bật mí: Chủ hàng ở đây buôn bán theo kiểu may rủi. Tùy theo khách mà hét giá chứ không niêm yết bao giờ. Một chiếc lư đốt trầm loại nhỏ, làm bằng đồng đáng giá bán 300 nghìn đồng, nhưng gặp khách "nai tơ" thì hét 800 nghìn đồng cũng mua.

Hiện nay chợ đồ cổ Vạn Phúc đã được chia ra thành nhiều khu vực riêng biệt, và có quy hoạch hơn trước. Mỗi khu vực lại bày bán những loại sản phẩm đặc trưng khác nhau: Khu gốm sứ, khu điện tử, khu đồ kim khí...

Ở khu gốm sứ, từng chiếc bình, chiếc bát, chiếc đĩa lớn nhỏ, nguyên vẹn lẫn sứt mẻ đều mang những nét hoa văn, dáng dấp thể hiện được thời gian sản xuất từ thời bao cấp hoặc trước nữa. Những khu hàng này thu hút khách hàng ở tuổi cao niên, họ mua lại chiếc đĩa, bộ ấm trà, bộ điếu bát… mà thời trẻ đã có thời gian gắn bó.

Còn ở khu bán đồ điện tử, từ những chiếc đài cát-sét mang các thương hiệu đã lâu không còn xuất hiện tại nước ta cho đến những chiếc loa sờn rách, ốp gỗ nâu bóng. Khách hàng của sản phẩm này đa phần lại là các quý ông tuổi trung niên hoặc người chuyên mua loa cũ về chế lại.

Có khu vực lại bày bán những thứ đồ vốn là vật xa xỉ của một thời như đồng hồ, xe đạp, có cả những chiếc xe máy Simson hoen gỉ. Thậm chí, có gian hàng chỉ bán những phụ tùng của các dòng xe cũ như chiếc đèn, đôi vành xe hay bình xăng tách rời.

Chợ phiên họp các ngày 5, 10, 15, 20, 25 và 30 âm lịch.
Chợ phiên họp các ngày 5, 10, 15, 20, 25 và 30 âm lịch.
Rất nhiều mặt hàng cũ - cổ được bày bán tại chợ.
Rất nhiều mặt hàng cũ - cổ được bày bán tại chợ.

Mua bán quá khứ

Nơi được nhiều người quan tâm nhất là khu vực bày bán các sản phẩm bình dân, gắn liền với những năm tháng bao cấp khó khăn. Đó là những mặt hàng mà bây giờ có lẽ chỉ xuất hiện trong phim hay chuyện kể như chiếc máy đánh chữ, máy ảnh cũ hỏng, những chiếc đèn măng-xông.

Khu đất dựng chợ nay có hàng rào ngăn riêng vị trí, tuy nhiên có rất nhiều gian hàng mở tự phát phía bên ngoài. Các gia đình gần chợ cho thuê lại nhà, một số người thì thuê các ki-ốt, còn lại là trải bạt ra vỉa hè, lề đường rồi cứ vậy mà kinh doanh. Hàng bán bên ngoài chợ cũng đa dạng không kém: Nanh hổ, nanh lợn rừng đến cả những chiếc thuyền tán thuốc của giới đông y.

Theo nhiều người sưu tầm đồ cổ, chợ Vạn Phúc tuy bày bán nhiều sản phẩm song để mua được món hàng thật sự chất lượng thì người mua phải sành hàng và sành giá. Với đồ điện tử, thậm chí người bán nói nếu mua nhanh gọn kiểu à uôm không cần thử thì sẽ được giá rẻ, nếu cắm điện thử sẽ tính giá tiền khác. Hài hước là có những món người mua thì không biết, người bán khi được hỏi cũng không hay. Lúc đó cả hai bên sẽ tự đoán món hàng là gì và đặt giá với nhau.

Giá cả ở chợ Vạn Phúc thì vô cùng, trên trăm triệu cũng có, vài chục nghìn cũng có. Đôi khi có những món hàng qua mấy phiên không bán nổi được cho không hoặc vứt đi. Rất nhiều khách thích thú với điều này, bởi không dễ gặp ở các khu chợ khác.

Cứ như thế, những đồ vật trở thành hiện thân cho những giá trị xưa cũ, nhưng các khu chợ vẫn không hề lạc lõng trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Có người sưu tầm, có người đi tìm lại những mảng ký ức xưa, có người tìm hiểu nghiên cứu, có người đơn giản chỉ coi đây là một không gian giải trí.

Nhưng dù người bán kẻ mua là ai cũng khó có thể rời mắt khỏi những câu chuyện, những "thước phim" của quá khứ được tái hiện trên những món đồ vô tri, vô giác. Thế nên, có những khách hàng khi mua được thứ mình ưng thì cứ rưng rưng đôi mắt muốn khóc. Họ muốn khóc không phải vì mua được món hàng giá rẻ, mà đơn giản là tìm được quãng thời gian đã mất của đời một con người.

"Ban đầu, chợ đồ cũ chỉ là tự phát, và là chợ "ké hàng" với sinh vật cảnh. Tuy nhiên, cho đến nay thì đã hình thành chợ chuyên nghiệp một tháng 6 phiên. Qua những mặt hàng cũ, cổ đã thu hút nhiều người tham gia mua bán và hình thành một nét văn hóa đặc trưng ở Vạn Phúc".

Ông Nguyễn Chính Hữu, 
Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.