Khi từ được đưa vào sử dụng, mặc dù mỗi người có thể có cách riêng, sáng tạo riêng nhưng vì giao tiếp là một hoạt động xã hội, muốn biểu lộ được chính xác ý tưởng của mình cũng như muốn người khác lĩnh hội được chính xác ý tưởng đó, mỗi người lại phải tuân thủ những yêu cầu chung. Tuy nhiên, do sự hiểu biết chưa tỏ tường về tiếng Việt hoặc tâm lí “dễ dãi” trong cách dùng từ, đặt câu mà hiện tượng dùng từ sai vẫn có nếu không muốn nói là còn phổ biến. Dưới đây xin được kể ra một số lỗi thường gặp khi dùng từ tiếng Việt.
1.Dùng từ không đúng âm thanh và hình thức cấu tạo
Âm thanh và hình thức cấu tạo là mặt vật chất, là cái biểu đạt của từ. Nếu cái biểu đạt mà bị dùng sai thì hệ quả kéo theo là cái được biểu đạt sẽ không đúng hoặc vô nghĩa.
Ví dụ: (1)Đội trẻ MU: Tương lai sáng lạng (Tít bài trên http://www.vietbao.vn)
(2) Ross Brawn tin vào tương lai sáng lạn của Mercedes GP (Tít bài trên http://www.baomoi.com)
Cả hai tít báo trên đều dùng từ sai. Ở vào vị trí của từ “sáng lạng” (ví dụ 1) hay “sáng lạn” (ví dụ 2) chính xác phải là từ xán lạn. Vì chỉ có từ xán lạn mới có nghĩa còn hai từ trên đều vô nghĩa, đều không tồn tại trong từ vựng tiếng Việt. Theo cuốn Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến Đức khởi thảo xuất bản năm 1954, ở trang 647, từ xán lạn được giải thích là sáng láng, rực rỡ; Cuốn từ điển Tiếng Việt do Trung tâm Từ điển học và Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản (Hoàng Phê chủ biên) cũng giải thích xán lạn là rực rỡ, chói lọi/tiền đồ xán lạn/tương lai xán lạn.(trang 1454).
Ngoài trường hợp dùng từ sai về âm như trên, còn có trường hợp dùng từ sai do trong tiếng Việt có một từ gần âm nhưng khác nghĩa. Vì không nắm chắc điều này mà có thể sẽ dẫn đến bị nhầm lẫn. Ví dụ: Trong bài Giữ được đạo đức, danh dự thì làm chủ được tiến độ, chất lượng trên http://giaothongvantai.com.vn , 23/03/2012 có đoạn:
(3) Mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt ra nhiều câu hỏi trực diện liên quan đến vấn đề tiến độ, chất lượng công trình giao thông với các cơ quan của Bộ GTVT, các chủ thể tham gia công tác XDCB như: Có chủ động quản lý được tiến độ, chất lượng công trình hay không? Có hay không có thái độ bàng quang, vô cảm đối với vấn đề chậm tiến độ, ai cũng cho đó là việc làm bình thường? Chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư kiểm điểm vấn đề này, còn cấp trên của chủ đầu tư thì sao?
Không biết người phát biểu nhầm hay anh nhà báo nhầm mà từ bàng quan (Có nghĩa là: tự coi mình là người ngoài cuộc, coi là không dính líu đến mình, Từ điển tiếng Việt, tr.45) đáng lẽ phải được dùng ở đây thì lại bị thay bằng từ bàng quang (Có nghĩa là: bọng đái, Từ điển tiếng Việt, tr. 45)
Tương tự như vậy, các từ (nghe) phong thanh và (nghe) phong phanh cũng rất hay bị dùng nhầm dẫn đến sai. Cần chú ý:
- Phong thanh: (tin tức) thoáng nghe được, chưa thật rõ ràng, chưa chắc chắn ;
- Phong phanh: (quần áo mặc) ít và mỏng, không đủ ấm;
Thêm một trường hợp mắc lỗi sai dùng từ không đúng âm thanh và hình thức cấu tạo nữa là các từ bị viết sai chính tả (trường hợp này khá phổ biến). Ví dụ:
(4) Cần cọ sát thực tiễn khi đào tạo nghề luật sư (Phải là cọ xát chứ không phải cọ sát)(http://www.phapluatvn.vn)
(5) Bảo hiểm và cuộc marathon dành giật thị phần (Phải là giành giật chứ không phải dành giật)(http://cafef.vn )
(6) Cú truyền bóng điệu nghệ của Torres (Phải là chuyền bóng chứ không phải truyền bóng)(http://video.zing.vn)
Việc viết sai chính tả còn dẫn đến việc trong câu xuất hiện các từ không có trong tiếng Việt. Ví dụ: chỉ có bất trắc (sự việc không hay, không liệu trước được)chứ không có bất chắc, chỉ có bạt mạng (liều lĩnh, bất chấp tất cả) chứ không có bạc mạng, chỉ có vô hình trung (tuy không chủ ý chủ tâm nhưng tự nhiên lại là như thế) chứ không có vô hình chung, ….
2. Dùng từ không đúng về ý nghĩa
Nghĩa từ vựng của từ thường được kể đến là nghĩa biểu vật (biểu thị sự vật, hiện tượng, đặc điểm… ngoài ngôn từ), nghĩa biểu niệm (là cấu trúc các nét nghĩa được bắt nguồn từ các thuộc tính của các sự vật trong thực tế...) và nghĩa biểu thái (biểu thị thái độ, cảm xúc và sự đánh giá các mức độ khác nhau của sự vật, hiện tượng, tính chất… ). Dùng từ mà không nắm được các thành phần nghĩa này của từ thì cũng dễ dẫn đến bị sai.
Ví dụ: (7) Người lùn nhất thế giới có nguy cơ bị tước danh hiệu (http://giadinh.vnexpress.net, )
(8) Kết quả là một chuyện, nhưng rõ ràng ĐT Việt Nam đang để lộ quá nhiều yếu điểm không dễ khắc phục trong thời gian ngắn (http://dantri.com.vn)
Gặp mặt 26 tri thức trẻ làm phó chủ tịch các xã nghèo biên giới (http://dantri.com.vn)
Ở ví dụ (7), từ bị dùng sai là tước. Theo từ điển tiếng Việt, tước có nghĩa là dùng sức mạnh hay quyền lực lấy đi, không cho sử dụng (tr. 1381). Như vậy, trong câu trên, dùng từ tước là sai vì chúng ta có thể hiểu anh này đã được công nhận là lùn nhất thế giới nhưng ở thời điểm của bài viết, người ta tìm ra có người còn lùn hơn và sự ghi nhận về kỉ lục người lùn nhất thế giới được nhắc đến theo tên của người mới. Chắc chắn không có chuyện dùng sức mạnh hay quyền lực để lấy đi, không cho sử dụng ở đây nên không thể dùng từ tước.
Ở ví dụ (8), từ yếu điểm đã bị dùng sai. Cần phải phân biệt rõ yếu điểm và điểm yếu:
- Yếu điểm: điểm quan trọng nhất, Từ điển Tiếng Việt, tr. 1490
- Điểm yếu: có mức độ, năng lực hoặc tác dụng ít, kém so với bình thường.
Như vậy, trong câu trên phải dùng là điểm yếu chứ không thể là yếu điểm.
Ở ví dụ (9), từ tri thức dùng ở trong câu là không đúng mà ở vào vị trí của từ tri thức phải là từ trí thức. Theo Từ điển tiếng Việt:
- Tri thức (danh từ): những điều hiểu biết có hệ thống về sự vật, hiện tượng tự nhiên hoặc xã hội/ tri thức khoa học, kinh tế tri thức (tr. 1325).
- Trí thức (danh từ): Người chuyên làm việc lao động trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình/ giới tri thức, một nhà trí thức yêu nước (tr. 1326).
3. Dùng từ không đúng về quan hệ kết hợp ngữ nghĩa và ngữ pháp của từ trong câu
Từ là đơn vị ngôn ngữ trực tiếp cấu tạo nên câu. Và khi thực hiện chức năng cấu tạo câu, các ý nghĩa từ vựng và ý nghĩa ngữ pháp của từ được hiện thực hóa trong những mối quan hệ ràng buộc với nhau. Mỗi loại từ lại có những khả năng kết hợp khác nhau, bị chi phối bởi chính đặc điểm ý nghĩa từ vựng và ý nghĩa ngữ pháp của từ đó. Khi dùng từ, chúng ta nhất thiết phải nắm chắc được đặc điểm ý nghĩa của từ để kết hợp tạo câu đúng, nếu không sẽ dễ mắc lỗi. Ví dụ:
(10) Trong ba ngày (từ 28-30/9), lượng mưa kéo dài đã gây ngập úng nhiều nơi thuộc thị xã Thuận An và TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương. (http://phunuonline.com.vn)
(11) Yêu trong niềm xót xa (Tên bài hát )
Ở ví dụ (10), sự kết hợp giữa lượng mưa với kéo dài là không phù hợp bởi khi đã tính đến lượng thì phải là nhiều/lớn hay ít chứ không thể kết hợp với kéo dài (biểu thị khoảng cách hoặc thời gian). Sự chênh nhau này dẫn đến sai logic trong việc kết hợp các từ/cụm từ trong câu.
Ở ví dụ (11), sự kết hợp giữa niềm với tính từ xót xa là không phù hợp. Tiếng Việt có một “cơ chế” tạo danh từ bằng cách sử dụng từ nỗi hoặc từ niềm kết hợp với một tính từ để tạo thành một danh từ. Nhưng nếu niềm thường được kết hợp với các tính từ có sắc thái tích cực (niềm + vui/ niềm + hạnh phúc …) thì nỗi có xu hướng kết hợp với các tính từ có sắc thái không tích cực (nỗi + buồn/ nỗi + bất hạnh/ nỗi + đau xót…). Từ đó, có thể khẳng định, việc kết hợp niềm + xót xa là một kết hợp không phù hợp.
Như trên, chúng tôi đã khảo sát và chỉ ra ba lỗi sai thường gặp khi dùng từ đặt câu. Nguyên nhân cơ bản nhất của việc sử dụng từ sai có lẽ xuất phát từ chính việc hiểu biết về tiếng Việt của người sử dụng từ còn hạn chế. Cộng với đó, thói quen sử dụng tiếng Việt một cách dễ dãi, thiếu cân nhắc có lẽ cũng là một nguyên nhân của vấn đề.
Chúng ta cũng có thể thấy trong bài viết này, hầu hết các ngữ liệu là trong các bài báo. Có nghĩa là hiện tượng mắc lỗi trong dùng từ trong các văn bản báo chí khá phổ biến. Điều này gợi trong chúng ta nhiều băn khoăn về ý thức giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt của nhiều người, đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng tiếng Việt như một phương tiện hành nghề thiết yếu (!).