Một số bệnh gây ho mùa lạnh

Mùa lạnh, nhất là những ngày thời tiết thay đổi, đêm lạnh giá, làm xuất hiện nhiều bệnh ở người cao tuổi (NCT), trong đó có những bệnh gây ho.

Một số bệnh gây ho mùa lạnh

Một số bệnh gây ho mùa lạnh

Ho là một phản ứng của cơ thể, nhằm tống các chất bài tiết, vi sinh vật hoặc dị vật ra ngoài. Độ tăng áp lực giữa khí phế quản, phế nang và không khí ngoài trời với việc đóng mở thanh môn, khiến tốc độ không khí được tống ra ngoài nhanh gần bằng tốc độ của âm thanh, đủ lực để đưa các dị vật ra ngoài. Khi ho, các cơ hô hấp được huy động tối đa, làm cho áp lực trong lồng ngực và đường hô hấp ở mức tăng cao nhất. Tuy vậy, khi ho nhiều, kéo dài thường khiến người bệnh lo lắng và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Những bệnh nào?

Mùa đông lạnh giá, các bệnh gây ho phát triển nhiều và ho là một triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau.

Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh gây ho nhưng với NCT khi thấy ho cần đặc biệt quan tâm hơn bởi vì ho ở họ có thể là trọng bệnh. Ho thường hay gặp nhất là bệnh thuộc đường hô hấp. Ở đường hô hấp, con người có thể mắc vô vàn các loại bệnh khác nhau, đặc biệt là người có tuổi cao, sức đề kháng giảm sút.

Khi viêm đường hô hấp thì có triệu chứng ho. Đường hô hấp bao gồm hô hấp trên và hô hấp dưới. Hô hấp trên có mũi, họng, hầu, thanh quản, xoang. Khi viêm đường hô hấp trên triệu chứng ho rất điển hình, trước tiên là ho khan (chưa có xuất tiết, chưa có đờm), sau một vài ngày triệu chứng ho tăng lên do niêm mạc hô hấp bị viêm và kích thích nên xuất tiết. Ho có khi chỉ thủng thẳng (viêm họng hạt, viêm họng mãn tính), nhưng có khi ho từng cơn, kéo dài và liên tục. Kèm theo ho thường có sốt (viêm cấp tính), chảy mũi nước, rát, ngứa họng. Bên cạnh đó còn có bệnh cúm là một loại bệnh thuộc đường hô hấp gây ho và có ảnh hưởng xấu khá lớn đến toàn thân và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho người bệnh, đặc biệt là NCT sức yếu. Bệnh cúm gây ho khá điển hình và có thể có những biến chứng nguy hiểm.

Với NCT thì khi viêm hô hấp dưới (khí quản, phế quản, tiểu phế quản, phế nang), bệnh cảnh lâm sàng diễn biến khác nhau tùy từng loại bệnh nhưng gần như đều có ho. Ho có thể từng cơn, đôi khi cơn ho kéo dài, hoặc ho liên tục. Bệnh ở đường hô hấp dưới gây ho ở NCT hay gặp nhất là viêm phế quản (cấp tính hoặc mãn tính); trong đó viêm phế quản mãn tính chiếm tỉ lệ cao hơn cả, đặc biệt là ở người nghiện thuốc (thuốc lá, thuốc lào).

Vào mùa lạnh, một số người bị hen suyễn bệnh cũng thường xuất hiện nhiều hơn mùa nắng nóng. Ho trong bệnh hen suyễn thường ho kéo dài, kèm theo có tiếng rít (do co thắt khí phế quản), đờm nhiều (lỏng hoặc đặc). Một số NCT mắc bệnh viêm khí phế thũng, giãn phế quản hoặc bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính gây ho nhiều vào mùa lạnh. Bệnh thường xuất hiện với tần suất dày hơn và ban đêm bệnh diễn biến phức tạp hơn. Đặc tính nổi bật của các bệnh này là gây ho khó thở, nhất là vào lúc nửa đêm về sáng. Một số bệnh khác về đường hô hấp mà NCT có thể gặp phải và cũng xuất hiện triệu chứng ho như: tràn dịch, tràn khí màng phổi hoặc nguy hiểm hơn là áp-xe phổi hoặc có khối u ở phổi, nhất là ung thư phổi (ung thư phế quản). Ung thư phế quản là bệnh hay gặp ở NCT đặc biệt ở người nghiện thuốc lá, thuốc lào. Ngoài ho, người bệnh gầy sút nhanh, ăn uống kém, đau ngực, ho ra máu. Vì có khối u chèn ép nhiều gây khó thở và có thể bị xẹp phổi.

NCT nếu bị lao phổi thì triệu chứng ho cũng có thể xuất hiện, kèm theo ho là sốt về chiều, sút cân nhanh chóng. Ngoài ra, hội chứng trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể xảy ra ở NCT, với chứng bệnh này cũng có tác động đến đường hô hấp trên và gây ho. Một số bệnh về tim mạch (hẹp van tim, tâm phế mãn tính, suy tim…) vào mùa lạnh, bệnh có thể tăng nặng thêm, trong đó có ho xuất hiện nhiều hơn do tăng áp lực động mạch phổi hoặc phổi bị ứ huyết. Một số trường hợp bị tăng huyết áp, sử dụng thuốc giảm huyết áp nhóm ức chế men chuyển (Coversyl, renitec, ednyt…) có thể gây ho khan rất dễ nhầm với các bệnh ho hấp khác.

LỜI KHUYÊN CỦA THẦY THUỐC

NCT khi thấy xuất hiện ho cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Với những người đã mắc bệnh mãn tính về đường hô hấp, tim mạch nên dùng thuốc một cách đều đặn theo đơn của bác sĩ khám bệnh cho mình, không nên tự động ngừng dùng thuốc, nhất là vào mùa lạnh. Nếu đang dùng thuốc làm giảm huyết áp mà xuất hiện ho khan, kéo dài thì cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết để có hướng khắc phục.

Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh

NCT khi thấy xuất hiện ho cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Với những người đã mắc bệnh mãn tính về đường hô hấp, tim mạch nên dùng thuốc một cách đều đặn theo đơn của bác sĩ khám bệnh cho mình, không nên tự động ngừng dùng thuốc, nhất là vào mùa lạnh. Nếu đang dùng thuốc làm giảm huyết áp mà xuất hiện ho khan, kéo dài thì cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết để có hướng khắc phục.

Để tránh mắc các bệnh về đường hô hấp, mùa lạnh NCT cần mặc đủ ấm, khi ra khỏi nhà nên có khăn quàng cổ, đeo khẩu trang, chân cần đi tất, tay nên có găng, và đầu đội mũ ấm. Tắm rửa hàng ngày nên có nước ấm và trong buồng kín gió. Cần tắm nhanh, tắm xong lau người thật khô và mặc quần áo ngay. Nếu NCT không có khả năng tự tắm, rửa thì người nhà cần hỗ trợ để tránh cảm lạnh đột ngột gây nhiều phiền toái. Cần vệ sinh họng, miệng, răng sạch sẽ hàng ngày (đánh răng sau khi ăn và trước khi ngủ dậy và có thể súc họng bằng nước muối loãng). Những người dùng hàm răng giả nên vệ sinh chúng hàng ngày. Không hút thuốc lá, thuốc lào.

PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

Theo Sức khỏe & Đời sống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ