Phường Phú Đô (Hà Nội) nâng cấp độ dịch, chuyển sang màu đỏ
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã báo cáo kết quả đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 (các tiêu chí 1 và 2, cập nhật đến sáng 12/11).
Hiện thành phố ở cấp độ 2 trong phòng, chống dịch. Có 30 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2; 293 xã, phường ở cấp độ 2 (tăng 29 xã, phường so với công bố 6 ngày trước đó); 281 xã, phường ở cấp độ 1 (giảm 40 xã, phường); 4 xã, phường ở cấp độ 3 - màu cam, nguy cơ cao (tăng 1 phường) và có duy nhất phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) ở cấp độ 4 - màu đỏ, nguy cơ rất cao.
Theo CDC Hà Nội, xuất hiện từ ngày 9/11, đến ngày 12/11, ổ dịch phường Phú Đô có 57 ca Covid-19 (trong đó quận Nam Từ Liêm có 53 ca, 4 ca còn lại rải rác ở 3 quận khác). Từ ngày 8/11, lực lượng chức năng đã phong tỏa 3 tổ dân phố của phường này (tổ 1, tổ 5 và tổ 6) với 6 ngõ, lập 7 chốt trực 24/24...
Trong 14 ngày gần đây, có 5 xã, phường ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng: Phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm; xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm; xã Yên Thường, huyện Gia Lâm; xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm; phường Cống Vị, quận Ba Đình.
Theo đánh giá cấp độ dịch của toàn bộ 579 xã, phường, thị trấn, có 4 xã, phường ở cấp độ 3 gồm: Phù Đổng, Yên Thường, Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm); Cống Vị (quận Ba Đình).
Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn thành phố là 98% (vượt tỷ lệ tối thiếu là 70%); tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin là 61% (chưa đạt tỷ lệ tối thiểu là 80%). Ngoài ra, trong 14 ngày gần đây, thành phố ghi nhận 580 ca mắc trong cộng đồng, tỷ lệ 3 ca cộng đồng/100.000 dân/tuần.
Bình Dương: Một thành phố chuyển màu từ cấp độ 2 lên cấp độ 3
UBND tỉnh Bình Dương thông tin vừa đánh giá lại cấp độ dịch Covid-19 của xã/phường. Kết quả, không có xã/phường cấp độ 4; có 24 xã/phường cấp độ 1; có 44 xã/phường cấp độ 2 và 23 xã/phường cấp độ 3. Đặc biệt, TP Thủ Dầu Một được đánh giá từ cấp độ 2 lên cấp độ 3 (vùng cam) tại hầu hết các phường.
Trước đó ngày 12/11, Sở Y tế Bình Dương đã có hướng dẫn tạm thời quy trình phát hiện và xử lý người mắc Covid-19 (F0) tại cộng đồng trong trạng thái "bình thường mới".
Theo đó, các trường hợp có kết quả dương tính khi xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên đều được xem là F0 và đưa vào diện cần chăm sóc, quản lý. Trường hợp người dân tự làm xét nghiệm, nếu không đủ chứng cứ để xác định F0 sẽ thực hiện lại xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Sở Y tế tỉnh Bình Dương có hướng dẫn tạm thời phương án xử lý khi có F0 trong trạng thái "bình thường mới" để đảm bảo hoạt động kinh doanh, sản xuất cho doanh nghiệp và khu, cụm công nghiệp không bị gián đoạn sản xuất.
Qua đó, điều kiện để doanh nghiệp có ca mắc, nghi mắc Covid-19 được tiếp tục hoạt động kinh doanh, sản xuất là có sự đồng thuận bằng văn bản giữa người lao động và doanh nghiệp có sự chứng kiến của Tổ Công đoàn tại doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp thiết lập Phòng Y tế, khu vực cách ly y tế tại nhà máy có ít nhất 1 bác sĩ, y sĩ đã được tập huấn điều trị bệnh nhân Covid-19, bình oxy, máy Spo2 và các cơ số thuốc để điều trị, sơ cấp cứu cho người mắc, nghi mắc Covid-19 theo quy định.
Theo đánh giá từ Sở Y tế Bình Dương, hiện tình hình dịch trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm, các ổ dịch xuất hiện trong cộng đồng đã được kiểm soát. Số ca mắc mới chủ yếu được phát hiện trong khu phong tỏa, khu cách ly và luôn chiếm tỷ lệ khoảng 90% tổng số ca mắc. Số lượng ca mắc đã điều trị khỏi bệnh, xuất viện nhiều hơn số ca mắc mới.