Một phụ nữ 30 tuổi người Madrid đã tử vong vì nhiễm độc sau khi lau chùi bếp suốt 2 tiếng đồng hồ bằng các sản phẩm có amoniac.
Theo dịch vụ Cấp cứu cung cấp, người phụ nữ này đã gọi cấp cứu vào lúc 15h ngày thứ 2 pm, mô tả tình trạng yếu ớt của bản thân.
Khi đến nơi, đội cứu hộ không thấy ai ra mở cửa nên họ đã phải xông vào và thấy người phụ nữ này nằm trên sàn bếp trong tình trạng ngưng tim.
Theo phát ngôn viên của Cơ quan An ninh và các trường hợp khẩn cấp của Madrid, người phụ nữ này tử vong là do hít phải khí độc amoniac.
Amoniac là thành phần chính trong các chất tẩy rửa kính, chất làm sạch lò nướng và chất tẩy rửa nhà vệ sinh.
Tiếp xúc nồng độ cao với chất này có thể gây bỏng mắt, mũi và họng. Nó cũng dẫn tới suy phổi, suy tim và thậm chí gây tổn thương não.
Tử vong do tiếp xúc với các sản phẩm làm sạch trong gia đình rất hiếm gặp vì các sản phẩm này đều có nồng độ amoniac thấp. Các sản phẩm công nghiệp mới có nồng độ cao chất này.
Tuy nhiên, TS. Kelly Johnson-Arbor, chuyên gia về độc chất, TT Kiểm soát chất độc quốc gia, cảnh báo rằng mọi sản phẩm tẩy rửa đều có thể gây kích ứng và có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng nếu người sử dụng không lập tức ngừng sử dụng các chất này.
“Vấn đề là các triệu chứng này không xấu đi ngay lập tức nhưng tiếp xúc kéo dài có thể gây kích thích phổi”, TS. Johnson-Arbor giải thích.
“Có thể giảm thiểu sự tiếp xúc này bằng cách mở cửa sổ nhưng thường thì không gian dọn dẹp thường nhỏ hẹp, không có quạt thông gió và điều này sẽ làm cho sự kích ứng với hóa chất trở nên phức tạp.
Tốt nhất là chỉ nên sử dụng 1 sản phẩm ở 1 thời điểm, có nghỉ giải lao ở nơi thông thoáng nhất”, TS Arbor khuyên.
Bà Arbor cũng khuyến cáo không nên trộn lẫn chất tẩy rửa có amoniac với thuốc tẩy vì sẽ kích hoạt giải phóng khí clo - 1 chất độc hại.
Và cần lưu ý là ngay cả các chất tẩy rửa không có amoniac không có nghĩa là chúng an toàn.