Một người Nhật làm quan cai trị Việt Nam thời Đường

GD&TĐ - Thời Bắc thuộc, các triều đại phong kiến Trung Quốc lần lượt cử quan sang cai trị nước ta. Tuy nhiên, ít người biết trong số các viên quan đô hộ thời Đường, có một viên quan cai trị là người gốc Nhật Bản.

Tranh vẽ Abe-no Nakamaro mặc quốc phục Nhật Bản trong loạt tranh khắc gỗ kiểu ukiyo-e của Hokusai. Nguồn: Scholten-Japanese-Art.
Tranh vẽ Abe-no Nakamaro mặc quốc phục Nhật Bản trong loạt tranh khắc gỗ kiểu ukiyo-e của Hokusai. Nguồn: Scholten-Japanese-Art.

Chi tiết này không được ghi trong chính sử nước ta. “Đại Việt sử ký toàn thư” trong giai đoạn này chỉ viết: “Năm Mậu Tuất (758), niên hiệu Chí Đức năm thứ 3 đời vua Đường Túc Tông, nhà Đường đổi tên An Nam Đô hộ phủ thành Trấn Nam đô hộ phủ”, và chức quan đô hộ gọi là Tiết độ sứ. Trước đó, viên quan đô hộ nước ta được gọi là Kinh lược sứ.

Viên quan đô hộ người Nhật này có tên tiếng Trung Quốc là Triều Hoành (tên ông cũng có thể đọc là Triều Hành), sang trấn nhậm nước ta năm 761.

Theo nghiên cứu của học giả người Mỹ Keith Keller Taylor, Giáo sư về nghiên cứu văn hóa Hán – Việt tại Đại học Cornell, Mỹ, viết trong cuốn “Việt Nam thời dựng nước”, đã được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt (NHX Dân Trí và Nhã Nam xuất bản, bản dịch của Thiếu Khanh) thì từ các sử liệu nhà Đường cho biết Triều Hoành có tên tiếng Nhật là Abe-no Nakamaro.

Ông sinh năm 698 (có sách nói sinh năm 701), tại Yamato (Đại Hòa quốc), trong một gia đình dòng dõi quý tộc. Năm 717, ông ta 19 tuổi và sang Trung Quốc du học, theo chính sách của nhà nước phong kiến Nhật trong thời kỳ Nara.

Tổng cộng đoàn quan chức và du học sinh Nhật Bản bao gồm 4 chiếc thuyền với 557 người. Tại Trung Quốc, ông theo học tứ thư, ngũ kinh rồi tham gia thi cử theo chế độ nhà Đường và đỗ Tiến sĩ. Cùng đoàn du học sinh với ông còn có một lưu học sinh nổi tiếng khác, sau này trở thành hữu đại thần của Nhật Bản là Kibi no Makibi.

Theo sử sách nhà Đường, ông lần lượt được bổ nhiệm các chức Tả xuân phường tư kinh cục giáo thư (phụ trách chỉnh lý điển tịch, hàm chánh cửu phẩm hạ) tại Lạc Dương, năm 728 đổi làm tả thập di, năm 731 nhậm chức tả bổ khuyết (hàm tòng thất phẩm thượng) tại môn hạ tỉnh.

Do là người có tài đức, văn thơ hay, được vua Đường Huyền Tông thưởng thức, nên sau đó ông được giao làm Bí thư giám, ban cho tên gọi là Triều Hoành (hoặc Tiều Hoành), hầu hạ hàng ngày bên cạnh vua. (Sách “Việt Nam thời dựng nước ghi tên ông ta là Triệu Hành, có chú thích chữ Hán họ Triệu chứ không phải Triều bên cạnh). Ông là bạn bè văn thơ với các nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc đời Đường như Lý Bạch, Vương Duy, Trữ Quang Hi, Bao Cát.

Năm 753, ông ta muốn trở về Nhật Bản, khi chia tay, nhà thơ Vương Duy có làm bài thơ “Tống bí thư Triều giám hoàn Nhật Bản quốc”. Tuy nhiên chiếc tàu chở ông ta gặp bão ở ngoài khơi phương Nam và phải ghé bến Hoan Châu, An Nam. Tại đây, phái đoàn bị đạo tặc tấn công, giết chết 177 người.

Phải rất vất vả, năm 755 khoảng hơn mười người sống sót mới trở về được Trường An, và do loạn An Lộc Sơn nên không thể trở về Nhật Bản được nữa. Đến năm 761, ông ta được phái đến An Nam làm quan đô hộ với chức Tiết độ sứ.

Trong thời kỳ Triều Hoành trấn nhậm ở Trấn Nam Đô hộ phủ chỉ có một vụ rắc rối duy nhất được ghi lại là với các bộ lạc dân tộc ở biên giới Vân Nam. Năm 766, ông ta đem quân đánh dẹp họ và được triều đình nhà Đường khen ngợi.

Chi tiết này được ghi trong “An Nam chí lược” của Lê Tắc. Về hành chính ở nước ta, thì thời kỳ ông ta làm Tiết độ sứ, Diễn Châu được tách ra khỏi Hoan Châu, có lẽ để dễ đối phó với các dân tộc miền núi thường xuyên nổi dậy.

Năm 767, Triều Hoành được thay thế bằng Trương Bá Nghi, con trai của cựu đô hộ sứ ở An Nam là Trương Thuận. Về Trung Quốc, Triều Hoành còn được bổ chức Tả tán kị thường thị (ngự tiền gián quan, hàm tòng tam phẩm), sau đó chức vụ cao nhất ông này giữ là Lộ Châu đại đô đốc (hàm tòng nhị phẩm).

Khác với thời Triều Hoành làm quan đô hộ, Trương Bá Nghi phải đối đầu với các mối đe dọa từ biển. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, thì năm đó, có nước Côn Lôn và nước Chà Và đến cướp phá, đánh lấy châu thành.

Côn Lôn ở đây là từ phiên âm theo tiếng Mã Lai gọi là Pou Lo, người Việt hay gọi là Cù Lao, tức các đảo ở phía Nam biển Đông. Chà Và hay Trảo Oa là phiên âm từ tên Java, tức các quần đảo ở Nam Dương ngày nay.

Khi đó, Trương Bá Nghi phải cầu cứu Đô úy châu Vũ Định là Cao Chính Bình. Quân cứu viện đến, đánh tan quân Côn Lôn và Chà Và ở Chu Diên (khu vực giáp ranh giữa Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên ngày nay). Sau trận này, Trương Bá Nghi phải cho xây dựng thủ phủ mới và đắp lại La Thành.

Theo sách “Nguyên Hòa quận huyện chí” thì Trương Bá Nghi đã bỏ thành cũ mà xây thành mới ở phía Bắc, cách sông Tô Lịch 200 thước. Như vậy, từ thời Triều Hoành làm quan đô hộ trở về trước, thành Đại La nằm ở vị trí khác, đến nay không còn để lại dấu vết.

Các câu chuyện về Triều Hoành, tức Nakamaro, đã được tác giả Pierre Daudin viết trong bài “Un Japonais a la cour de T’ang: Gouverneur du protectorat d’Annam Abe-no Nakamaro allias Tch’ao Heng” (Một người Nhật trong triều đình nhà Đường: Thống đốc bảo hộ An Nam Abe-no Nakamaro tức Triều Hoành).

Theo sách này thì Triều Hoành qua đời năm 770 tại Trường An và được Thiên hoàng Nhật Bản truy phong hàm quan chánh nhị phẩm của Nhật.

Năm Mậu Thìn (768), niên hiệu Đại Lịch năm thứ 3, đời vua Đường Đại Tông, nhà Đường lại đổi Trấn Nam Đô hộ phủ thành An Nam Đô hộ phủ như trước. Viên quan đô hộ cũng đồng thời giữ luôn chức Kinh lược sứ, thay vì Tiết độ sứ.

Đến năm 866, nhà Đường đổi Phủ Đô hộ An Nam thành Tĩnh Hải quân. Tên gọi này duy trì qua thời Tự chủ của Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ