Chuyện chưa biết về "Đường Tăng Việt Nam", nhà sư từng sang Tây Trúc thỉnh kinh

GD&TĐ - Tháng 9 âm lịch hàng năm, chùa Keo tỉnh Thái Bình và Nam Định lại tổ chức lễ hội long trọng mừng ngày sinh Thánh tổ thiền sư Không Lộ - một thiền sư kỳ diệu tỏa sáng non sông Đại Việt từ thời Lý tới tận ngày nay.

Chùa Keo - Hành Thiện vào hội.
Chùa Keo - Hành Thiện vào hội.

Kỳ 1: Vạn dặm Tây Trúc

Không Lộ thiền sư là một trong số ít tu sĩ Phật giáo từng băng cả vạn dặm từ nước mẹ Đại Việt sang Tây Trúc học đạo.

Xuất thân sông nước

Tượng thiền sư Không Lộ thờ tại chùa Keo.
Tượng thiền sư Không Lộ thờ tại chùa Keo.

Có thể nói cho đến nay, thân thế sự nghiệp của thiền sư Dương Không Lộ vẫn còn là một bí ẩn không thể giải mã. Các thư tịch cổ để lại khiến cho hậu thế không thể phân biệt thiền sư Không Lộ có phải là thiền sư Minh Không hay là một thiền sư khác.

Có nhiều điểm trùng hợp giữa hai nhân vật nổi tiếng là thiền sư Không Lộ và thiền sư Minh Không, sau nhiều cuộc hội thảo, bàn luận, đánh giá vẫn không đưa ra được kết luận chính thức. Cho nên đến nay, nhiều người vẫn cho rằng hai nhân vật thiền sư thực chất là một.

Trao đổi với chúng tôi, Đại đức Thích Tâm Hiệp cho biết: Thiền sư Dương Không Lộ huý Minh Nghiêm, hiệu Không Lộ, biệt hiệu Thông Huyền, quê làng Giao Thuỷ (sau đổi là làng Hộ Xá), phủ Hải Thanh (đời Trần đổi là Thiên Thanh, sau lại đổi là Thiên Trường), Nam Định. Ông sinh ngày 14/9 năm Bính Thìn niên hiệu Thuận Thiên thứ 7 (1016) đời Lý Thái Tổ, tại quê mẹ là làng Hán Lý, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Gia đình Dương Không Lộ sống ở làng Giao Thuỷ, chuyên nghề chài lưới ven sông. Khi lớn lên, ông lấy việc câu cá, quăng chài làm vui và thường du ngoạn nhiều  danh lam thắng cảnh, tuỳ hứng ngâm vịnh và sáng tác thơ ca.

Năm Giáp Thân (1044) triều Lý Thái Tông, ông 29 tuổi, bỏ nghề đánh cá để theo học đạo thiền. Ban đầu ông theo học Noãn cư sĩ làng Bảo Tài (chưa rõ nay ở đâu). Sau ông đắc đạo, trở thành Tổ thứ 10 của thiền phái Vô Ngôn Thông, một thiền phái được thành lập ở nước ta vào đầu thế kỷ thứ IX.

Chữa khỏi bệnh cho vua

Vào tháng 9 âm lịch, chùa Keo – Thái Bình và chùa Keo – Hành Thiện lại tổ chức lễ hội mừng ngày sinh thiền sư Không Lộ.
Vào tháng 9 âm lịch, chùa Keo – Thái Bình và chùa Keo – Hành Thiện lại tổ chức lễ hội mừng ngày sinh thiền sư Không Lộ.

Năm Đinh Dậu (1057), ông chuyển sang theo học thiền phái Thảo Đường. Thảo Đường thiền sư từng nhận xét về học trò Không Lộ của mình: “Chú này cốt cách phi phàm, sau này tất làm pháp tự”. Quả nhiên về sau, Không Lộ trở thành Tổ đời thứ 3 của thiền phái Thảo Đường.

Hai năm sau, Không Lộ tu tại chùa Hà Trạch, rồi chuyển về tu ở chùa Duyên Phúc (tức chùa làng Hộ Xá) sau đổi là chùa Viên Quang.

Năm 1060, ông cùng các sư Đạo Hạnh, Giác Hải đã sang Tây Trúc để tu luyện về đạo Phật, được Phật Tổ giác ngộ và truyền cho phép lạ.

Năm sau, thiền sư về nước dựng chùa Nghiêm Quang, tiền thân của chùa Thần Quang ngày nay. Sau do đất lở xuống sông Hồng, chùa được chuyển sang làng Dũng Nghĩa (Vũ Thư - Thái Bình). Từ đó ông đi chu du khắp vùng rộng lớn của châu thổ Bắc Bộ, dựng chùa, truyền bá đạo Phật và được suy tôn là vị tổ thứ 9 của phái thiền Việt Nam.

Năm Nhâm Tý (1072), Không Lộ cùng Giác Hải chữa khỏi bệnh sợ tắc kè kêu cho vua Lý Nhân Tông. Chuyện này được kể, vua Lý Nhân Tông thường ngự tại điện Liên Mộng. Một hôm chợt có hai con tắc kè kêu trên xà nhà làm vua sợ hãi thành bệnh, thuốc gì cũng không khỏi. Vua sai sứ và hơn 50 người đi đón Không Lộ và Giác Hải.

Không Lộ dùng ba thưng gạo nấu cơm cho quan quân ăn mà mãi không hết. Khi xuống thuyền đi Kinh Đô, trời đã tối, Thiền sư bảo hãy nghỉ, đến gà gáy lại đi. Đến lúc đi, Ngài gõ vào cột chèo ba tiếng. Một lát thuyền đã đến bến Kinh Đô Thăng Long. Ai ai cũng lấy làm kinh hãi.

Không Lộ và Giác Hải vào yết kiến vua. Không Lộ đọc 3 câu chú, tắc kè không kêu nữa. Rồi nhường cho Giác Hải. Giác Hải lấy tràng hạt ra và gõ vào cột điện. Cả hai con tắc kè liền rơi xuống đất, bệnh vua khỏi ngay. Vua phong cho Không Lộ làm Quốc sư, ban Quốc tính (họ vua) cho Giác Hải và ban khen bài thơ: “Giác Hải như tâm hải/Thông Huyền, đạo hựu huyền/Thần thông, năng biến hóa/Nhất Phật, nhất thần tiên”.

Ngày 3/6 năm Giáp Tuất (1094), Không Lộ thiền sư viên tịch, thọ 79 tuổi. Ngày 10/8 năm ất Hợi (1095) Giác Hải thu thập xá lị của Không Lộ, xây tháp để chôn cất, tạc tượng để thờ tại chùa Nghiêm Quang. Vua Lý Nhân Tông xuống chiếu tu sửa chùa, cắt 3 nghìn hộ hương khói phụng thờ ông.

Ngàn năm thân xác vẹn nguyên

Một số di vật, sắc phong liên quan đến thiền sư Không Lộ.
Một số di vật, sắc phong liên quan đến thiền sư Không Lộ.

Sử sách còn ghi lại, ngày 3/6 năm Hộ Trường Khánh thứ 10 đời Lý Nhân Tông, Thiền sư Không Lộ viên tịch. Theo các sư tăng thời nay, khi ấy môn đồ của Thiền sư đã làm lễ hoả táng, thu xá lợi Phật, xây tháp thờ ở trước chùa Nghiêm Quang là nơi sư trụ trì.

Tuy nhiên, cũng có một truyền thuyết dân gian còn được lưu lại nơi chùa Keo (Vũ Thư - Thái Bình) kể rằng, trước khi viên tịch, thiền sư Không Lộ hóa thành khúc gỗ trầm hương, lấy áo đắp lên và khúc gỗ biến thành tượng. Thánh tượng ngày nay còn lưu giữ trong hậu cung quanh năm khóa kín cửa.

Cứ 12 năm một lần, làng Keo lại cử ra một người hội chủ và bốn viên chấp sự để làm lễ trang hoàng tượng Thánh. Những người này phải ăn chay, mặc quần áo mới, họ rước thánh tượng từ cấm cung ra rồi dùng nước dừa pha tinh bưởi để tắm và tô son lại cho tượng Thánh.

Công việc này phải làm theo một nghi thức được quy định rất nghiêm ngặt, những người chấp sự phải tuyệt đối giữ kín những gì đã thấy trong khi trang hoàng tượng Thánh.

Chùa Keo là một ngôi cổ tự gần nghìn năm tuổi. Theo sách “Không Lộ thiền sư ký ngữ lục”, năm 1061, Không Lộ dựng chùa Nghiêm Quang tại làng Giao Thủy (tên nôm là làng Keo) bên hữu ngạn sông Hồng. Sau khi Thiền sư Không Lộ qua đời, chùa Nghiêm Quang được đổi tên là Thần Quang Tự.

Theo thời gian, nước sông Hồng xói mòn dần nền chùa và đến năm 1611, một trận lũ lớn đã cuốn trôi cả làng mạc lẫn ngôi chùa. Dân làng Keo phải bỏ quê cha đất tổ ra đi: Một nửa chuyển về Đông Nam hữu ngạn sông Hồng, về sau dựng nên chùa Keo - Hành Thiện (nay thuộc huyện Xuân Trường - Nam Định); một nửa vượt sông đến định cư ở phía Đông Bắc tả ngạn sông Hồng, về sau dựng nên chùa Keo - Thái Bình này.

Đó cũng là đáp án cho câu hỏi “vì sao chùa Keo – Hành Thiện không bao giờ có trụ trì”. Tuy nhiên, hiện nay cả hai chùa Keo đều lưu giữ nhiều di vật quý giá chứa đựng những điều huyền bí gắn liền với cuộc đời thiền sư Không Lộ.

“Nơi đây, vẫn còn những đồ thờ quý giá tương truyền là đồ dùng của Thiền sư như một bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc lóng lánh như dát vàng mà người ta kể lại rằng, chính do Không Lộ nhặt được thuở còn làm nghề đánh cá và giữ làm chén uống nước trong những năm tháng tu hành”, Đại đức Thích Tâm Hiệp cho hay.

Ngàn năm đã trôi qua, dấu tích của thiền sư Không Lộ vẫn còn lưu lại tại ngôi chùa khi xưa sư trụ trì. Nhiều vị cao tăng ngày nay khẳng định, thiền sư đã để lại cho hậu thế một tấm lòng bao dung vị tha, dùng ngôn ngữ của bậc giác ngộ để chuyển hoá tâm thức chúng sinh.

“Không Lộ không những là nhà tu hành được suy tôn là bậc thánh, ông còn được xem như một nhân vật siêu phàm nổi bật trong số những người có công đầu sáng tạo văn hóa của một vùng cư dân nông nghiệp rộng lớn ở hai bên hạ lưu sông Hồng. Suốt một vùng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam lên cả đến Bắc Ninh, Bắc Giang ngày nay, nhiều hòn đá giống hình chiếc dép để lại giữa đồng, được giải thích là dép Không Lộ” - Nhà nghiên cứu Phạm Đức Duật, Viện Văn học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ