Một nét tính cách Hà Nội

Một nét tính cách Hà Nội

(GD&TĐ) - Danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” mà UNESCO trao tặng Hà Nội năm 1999 không đơn thuần chỉ là một giải thưởng. Đó thực sự là khát vọng của một thành phố nghìn năm văn hiến, của một nền văn hóa, của một cộng đồng với những tính cách rất đặc trưng, trong đó sự hòa nhã, thân thiện là điều mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được khi đặt chân đến Thủ đô.
Hà Nội thanh bình
Hà Nội thanh bình
* Khát khao hòa bình – bản chất của người Hà Nội

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho rằng một nghìn năm kiến lập kinh đô cũng chính là một nghìn năm xây dựng hoà bình, bảo vệ hoà bình của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Văn hoá hoà bình từng tồn tại như một lẽ sống của dân ta. Chính vì vậy, người Việt Nam nói chung, người Thăng Long - Hà Nội nói riêng luôn mong muốn một cảnh thanh bình để sống yên vui, để phát huy tài năng và lao động sáng tạo, xây đắp cho quê hương. Theo ông Nguyễn Vinh Phúc, một biểu thị thú vị là khi đặt tên gọi cho các vùng đất ở kinh đô này thường nhân dân ta gửi gắm vào đó mong ước thanh bình, yên ổn, yên lành. Từ phía bắc xuống phía nam của Thủ đô ta thấy có các phường xóm Yên Hoa, Yên Ninh, Yên Định, Yên Tĩnh, Yên Thành, Yên Viên, Yên Quang, Châu Yên, Yên Thái (bao bọc Hồ Trúc, Hồ Tây); rồi Yên Trạch, Đại Yên, Yên Lãng (ở phía tây); Lãng Yên, Lương Yên, Yên Lạc, Yên Xá, Yên Hội, Yên Nhất, Thịnh Yên (ở phía nam), Yên Hoà, Yên Trung, Yên Tập, Yên Nội, Yên Phú (khu trung tâm); Trung Yên, Thanh Yên, Xuân Yên (ở phía đông)... Như vậy là người dân Việt, người dân Thăng Long luôn cầu chúc cho quê hương yên bình. Khát vọng hoà bình của thành phố và cũng là của toàn dân Việt thực sự đã trở thành bản chất, một nét tính cách của người Hà Nội.

*Người phương Tây giải mã nụ cười người Việt

Những ngày đầu mới đến Hà Nội, Alain – một chàng rể Pháp, lấy vợ là người làng Cót (Yên Hòa – Cầu Giấy – Hà Nội) cảm thấy lạ lẫm, ngại ngùng, thậm chí hơi khó chịu khi có nhiều người không quen biết đi trên đường nhìn anh và… mỉm cười. Nhưng rồi, sau 3 tháng ở Việt Nam, Alain đã dần quen, và hiểu được ý nghĩa của nụ cười đối với người Việt. Alain cho biết: Lúc còn ở Pháp, anh nghĩ rằng Hà Nội cũng giống như những thành phố lớn ở một số nước đang phát triển mà anh đã từng có dịp ghé thăm: ồn ào, chịu nhiều ảnh hưởng của lối sống phương Tây… Nhưng sau những ngày đầu bỡ ngỡ, Alain dần phát hiện ra những điều rất khác biệt ở thành phố này, ở những người dân nơi đây. Và điều mà anh ấn tượng nhất là dù thành phố đang phát triển rất mạnh mẽ, nhưng những mối quan hệ giữa mọi người trong gia đình, với hàng xóm, bạn bè… vẫn rất truyền thống, gắn bó chặt chẽ. Mọi người dễ dàng chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống và cũng sẵn sàng giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Đặc biệt, hình như càng những người ở phương xa đến, như trường hợp của Alain, càng được người dân ở đây dành cho những tình cảm nồng hậu và sự giúp đỡ nhiệt tình.

Julien – quản lý của nhà hàng Salsa ở phố Nhà Thờ (Hà Nội) quyết định đến Việt Nam làm việc cũng một phần vì yêu sự thanh bình của Hà Nội và nụ cười thân thiện của người Việt. Sau một thời gian sống tại Việt Nam, anh học được nguyên tắc ứng xử: đừng bao giờ nổi nóng và hãy luôn mỉm cười. Anh nhận thấy rằng điều này đã giúp cho công việc của anh rất nhiều và cuộc sống của anh cũng ít rắc rối hơn. “Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao người Việt lại hay cười đến vậy” – Julien nói.

* Thanh lịch như người Tràng An

Thanh lịch được coi là một đặc trưng nổi bật của người Kẻ Chợ. Thanh lịch có rất nhiều biểu hiện, nhưng tôi ấn tượng nhất với sự ôn hòa, nhẹ nhàng của những người Hà Nội gốc. Một lần, tôi chứng kiến cảnh chị hàng thịt trong chợ Mơ mắng xối xả một bà cụ trông giản dị nhưng thanh nhã, chỉ vì bánh xe đạp của bà vô ý quệt vào ống quần chị ta, và dù bà cụ đã xin lỗi chị thật nhã nhặn. Mọi người tưởng bà cụ sẽ lẳng lặng bỏ đi (vì mấy ai dám dây vào mấy chị hàng thịt!) nhưng không ngờ bà cụ nhẹ nhàng lên tiếng: Em ơi, người ta nói “người thanh tiếng nói cũng thanh”, còn em thì người thanh rồi nhưng nói năng chưa thanh chút nào. Chỉ mấy lời như vậy thôi mà chị hàng thịt đang băm bổ bỗng lúng túng, rồi đỏ bừng mặt. Thấy có khách đến, chị vội vồn vã mời chào như để đánh trống lảng chuyện vừa rồi.

Vậy đó, hào hoa, thanh lịch đâu phải là cái gì đó cao sang, màu mè như nhiều người vẫn nghĩ. Nhiều khi, nó giản dị, tự nhiên như giai điệu, ca từ trong bài hát “Hà Nội và tôi” của nhạc sĩ Lê Vinh: “Những ngày tôi lang thang, tôi mới hiểu tâm hồn người Hà Nội, mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi, mộc mạc thôi mà sao tôi nhớ mãi...”

Hội An

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ