Một môi trường văn hóa chất lượng

Một môi trường văn hóa chất lượng

(GD&TĐ) - Cách đây gần 3 năm, khi phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực (THTT, HSTC)” mới bắt đầu được phát động ở các trường học, không ít giáo viên và cả cán bộ quản lý đã vội cho rằng, phong trào không có gì mới mẻ, vì đã gọi là trường học thì phải thân thiện và đã là HS thì không thể không tích cực.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian thực hiện “Xây dựng THTT, HSTC” theo hệ thống tiêu chí và phương pháp đánh giá cụ thể cho từng cơ sở GD mầm non, tiểu học, THCS, THPT, mới thấy rằng, trong thực tế, việc thực hiện phong trào này không đơn giản, rất cần năng lực của đội ngũ để thúc đẩy và nuôi dưỡng phong trào một cách hiệu quả. 

Thế hệ tương lai
Thế hệ tương lai

Về mặt khái niệm, thân thiện bao hàm cả sự hấp dẫn của yếu tố môi trường, cảnh quan và sức thu hút trong phong cách giao tiếp giữa người và người; với trường học, đó là giao tiếp giữa người hiệu trưởng và GV, giữa GV với GV, giữa GV và HS, giữa các em HS với nhau… Còn “tích cực” ở phương diện người học, đó là sự tham gia có hiệu quả vào mọi hoạt động trong nhà trường, nhất là hướng đến 4 trụ cột: “Học để biết, học để làm, học để làm người, học để chung sống”. Như vậy, khái niệm “THTT, HSTC” rất rộng và nếu thực hiện theo đúng các tiêu chí mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra sẽ tạo một lực bẩy mạnh trong “Đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. 

Mục đích đầu tiên rất đáng chú ý trong Hướng dẫn đánh giá kết quả phong trào thi đua “Xây dựng THTT, HSTC” là: xác định mức độ đạt được, tính sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện, sự tiến bộ của các trường trong việc thực hiện phong trào thi đua. Những nội dung này cho thấy việc tổ chức phong trào đòi hỏi cao ở năng lực người CBQL ngành GD. Về xác định mức độ đạt được thì đã có phương pháp đánh giá cụ thể. Nhưng làm thế nào để xác định được tính sáng tạo của từng đơn vị mới là việc rất khó. Và tính sáng tạo này quyết định lực hút, sức sống lâu bền của phong trào thi đua lẫn tác động mạnh của nó đến yếu tố chất lượng. 

Học sinh trường DTNT Mường Khương trong giờ thể dục
Học sinh trường DTNT Mường Khương trong giờ thể dục

Xin được đi từ thực tế để nhìn nhận sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, của HS cũng như  phụ huynh trong 3 năm qua. Quan sát khuôn viên ở bất cứ trường học nào đó cũng có thể cho nhận xét ban đầu về trường lớp “xanh, sạch, đẹp”, nhưng có “an toàn” hay không lại là chuyện khác. Chắc chắn khi đưa ra tiêu chuẩn “an toàn”, hay “thoáng mát về mùa nóng và ấm áp về mùa đông”, người soạn thảo nội dung của phong trào thi đua đã phải nắm bắt rất kỹ thực tế và có một tầm nhìn vừa khoa học, vừa nhân bản mới có thể đề ra như vậy. Cách đây chỉ chừng 5, 7 năm, không ít lần chúng tôi bắt gặp có những ngôi trường cao tầng đồ sộ mà không có lấy một bóng râm để HS trú trong giờ ra chơi; lại có những ngôi trường ở giữa làng mạc, thôn xóm mà vẫn thấy xác xơ, trống vắng; hay có những trường ở thành phố tuy không thiếu diện tích mà vẫn cho người ta cảm giác bề bộn, chật chội. Bây giờ thật hiếm trường nào không có cây xanh, bồn cỏ và hoa. Điều đáng nói là các trường không chỉ thi đua nhau ở độ che phủ của cây xanh, mà còn cố gắng tìm sáng kiến để bài trí cảnh quan, cho trường ra trường, lớp ra lớp mà trường lớp phải gần với “nhà”. Về những ngôi trường vùng cát miền Trung, không còn cảm giác “chờn chợn” bàn chân khi phải lội trong cát lún như ngày trước. Mức sống bây giờ đã khác xưa thì việc có đường đi, lối lại đổ bê tông là điều dễ hiểu. Nhưng khi nhớ lại cảm giác sợ hãi trước đây ở trường học mỗi khi chuẩn bị bước vào khu vệ sinh thì mới hay ý nghĩa sâu sắc của “trường học thân thiện”; việc quan tâm đến xây dựng các công trình nhà vệ sinh từ ở hàng thứ yếu nay đã được đặt lên hàng đầu. Các bậc phụ huynh đưa con đến trường không chỉ yên tâm vì trường đẹp mà còn vì một môi trường thật sự an toàn ở nhiều phương diện. Không phải ngẫu nhiên mà “thân thiện” lại gắn với “tích cực”. Trong một cộng đồng, chỉ khi mọi người ý thức được môi trường sống và sinh hoạt của mình ấm cúng thân thiện như trong một gia đình, thì mới có sự nỗ lực chung tay, góp sức gìn giữ, xây dựng môi trường đó. Một HS ý thức được sự cần thiết của tập thể lớp, các em sẽ gắn bó hơn, sẽ chăm học và hoạt động hơn. Ngược lại, chính từ những hoạt động tập thể hữu ích như vậy, các em nhận thức được mình sẽ không thể tách rời tập thể, để tác động xấu ở bên ngoài không có chỗ xâm nhập. Việc giảm dần tỷ lệ bỏ học ở các địa phương trong năm học qua là bằng chứng rõ nét nhất của kết quả sau gần 3 năm thực hiện “Xây dựng THTT, HSTC”. Phong trào còn là thước đo hiệu quả quản lý, năng lực thẩm thấu văn hóa của người lãnh đạo, CBQL và GV. Xin đơn cử: Năm 2007, khi Bộ mới có chủ trương đưa phong trào vào các nhà trường, tại huyện Đại Lộc - đơn vị dẫn đầu về phong trào thi đua xây dựng THTT, HSTC ở Quảng Nam, ông Trần Kim Tám, Trưởng phòng Giáo dục Đại Lộc đã phát biểu: “Tôi cảm thấy thật thú vị với phong trào này, bởi nó đích thực là của nhà trường, nó sẽ tạo nên một môi trường văn hóa chất lượng mà ở đó cả thầy và trò đều được sáng tạo”. Từ sự nhận thức như vậy, ở các trường học của huyện Đại Lộc, việc tạo dựng môi trường GD thân thiện và an toàn cho đến nay đã trở thành nhuần nhụy và đi vào chiều sâu. Điển hình như Trường Tiểu học Nguyễn Công Sáu, ngôi trường từng dẫn đầu trong mọi phong trào của huyện Đại Lộc, cũng là một trong những ngôi trường đầu tiên của cả nước mạnh dạn thử nghiệm dạy học phân môn, đã triển khai thực hiện “Xây dựng THTT, HSTC” một cách hiệu quả. Ngôi trường có một khuôn viên rộng lý tưởng, vừa hài hòa, đẹp mắt, vừa thoáng mát, tự nhiên. Khu giáo dục thể chất rộng hàng hec ta đất rợp một màu xanh cây cỏ có nơi để tổ chức cho HS học an toàn giao thông một cách bài bản và cả nơi để học vẽ , tập văn nghệ, thể dục... Đặc biệt, để tác động đến mọi người ý thức tham gia bảo vệ môi trường, nhà trường đã có sáng kiến phát động cả GV, phụ huynh và HS tận dụng những phế liệu được thải ra hàng ngày để làm đồ chơi tự tạo. Và hàng trăm đồ chơi sinh động đã được đưa vào sách với chủ đề “giữ hồn Việt cho tuổi thơ”. Thầy giáo Huỳnh Văn Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Sáu cho biết: “Chính từ việc làm cho HS cảm nhận được mỗi ngày đến trường là một ngày vui mà nhà trường đã tạo được sức thu hút thật sự. Nhiều gia đình ở tận ngoài thị trấn hay xã thuộc địa bàn xa trường vẫn muốn đưa con em về học”… 

Chắc chắn không chỉ có một ngôi trường như thế mà có hàng trăm, hàng ngàn ngôi trường như thế trong cả nước được tạo nên từ phong trào thi đua “Xây dựng THTT, HSTC”…   

                                                          Uyên Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.