Một kỳ thi hướng đến nhiều mục đích lớn

GD&TĐ - Tiếp tục những ý kiến từ cơ sở, thầy giáo Nguyễn Đức Tuận từ huyện miền núi Hướng Hóa không chỉ ghi nhận Dự thảo kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo tốt các yếu tốt kỹ thuận đem đến thành công mà  còn nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của kỳ thi.

Một kỳ thi hướng đến nhiều mục đích lớn

Tương tự như vậy, thầy giáo Lê Anh Cường – Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định ý nghĩa xã hội to lớn của kỳ thi. Cô giáo Trần Thị Tân – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Viết Xuân – Vĩnh Phúc thì tâm đắc với cách thức ra đề theo hướng mở chắc chắn sẽ tác động thay đổi cách dạy trong nhà trường hiện nay.

Thầy Lê Anh Cường (Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Vĩnh Phúc): Ý nghĩa xã hội của kỳ thi là rất lớn

Mọi kỳ thi đều có ý nghĩa xã hội của nó, song ý nghĩa xã hội của Kỳ thi THPT quốc gia 2015 là rất lớn. Những nội dung ban hành trong Dự thảo quy chế thi THPT quốc gia và Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 chắc chắn sẽ tạo sự chuyển biến trong toàn hệ thống giáo dục.

Nếu không có những thay đổi này thì khó có thể đổi thay thói quen đã đi vào nếp nghĩ của không ít giáo viên và các nhà trường trong hệ thống các trường phổ thông.

Kỳ thi THPT quốc gia với mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ chắc chắn sẽ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí trong xã hội, điều này đặc biệt ý nghĩa đối với gia đình nghèo.

Cần phải thấy rằng, nếu những năm trước đây, vừa thi tốt nghiệp THPT xong được một tháng, các em lại khăn gói lên các đô thị để dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

Với những gia đình có điều kiện kinh tế thì những chi phí trên không vấn đề gì, còn những gia đình ở nông thôn, cuộc sống chỉ dựa vào đàn gà, con lợn hay sào ruộng thì những chi phí này là đáng kể.

Thế nên tôi cho rằng, ý nghĩa “2 trong 1” của kỳ thi là rất lớn. Nó không chỉ tiết kiệm được một khoản kinh phí đáng kể cho ngân sách Nhà nước mà còn tiết kiệm được biết bao công sức và thời gian của học sinh và phụ huynh.

Sau khi quy chế kỳ thi được trao đổi rộng rãi thì đã có ý kiến còn lo lắng về độ tin cậy của kỳ thi khi dùng để đánh giá thí sinh vào học các trường ĐH, CĐ.

Nghiên cứu quy chế của kỳ thi, nghe giải thích của các đồng chí lãnh đạo Bộ, đề thi sẽ đảm bảo yêu cầu phân hóa cao, để các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng kết quả thi của thí sinh để xét tuyển, các trường ĐH sẽ là đầu mối chính cho việc tổ chức các cụm thi… tôi thấy hoàn toàn có thể tin tưởng được.

Hiện tại, có hai đối tượng chính của kỳ thi: Học sinh hệ THPT và học viên Bổ túc THPT. Trong hệ Bổ túc THPT lại có nhiều loại hình: Bổ túc văn hóa, Bổ túc văn hóa – nghề, tự học có hướng dẫn, năng lực có sự khác nhau.

Trước kỳ thi lần này GV và học viên ở các cơ sở có loại hình Bổ túc văn hóa có nhiều băn khoăn lo ngại cho kết quả tốt nghiệp. Song cũng không thể khác được, mỗi GV và nhà trường cùng phải ý thức vì trách nhiệm chung, chúng ta phải tích cực hơn nữa trong việc chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới gần, bởi tấm bằng tốt nghiệp THPT quốc gia là chung cho mọi đối tượng dự thi.

Cuối cùng, vấn đề đặt ra lúc này là để tổ chức thành công kỳ thi này không chỉ phụ thuộc vào các nhà trường, GV và HS mà cần sự vào cuộc của cả các cấp quản lý. Cho dù các phương án của kỳ thi đều được tính toán dựa trên những nghiên cứu kỹ và sự thành công của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ “3 chung” đã được xã hội ghi nhận, có sự đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia tuyển sinh, các nhà quản lý GD.

Nhưng nếu một cá nhân hay một tập thể nào đó chỉ cần lơ là, thiếu trách nhiệm chung thì việc ảnh hưởng đến độ chính xác trong đánh giá là hoàn toàn có thể xảy đến. Chính vì vậy, để đảm bảo Kỳ thi THPT quốc gia thành công mà ý nghĩa xã hội đem lại lớn thì rất cần mỗi cá nhân tự nhận thấy trách nhiệm của mình với xã hội và với tương lai của thế hệ trẻ.

Sự vào cuộc, chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia đã sẵn sàng, thông qua việc tổ chức ôn tập, khảo sát chất lượng, cho học sinh, đội ngũ GV. Cán bộ quản lý các đơn vị giáo dục được tham gia tập huấn thực hiện kỳ thi theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là chuẩn bị về tâm lý xã hội. Với trách nhiệm, sự quyết tâm của toàn ngành GD,  đặc biệt là sự đồng thuận của xã hội, chúng tôi tin tưởng vào sự thành công của Kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên năm 2015, tạo bước ngoặt chuyển biến tích cực trong GD-ĐT nước nhà.

Cô Trần Thị Tân (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Viết Xuân – Vĩnh Phúc): Các nội dung đều đảm bảo đủ các yếu tố để kỳ thi thành công

Sau khi Dự thảo quy chế Kỳ thi THPT quốc gia và Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ được đưa ra, chúng tôi đã phổ biến tới toàn thể CB-GV-NV trong trường và cùng nhau xem xét, thảo luận kỹ các nội dung liên quan và nhận thấy hầu hết các nội dung đều đảm bảo đầy đủ các yếu tố để kỳ thi thành công.

Về đề thi, theo như Dự thảo sẽ đảm bảo phân hoá trình độ thí sinh tốt, vừa có thể dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cũng dùng làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ.

Việc mở rộng thang điểm từ 10 sang 20 theo tôi là hợp lý vì thang điểm rộng sẽ giúp đánh giá sát hơn năng lực của người học. Hơn nữa thang điểm này chắc chắn sẽ giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh đúng ngành đào tạo hơn.

Đến thời điểm này, 100% các thành viên trong Hội đồng sư phạm nhà trường đã được quán triệt và chuẩn bị tốt về mặt tinh thần cũng như sẵn sàng trau dồi, bồi dưỡng nghiệp vụ trong việc giảng dạy, tư vấn và giải thích cho học sinh hiểu về ý nghĩa của kỳ thi, giúp các em làm quen với các nội dung thi, chuẩn bị tâm lý cũng như trang bị những kĩ năng, kỹ thuật làm bài thi tốt nhất để bước vào Kỳ thi THPT quốc gia 2015.

Vấn đề chúng tôi còn băn khoăn khi mới tiếp cận các thông tin là nội dung đề thi, tính tích hợp 2 trong 1 của kỳ thi.

Nhưng với các giải thích của lãnh đạo Bộ GD&ĐT là các nội dung đề thi sẽ chỉ nằm trong chương trình SGK phổ thông, đề sẽ trải đều từ dễ đến khó với các câu hỏi nhằm đánh giá khả năng nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp, trả lời các câu hỏi mở… nhằm đánh giá chính xác năng lực thí sinh thì với một trường có bề dày về chất lượng dạy và học như THPT Nguyễn Viết Xuân, chúng tôi hoàn toàn có thể yên tâm.

Vấn đề thứ hai mà chúng tôi thấy băn khoăn là việc bố trí nơi ăn, ở và đi lại của phụ huynh và học sinh trong thời gian kỳ thi diễn ra là rất khó khăn bởi lẽ số lượng người sẽ tập trung rất đông về các địa điểm tổ chức thi.

Tuy nhiên chúng tôi cũng hy vọng các cơ quan chức năng sẽ có những giải pháp phù hợp để kỳ thi diễn ra an toàn. Vấn đề thứ ba là mức độ khách quan trong công tác coi, chấm thi giữa các cụm thi, các khu vực thi hay không?

Điều tôi tâm đắc nhất của quy chế là về nội dung ra đề mở, khuyến khích thí sinh tư duy nhiều hơn là việc ghi nhớ máy móc số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.

Không chỉ cá nhân tôi mà nhiều giáo viên đều cho rằng, việc đổi mới từ cách thức thi, nội dung thi không chỉ đơn thuần là nhằm đánh giá năng lực học tập của các em. Tôi cho rằng, tác động lớn hơn cả là thay đổi cách dạy và học hiện nay. Đổi mới này là tích cực và cũng theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.

Thầy Nguyễn Đức Tuận (Trưởng phòng Giáo dục Hướng Hóa – Quảng Trị):  Những cân nhắc hết sức nhân văn

Ở một huyện miền núi biên giới như Hướng Hóa – Quảng Trị có đông người dân tộc thiểu số sinh sống nên khi Bộ GD&ĐT chính thức công bố Dự thảo Quy chế thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy và Kỳ thi THPT quốc gia, các điểm mới trong mùa thi 2015 đều nằm trong 2 Quy chế thi này.

Sau khi đọc và nghiên cứu kỹ, chúng tôi đã rất mừng vì quy chế được làm rất chi tiết, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật để kỳ thi thành công. Nhưng tôi cho rằng ý nghĩa hơn là việc sát nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vào trong Kỳ thi THPT quốc gia này sẽ giảm thiểu những tốn kém cho gia đình và xã hội.

Một điều đáng ghi nhận nữa là quy định cụm thi cấp tỉnh có nhiệm vụ tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh (cụm thi liên tỉnh) và giao cho các trường ĐH chủ trì. Tham gia coi thi, chấm thi là cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ và giáo viên THPT.

Nếu nói về yếu tố kỹ thuật để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, đánh giá chính xác năng lực thí sinh thì tôi cho rằng như vậy là đủ. Nội dung dự thảo quy chế là rất chi tiết và rõ ràng, việc tổ chức thi ở cụm thi liên tỉnh hoặc cụm thi tỉnh là giống nhau, theo đúng quy định của quy chế thi, cùng một quy trình và đều do trường ĐH chủ trì nhằm đảm bảo sự công bằng, độ tin cậy của kết quả thi ở tất cả các cụm thi trên cả nước.

Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là ý nghĩa xã hội to lớn của việc tổ chức cụm thi liên tỉnh này chính là giảm chi phí cho gia đình và thí sinh đi thi.

Dự thảo đưa ra quy định đối với những tỉnh có khó khăn, nếu Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đây là chia sẻ với những khó khăn với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Không phải học sinh nào tốt nghiệp THPT cũng muốn học lên ĐH, CĐ và cũng không có nhiều học sinh miền núi mong muốn vào những ĐH lớn. Do vậy, dự thảo quy chế với những nội dung quy định như vậy là phù hợp với điều kiện kinh tế, hoàn cảnh người dân và thực sự là nó hợp lòng người.

Đơn cử như học sinh Hướng Hóa chúng tôi, nếu như trước đây các em dự thi tốt nghiệp THPT xong rồi lại chân ướt, chân ráo xuống Quảng Bình, ra Vinh hay vào Đà Nẵng dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Thí sinh đi thi, gia đình đi theo, tàu xe, ăn uống, chỗ nghỉ… vô cùng tốn kém.

Nhưng nay các em chỉ phải tham dự kỳ thi trong tỉnh hoặc cùng lắm là sang tỉnh lân cận rồi dùng kết quả đó để đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ trên cả nước, như vậy sẽ giảm rất nhiều chi phí cho gia đình thí sinh đó.

Đặc biệt ủy ban tỉnh có thể căn cứ vào nhu cầu có muốn học lên thêm hay không với học sinh dân tộc ít người để mà đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét thành lập cụm thi tỉnh, tôi cho rằng đây là những tính toán hết sức nhân văn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ