Một góc nhìn khác về Donald Trump

Điều gì đã làm nên một tên tuổi Donald Trump mà trước đây chỉ nổi tiếng trong giới kinh doanh bất động sản toàn cầu qua hình ảnh của đế chế Trump.

Một góc nhìn khác về Donald Trump

Trong dòng chảy sự kiện nổi bật của năm 2016 có lẽ cái tên Donald Trump bất ngờ nổi lên và gây không chỉ lan tỏa ở "Xứ sở cờ hoa" mà còn khắp thế giới.

Ban đầu là ghi dấu ấn lần đầu tiên nước Mỹ có một vị tổng thống xuất thân từ giới doanh nhân, rồi vươn lên đứng đầu danh sách nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm, theo bình chọn của hãng tin Pháp AFP.

Không những thế trong danh sách những người quyền lực nhất thế giới 2016 của tạp chí Forbes, ông Trump còn chiếm vị trí thứ hai - ghi nhận sự thăng tiến đáng nể từ hạng 72 của năm 2015.

Vậy điều gì đã làm nên một tên tuổi Donald Trump mà trước đây chỉ nổi tiếng trong giới kinh doanh bất động sản toàn cầu qua hình ảnh của đế chế Trump.

Xung đột lợi ích

Có lẽ bất ngờ nhất là ông Trump đã vượt qua cuộc bầu cử tổng thống kịch tính nhất trong lịch sử nước Mỹ dù chưa có kinh nghiệm trên chính trường để bước chân vào Nhà Trắng.

Nhưng chính những đường hướng chiến lược của ông Trump gây nhiều tranh cãi và khó đoán định về chính sách của chính quyền mới tại Mỹ.

Bởi vậy khi mối quan ngại về xung đột lợi ích giữa vai trò doanh nhân và tổng thống bùng lên "ông trùm" bất động sản Trump đã phải chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội Twitter rằng ông sẽ tạm rút lui khỏi công việc kinh doanh sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2017 tới để chuyên tâm vào công việc điều hành đất nước.

Thay vào đó hai người con là Donald Trump Junior và Eric Trump, cùng với các thành viên Ban quản trị, sẽ điều hành công việc kinh doanh.

Tiếp đó ông Trump thông báo giải thể Trump Foundation - một quỹ từ thiện mang tên ông - như một nỗ lực trước khi tuyên thệ nhậm chức nhằm tránh rơi vào xung đột lợi ích giữa việc làm Tổng thống với công việc kinh doanh.

Trong một tuyên bố, ông Trump nêu rõ: "Quỹ từ thiện đã làm rất nhiều việc hữu ích trong những năm qua khi đóng góp hàng triệu USD cho rất nhiều tổ chức xứng đáng, bao gồm việc hỗ trợ các cựu chiến binh, các nhân viên bảo vệ pháp luật và trẻ em.

Tuy nhiên, để tránh bất kỳ biểu hiện xung đột nào với vai trò của tôi trong tư cách Tổng thống, tôi đã quyết định tiếp tục theo đuổi mối quan tâm mạnh mẽ của mình đối với công việc từ thiện theo cách khác".

Trước đó, Trump Foundation đã hứng chịu làn sóng chỉ trích, trong đó có nhiều cáo buộc rằng ông Trump sử dụng tiền từ quỹ từ thiện này để giải quyết một số tranh chấp pháp lý.

Hiện quỹ này đang là mục tiêu điều tra của Văn phòng Tổng chưởng lý bang New York. Theo báo cáo hoàn thuế năm 2015, quỹ này có tài sản trị giá khoảng 1,15 tỷ USD.

Gương mặt tỷ phú trong nội các

Việc một người theo chủ nghĩa dân túy như ông Trump ra ứng cử rồi trở thành Tổng thống Mỹ đã phá vỡ lề thói cố hữu bao lâu nay và Nội các sắp tới của ông là hiện thân cho một bước ngoặt lớn so với Chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama.

Sự thay đổi của các đảng phái chính trị trong Nhà Trắng hầu như luôn đem tới những sự điều chỉnh về chính sách. Là người thuộc đảng Cộng hòa, với cam kết sẽ thực hiện những thay đổi mạnh mẽ sau 8 năm cầm quyền của đảng Dân chủ, ông Trump đã đưa ra một danh sách nội các trong đó bao gồm nhiều các gương mặt mới là các nhà điều hành kinh doanh chưa bao giờ tham gia chính phủ.

Nội các của ông hy vọng sẽ mang tới sự tinh nhạy của người ngoại đạo, một sự đổi vai nếu so sánh với những nội các có tính truyền thống hơn của cựu Tổng thống George W. Bush hay Tổng thống Barack Obama gồm đa phần là các nhà lập pháp, thống đốc hay các chính trị gia kỳ cựu khác của chính quyền trước.

Mot goc nhin khac ve Donald Trump - Anh 2

Rex Tillerson - Giám đốc điều hành Tập đoàn Exxon Mobil. Ảnh: inhabitat.com

Trước hết là chiếc ghế Ngoại trưởng. Quyết định của ông Trump bổ nhiệm Rex Tillerson, Giám đốc điều hành Tập đoàn Exxon Mobil, là Ngoại trưởng đồng nghĩa với việc Bộ Ngoại giao sẽ thuộc quyền lãnh đạo của một nhà kinh doanh dầu mỏ lâu năm có quan hệ sâu sắc với Nga và không có chút kinh nghiệm gì về điều hành chính phủ.

Rex Tillerson, 64 tuổi, được biết tới là một người có mối quan hệ mật thiết với Nga ( nhất là các dự án khai thác ở Bắc Cực, Biển Đen và vùng Siberia).

Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm John Kery, cựu Thượng nghị sĩ từng là Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện, đã giành phần lớn thời gian khi đương nhiệm để tìm kiếm các thỏa thuận chống biến đổi khí hậu, hạn chế chương trình hạt nhân của Iran và gây sức ép với các đối thủ nước ngoài bằng các lệnh trừng phạt về tài chính.

Song nếu ông Tillerson được Thượng viện chấp thuận, ông sẽ có tiếng nói quyết định về việc liệu Mỹ có rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hay thỏa thuận hạt nhân Iran hay không, đồng thời quyết định cả tương lai quan hệ của Mỹ với Nga.

Bộ Tài chính dưới thời ông Obama đang gặp khủng hoảng tại thời điểm ông nhậm chức do tình trạng thất nghiệp tăng cao và thị trường nhà ở sụp đổ. Tám năm sau, ông Trump đề cử ông Steven Mnuchin làm Bộ trưởng.

Ông Mnuchin vốn là một nhà điều hành ngân hàng Goldman Sachs. Phe Dân chủ được cho là sẽ gây áp lực buộc ông Mnuchin phải thừa nhận vai trò trong thương vụ thâu tóm ngân hàng phá sản IndyMac, sau được đổi tên thành OneWest, và thỏa thuận này khiến Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ phải chịu trách nhiệm tới 80% thiệt hại từ IndyMac.

Ông Mnuchin đã cam kết “mức cắt giảm thuế thu nhập cho tầng lớp trung lưu lớn nhất” kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan.

Cựu Thống đốc Texas Rick Perry từng nổi tiếng vì đã từng nêu tên 3 bộ mà ông sẽ xóa bỏ nếu được bầu làm tổng thống trong cuộc tranh biện tổng thống năm 2011.

Trớ trêu thay, tới thời ông Trump, ông Perry đang chuẩn bị để điều hành 1 trong 3 cơ quan đó- Bộ Năng lượng- sau hơn 14 năm làm thống đốc.

Ông sẽ là sự khác biệt so với các nhà tiền nhiệm như Steven Chu, một nhà vật lý học đoạt giải Nobel, và Ernest Moniz, một nhà vật lý học hạt nhân ở Viện Công nghệ Massachusetts.

Thượng nghị sĩ bang Alabama Jeff Sessions, người được ông Trump chọn vào vị trí Tổng Chưởng lý, là người ủng hộ các chính sách chống nhập cư cứng rắn.

Trước khi bước chân vào Thượng viện, ông đã bị từ chối chức thẩm phán liên bang vào năm 1986 vì bị cáo buộc có những phát biểu cực đoan.

Ông sẽ thay thế Tổng Chưởng lý Loretta Lynch, người đã từng xử lý các vụ bắn cảnh sát và xúc tiến vụ kiện chống lại bang Bắc Carolina về một dự thảo luật mà các quan chức cho là có sự kỳ thị người chuyển giới.

Bộ trưởng Bộ Lao động sắp mãn nhiệm Tom Perez là một người ủng hộ việc nâng lương tối thiểu và thúc đẩy một điều luật liên bang giú-thêm nhiều người lao động có đủ điều kiện để nhận tiền lương ngoài giờ.

Sự lựa chọn của ông Trump cho vị trí này là Andy Puzder - Giám đốc Điều hành tập đoàn CKE Restaurant Holdings, công ty mẹ của chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh Carl Jr., Hardee và các chuỗi nhà hàng khác.

Ông Puzder từng nói rằng việc tăng lương tối thiểu sẽ dẫn tới tình trạng mất việc làm, và hồi tháng 5/2016 ông đã viết rằng quy định làm việc ngoài giờ sẽ là “một trở ngại nữa cho giới trung lưu hơn là nguồn động viên” cho người lao động. Người lao động trong lĩnh vực thức ăn nhanh đã tiến hành chiến dịch “Thêm 15USD” trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama.

Ngoài ra, lựa chọn của ông Trump cho vị trí Bộ trưởng Giáo dục là Betsy Devos, một nhà hoạt động giáo dục và tỷ phú từ bang Michigan, người đã đi đầu trong việc vận động chương trình giáo dục và chọn trường, điều mà nhiều người chỉ trích cho là gây phương hại cho giáo dục công.

Lựa chọn cho chức Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Con người là Tom Rice, một nhà phẫu thuật chỉnh hình đã từng chỉ trích gay gắt cuộc cải tổ y tế của ông Obama.

Người được chọn lãnh đạo Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị là một trong những đối thủ của ông Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, bác sĩ chuyên khoa thần kinh đã nghỉ hưu Ben Carson, cho dù ông này không có kiến thức nền tảng về các vấn đề nhà ở.

Ông Trump đã nhấn mạnh tới “trí tuệ kiệt xuất” và mong muốn “củng cố các cộng đồng và gia đình” của ông Carson.

Đối đầu với Trung Quốc

Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ đã gây ra rất nhiều nhân tố khó lường và nổi lên những tuyên bố "thách thức" quan hệ Trung -Mỹ, từ thương mại cho đến ngoại giao.

Từ khi vận động tranh cử, ông Trump đã nhiều lần tuyên chiến với Trung Quốc, khi thì bằng những lời đe dọa đánh thuế cao vào hàng hóa xuất khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào Mỹ, lúc thì lên án Bắc Kinh thao túng đồng nhân dân tệ để có lợi thế xuất khẩu.

Ngày 2/12 ông Trump còn có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn - sự kiện chưa từng có trong quan hệ ngoại giao của Mỹ với Đài Loan suốt gần 4 thập niên qua và được giới chuyên gia nhận định là tiềm ẩn nguy cơ gây ra sự rạn nứt nghiêm trọng với Trung Quốc trước cả khi ông Trump nhậm chức.

Đi xa hơn ngày 11/12, ông Trump thậm chí đã đặt câu hỏi liệu Mỹ có nên duy trì chính sách "Một Trung Quốc" hay không nếu Bắc Kinh không có những nhượng bộ về thương mại cũng như một số vấn đề khác.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngay lập tức khẳng định "chính sách "Một Trung Quốc" là nền tảng chính trị của mối quan hệ Trung - Mỹ" và cảnh báo mối quan hệ song phương sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu nền tảng này bị hủy hoại.

Theo giới quan sát, nếu những tuyên bố của ông Trump nhằm vào Trung Quốc thành hiện thực thì "chiến tranh thương mại" Mỹ -Trung sẽ là điều không thể tránh khỏi, chưa nói đến các mối quan hệ địa chính trị khác.

Mot goc nhin khac ve Donald Trump - Anh 3

Các doanh nghiêp lớn tại Mỹ đang ngày càng lo ngại trước đường lối kinh tế của ông Trump. Ảnh: AP/TTXVN

Các doanh nghiệp lớn tại Mỹ đang ngày càng lo ngại trước đường lối kinh tế của ông Trump , cho dù chính sách này chưa định hình bởi những lời đe dọa áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch của ông Trump mà theo họ, có thể sẽ gây ra hậu quả cho chính nền kinh tế nước này, vốn đã phải rất vất vả để cạnh tranh trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay.

Một trong những nỗi sợ hãi của các công ty lớn của Mỹ là ông Trump thực hiện lời đe dọa đánh thuế 45% vào các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ nhưng lại do các công ty Mỹ đặt sản xuất ở nước ngoài.

Biện pháp đó có thể gây ra cuộc chiến thương mại khi các đối tác Washington đánh các loại thuế tương tự vào hàng nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa.

Đó sẽ là một kịch bản cực xấu đối với các nhà xuất khẩu của Mỹ, như Tập đoàn sản xuất máy công cụ xây dựng Caterpillar, hiện đang sử dụng hàng nghìn người trong các nhà máy tại vùng Midwest của Mỹ.

Theo ông Oberhelman - Giám đốc Điều hành Carterpillar, đồng thời là Chủ tịch nhóm vận động hành lang của các công ty Mỹ Business Roundtable, tập đoàn của ông xuất khẩu đến 80% sản phẩm sản xuất tại Mỹ.

Ông cảnh báo: “Có rất nhiều việc làm và công việc sản xuất của riêng doanh nghiệp chúng tôi cũng như của cả nước Mỹ lệ thuộc vào giao thương quốc tế. Do vậy tôi lo sợ trước nguy cơ bị trả đũa sau vụ đánh thuế 35% hoặc bất kỳ hành động đơn phương nào khác nhằm vào một đối tác kinh doanh”.

Theo nhóm vận động hành lang Business Roundtable, khá đông các chủ doanh nghiệp đã dự tính giảm đáng kể các khoản đầu tư của họ tại Mỹ nếu ông Trump thực hiện những lời đả kích nảy lửa nhắm vào các đối tác thương mại cũng như các tập đoàn đa quốc gia Mỹ.

Ông Dennis Muilenburg - Giám đốc Điều hành hãng sản xuất máy bay Boeing, đối tượng gần đây nhất bị ông Trump công kích, đã từng lưu ý:

“Bất cứ ai quan tâm đến chiến dịch vận động tranh cử và kết quả cuộc bầu cử tổng thống đều biết rằng một trong những chủ đề quan trọng nhất là nỗi lo ngại về tự do và công bằng trong giao thương với thế giới”. Boeing là nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ với 70% thu nhập từ nước ngoài.

Trong tổng số 495 chiếc Boeing 737 được bàn giao trong năm 2015, có tới 1/3 được chuyển tới khách hàng Trung Quốc. Trong khi đó, số lượng lao động tại Mỹ chiếm tới 90% tổng số 150.000 nhân công của Boeing trên toàn cầu.

Nhìn sang lĩnh vực ô tô General Motor (GM) sẽ có thể bị mất rất nhiều vì cuộc chiến thuế quan Trung - Mỹ. Trong tám tháng của năm 2016 GM xuất sang Trung Quốc 2,38 triệu xe so với 1,96 triệu xe tiêu thụ tại thị trường nội địa.

GM cũng là tập đoàn bắt đầu cho sản xuất tại Trung Quốc để đưa trở lại thị trường Mỹ nhằm hạ giá thành sản phẩm nhằm cạnh tranh với làn sóng xe Nhật, Hàn Quốc đang tràn vào Mỹ.

Thế nhưng, thị trường rộng lớn Trung Quốc đang là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn của Mỹ bởi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ, mua 10% lượng hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ. Ngược lại Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, chiếm 18% tổng lượng xuất khẩu.

Trong vòng chưa đầy 20 năm, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng từ 70 tỷ USD năm 2000 lên gần 600 tỷ USD vào năm 2015. Do đó người Trung Quốc sẽ không mấy khó khăn để tìm ra biện pháp trả đũa Mỹ.

Về phần mình, Trung Quốc cảnh báo nếu những đe dọa về mối quan hệ làm ăn với nước này của Tổng thống đắc cử Mỹ thành hiện thực thì “một loạt các đơn đặt hàng với Boeing sẽ được thay bằng Airbus, các mặt hàng như iPhones, ô tô Mỹ tại Trung Quốc sẽ lĩnh ngay hậu quả, việc nhập khẩu đậu tương và ngô Mỹ sẽ bị ngừng”.

Nếu điều đó xảy ra các công ty Mỹ sẽ là nơi hứng chịu hậu quả trực tiếp đe dọa việc làm của người Mỹ. Và ý tưởng bảo vệ việc làm cho người Mỹ của ông Trump rất có thể sẽ trở nên hão huyền và khẩu hiệu " Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" sẽ còn mất nhiều thời gian mới trở thành hiện thực.

Theo Bnews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.