Gợi nhớ bao miền ký ức
Vốn rất yêu thích những bài hát về sông nước, làng quê, tôi chợt lặng đi bởi câu hát đầu tiên đậm chất ca trù của ca khúc “Hòa trong Hương sắc Hồ Tây” khi ca sĩ Giàng Hoa cất lên: “Hòa… trong… gió lộng… Hồ Tây…, Hòa… trong …hương… sắc… Hồ Tây… Anh ơi… hương em… nồng nàn…, hương em …hòa trong… gió… chiều…”.
Chất ca trù da diết làm xao xuyến lòng người đến thế. Giai điệu của bài hát, dẫn dắt tôi đi dọc phố Thụy Khuê, lộng gió Hồ Tây, những dấu xưa, hồn cũ, những cổng làng rêu phong, những nét đẹp nên thơ cổ kính xen lẫn hiện đại.
Đặc biệt hơn là những con người Hà thành nhân hậu, nghĩa tình. Bài hát đã ngấm vào tôi từ lúc nào không hay. Tự nhiên, tôi rút điện thoại ra thu âm lại bài hát ấy, và lẩm nhẩm hát theo, rồi thuộc.
Bài hát mang âm hưởng dân ca, được viết ở giọng Đô thứ, có cấu trúc ABB’. Ngay từ đoạn mở đầu, giai điệu đã được giãn ra bởi các nốt trắng, uyển chuyển mềm mại đậm chất ca trù bởi các dấu luyến, nhấn nhá bởi các nốt móc kép xen lẫn dấu lặng.
Điểm nhìn của tác giả từ một nhà hàng ven Hồ Tây. Phóng tầm mắt ra xa, mặt nước Hồ Tây mênh mang lộng gió, cảm nhận mùi hương ngào ngạt của sen Tây Hồ, của làng hoa Ngọc Hà, của quất Quảng An, đào Nhật Tân. Và trên hết là con người nơi đây thủy chung tình nghĩa, nhân hậu chia ngọt sẻ bùi.
Sang đoạn 2 tiết tấu nhanh hơn, những nốt móc đơn điểm bởi nốt đen khiến câu hát dìu dặt, làm cho lòng người thư thái. Tác giả mời gọi “Đến đường Thụy Khuê em ơi, ngắm Hồ Tây xanh mênh mông”.
Theo câu hát, ta dạo bước dọc đường Thụy Khuê. Và một cuốn phim tái hiện: Kia làng hoa Ngọc Hà đơm bông, đây Hồ Tây mịt mù sương khói. Ta dừng chân trước cổng làng Yên Thái, chợt như nghe được tiếng chày giã giấy trong câu ca dao xưa “Mịt mù khói tỏa ngàn sương, nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.
Từ Tây Hồ được tác giả khéo léo sử dụng thành điệp từ “Hồ Tây Hồ” với nét nhạc chùm 3 xi đô xi. Nét nhạc ấy gợi cho ta nhớ đến một canh hát ả đào – loại hình thưởng thức âm nhạc của những người sang trọng nơi thành Thăng Long xưa. Và đây, dẫu thời gian rêu phong, vẫn vẹn nguyên những cổng làng được mệnh danh là “Đệ nhất kinh kỳ” với những cái tên nôm Cổng Giếng, Cổng Hầu, Cổng Chùa, Cổng Xanh.
Đặc biệt cổng làng Yên Thái, vẫn còn lưu giữ 4 chữ “Mỹ tục khả phong” được ban tặng vào năm thứ 19 đời vua Tự Đức (1867). Đến đây, câu nhạc chợt lắng lại bởi nốt trắng nối liền nốt móc đơn ứng với phần lời “Thụy Chương Mỹ tục khả phong” để rồi sau đó là nốt hoa mỹ luyến với nốt tròn ứng với ca từ “ngàn đời”. Người nghe có một nhịp nghỉ để suy nghĩ cảm nhận về cảnh sắc nơi đây, về những dấu xưa hồn cũ ấy.
Đoạn 3 (B’) với hai câu nhạc có tiết tấu mô phỏng đoạn B, một lần nữa tình người lại được nhắc trong bài hát “ở đó tấm lòng sẻ chia, tâm đức tình người trong sáng”.
Chữ “sáng” đặt dưới hai nốt son trắng nối liền, nghỉ một chút bởi dấu lặng đen, chuẩn bị cho một câu kết khoáng đạt, phơi phới lòng người khi nét nhạc vút lên bằng cao độ của nốt sol, đố, phá.
Phần kết được ngân dài ứng với câu kết “Hòa trong gió lộng Hồ Tây, Hòa trong hương sắc Hồ Tây”. Nhạc sĩ Ngọc Khuê đã khéo léo sử dụng ca từ Hồ Tây là một tổ hợp nốt xi móc đơn và nốt đố tròn liên kết với nốt mí hoa mỹ tạo sự mềm mại, điệu đà và độ “nẩy” mang đậm chất ca trù.
Cách kết bài ấy mặc dù ở chủ âm đô nhưng vẫn khiến ta có cảm giác dùng dằng lưu luyến “chân bước đi mà lòng ở lại”. Đó là biệt tài riêng của nhạc sĩ Ngọc Khuê.
Nét nhạc kết thúc mà vẫn đọng lại trong lòng người nghe những âm ba vang vọng của sóng nước Hồ Tây, thấy cảnh vật đất trời hòa quyện cùng tình người Hà Nội, thấy nhiều nét văn hóa Thăng Long xưa còn lưu giữ tại nơi này.
Ca khúc được viết ở giọng thứ, nhưng ta không thấy sự buồn tối vốn có của giọng thứ, mà ở đây là sự mềm mại uyển chuyển, nhẹ nhàng tự sự, như lời thủ thỉ tâm tình của người Hà Thành với những nét thanh lịch “chẳng thơm cũng thể hoa nhài” rất đáng quý.
Đôi lời tâm sự của nhạc sỹ
Gần đây, tôi có dịp được trò chuyện với nhạc sĩ Ngọc Khuê và được ông cho biết: Bài hát này ông viết vào tháng 5 - 2017 tặng Công ty TNHH Hòa Hương (số 6 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội), sau lần cùng công ty đi làm từ thiện, đến thăm và tặng quà cho những bệnh nhân nhiễm HIV.
Công ty Hòa Hương do vợ chồng anh Đỗ Minh Hòa và chị Phạm Thị Hương sáng lập. Công ty kinh doạnh nhiều lĩnh vực, đặc biệt đã kết hợp với Tổng cục trại giam và Công an Phường Ngọc Hà giúp đỡ những người mãn hạn tù trở về có việc làm ổn định. Bài hát không nói thẳng về công ty Hòa Hương nhưng ý tứ có nêu.
Nhạc sĩ Ngọc Khuê chia sẻ: “Bạn có thấy chữ Hòa và chữ Hương trong đầu bài tôi viết hoa không?. Đó là ngầm nêu tên anh chị Hòa Hương đấy. Còn câu “Ở đó tấm lòng sẻ chia tâm đức tình người trong sáng” là tôi viết về những nghĩa cử cao đẹp trong việc làm từ thiện của anh chị Hương Hòa và các thế hệ trong gia đình …”
Và một điều thú vị nữa đã giúp tôi ý tưởng đề cập trong bài hát, đó là gia đình anh chị Hòa - Hương người gốc làng hoa Ngọc Hà, có tấm lòng nhân ái, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, từ bệnh nhân trong bệnh viện đến trợ giúp một số trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi hay nhiễm HIV bị bỏ rơi, tạo công việc cho những người lầm lỡ đã mãn hạn tù…
Tất cả những điều đó đã được chắp thành giai điệu, cùng hòa trong gió trong hương của Hồ Tây mênh mông. “Hãy về dừng chân nơi đây, Sẽ hòa cùng hương Hồ Tây. Ở đó tấm lòng sẻ chia. Tâm đức tình người trong sáng”!
Nhạc sĩ Ngọc Khuê thật có duyên với Hồ Tây, gắn với Hồ Tây là những tác phẩm âm nhạc đi cùng năm tháng. Ngoài bài hát “Mùa xuân làng lúa làng hoa” nổi tiếng, ca khúc “Hòa trong Hương sắc Hồ Tây” là một sáng tác mới đặc sắc của ông.
Bài hát không chỉ khẳng định tình cảm sâu đậm của ông với cảnh sắc và con người vùng Hồ Tây, mà đây còn là một tác phẩm với lời ca ý tứ, sâu sắc, là món quà tinh thần ý nghĩa, sống mãi trong lòng công chúng. Chắc chắn khi được công bố rộng rãi, bài hát sẽ sớm đi vào lòng người, có sức sống mãnh liệt.