Quan hệ giữa Moskva và các nước trong khối quân sự NATO tiếp tục xấu đi nhanh chóng. Năm 2023 bắt đầu với những tin tức đáng lo ngại: NATO quyết định gửi xe tăng hạng nặng tới Ukraine, và chính Liên minh này đã chấp nhận kết nạp Phần Lan - quốc gia có chung đường biên giới với Nga.
Cả hai sự kiện đều gây ra phản ứng giận dữ từ chính quyền Nga. Ban đầu Moskva cảnh báo rằng nếu phương Tây gia tăng nguy cơ trong cuộc đối đầu, họ sẽ đáp trả tương xứng. Thông điệp này đã bị phớt lờ, và do đó Điện Kremlin bắt đầu chuyển từ lời nói sang hành động.
“Nga đã hành động ngay lập tức. Để đối phó với NATO, bây giờ vũ khí hạt nhân chiến thuật của Moskva sẽ xuất hiện ở Belarus, gần biên giới Ba Lan và các nước vùng Baltic”, tờ NetEase viết.
Các nhà phân tích Trung Quốc nhận định rằng sự liên kết lực lượng ở châu Âu bắt đầu thay đổi nhanh chóng. Trong khi NATO đang gia tăng áp lực lên Nga từ phía Bắc thì chính Moskva cũng đang gia tăng áp lực lên Liên minh dọc biên giới phía Đông.
Lập trường của Moskva vững chắc một cách đáng ngạc nhiên: "Đã đến lúc Liên minh phải rút lui", đó là tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga - bà Maria Zakharova.
Nga sẽ đáp trả tương xứng NATO bằng những loại vũ khí mới nhất. |
Nhưng rõ ràng là sau khi Phần Lan gia nhập NATO, khối quân sự này sẽ sớm triển khai tên lửa và các loại vũ khí khác đe dọa Nga ngay sát biên giới.
Điều này có nghĩa là việc Moskva triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus mới chỉ là bước khởi đầu, tờ NetEase nhận định.
“Trong tương lai, Nga sẽ tiếp tục gây áp lực lên các nước Baltic để đối trọng với mối đe dọa từ Phần Lan.
Moskva có thể triển khai thêm các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander, bao vây Estonia và Litva bằng chúng, hoặc sắp xếp những đợt phóng thử đối với tên lửa hạt nhân mạnh nhất thế giới Sarmat", ấn phẩm tiếng Trung dự đoán.
Nhìn chung tình hình ở Đông Âu sẽ còn leo thang hơn nữa, đó là lý do tại sao chắc chắn không đáng để chờ đợi sự cải thiện trong quan hệ giữa Nga và NATO, ngay cả khi xung đột Ukraine kết thúc, các chuyên gia của tờ NetEase cảnh báo.