Moscow cảnh báo tương lai hỗn loạn ở Bắc Cực

GD&TĐ - Bộ trưởng Nga nói rằng, công việc quan trọng bị gián đoạn liên tục ở Bắc Cực có nguy cơ gây hỗn loạn trong tương lai.

Một chiếc xe trượt tuyết ở Spitsbergen. (Ảnh: Steffen Trumpf/Getty Images).
Một chiếc xe trượt tuyết ở Spitsbergen. (Ảnh: Steffen Trumpf/Getty Images).

Sự hợp tác trong Hội đồng Bắc Cực đã bị đình chỉ vào năm ngoái sau khi các quốc gia thành viên phương Tây quyết định tẩy chay Moscow vì cuộc khủng hoảng Ukraine.

“Các đối tác phương Tây của chúng tôi đã tạo ra những hành động không thân thiện từ một phía trong Hội đồng Bắc Cực. Những động thái như vậy gây bất ổn ở Bắc Cực” - Bộ trưởng Nga chịu trách nhiệm phát triển Bắc Cực Aleksey Chekunkov nói về tình hình.

Hội đồng Bắc Cực là một cơ quan liên chính phủ, giải quyết các vấn đề liên quan đến khu vực và người dân bản địa. Nga giữ chức Chủ tịch luân phiên của hội đồng này khi căng thẳng leo thang dẫn đến xung đột nổ ra ở Ukraine vào tháng 2/2022.

7 thành viên khác sau đó đã quyết định cắt đứt mọi liên lạc với Moscow, đóng băng khoảng một nửa trong số 130 dự án chung đang được tiến hành. Trong năm tiếp theo, Nga tập trung vào chương trình nghị sự Bắc Cực trong nước.

Ông Chekunkov, người đứng đầu Bộ Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực của Nga, tin rằng tình hình hiện nay là không thể giải quyết được.

“Chúng tôi có thể làm được điều gì đó ở Bắc Cực chỉ khi dựa trên những nỗ lực chung. Nếu một nửa Bắc Cực sống theo các quy tắc của Liên bang Nga và một nửa còn lại sống theo các quy định khác, thì tình hình sẽ mang đến sự hỗn loạn” - ông nói.

Moscow chuẩn bị bàn giao chức Chủ tịch hội đồng cho Oslo vào tháng tới. Tuần trước, chính phủ Na Uy đã công bố chương trình lãnh đạo tổ chức của mình. Kế hoạch tập trung vào biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Na Uy đã từ chối lời mời tham dự lễ chuyển giao của Nga, thay vào đó muốn thực hiện điều này từ xa. Họ cũng có ý định giới hạn mức độ đại diện tại sự kiện này.

Thứ trưởng Ngoại giao Na Uy Eivind Vad Petersson giải thích với Reuters: “Việc các quan chức chính trị cấp cao tham dự một sự kiện cấp bộ trưởng ở Nga là điều không thể xảy ra và chúng tôi đã thông báo rõ ràng về điều đó với Nga”.

Ngoài Nga và Na Uy, Hội đồng Bắc Cực còn bao gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Thụy Điển và Mỹ.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ