Bà ngoại hơn 80 tuổi, mẹ mắc bệnh động kinh và anh trai bại liệt. Nghe tiếng bà gọi, cô bé chạy lại, nhanh nhẹn cúi người bế xốc anh trai vào giường.
Những ngày cuối năm, ngôi nhà nghèo nàn của Thảo Hiền (xóm Thanh Tiến, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An) vẫn lộn xộn, bừa bãi, cũ kỹ. Nhắc tới cái gì, cũng là ước mơ của cô gái nhỏ: Có đủ gạo ăn, có cá thịt trong bữa cơm, có quần áo mới, có xe đạp đi học...
Những mảnh đời trong ngôi nhà xập xệ
Trưa đi học về, mẹ sai Hiền ra sau nhà rút nắm rơm vào nhóm lửa. Gạo mới đi vay, thức ăn cho buổi trưa vẫn chưa có. Chái bếp cỏn con chỉ vừa đặt cái kiềng, vài chiếc nồi và mấy thanh củi. Khói cay xè, cô bé phồng má thổi lửa mãi không được. Chị Nguyễn Thị Hoan – mẹ của Hiền đành một tay bồng con trai bại liệt, tay kia nấu cơm. Cả 3 mẹ con loay xoay trong bếp, mắt ai cũng đỏ hoe.
Cách đây 14 năm, chị Nguyễn Thị Hoan (SN 1977) lấy chồng rồi sớm sinh bé trai đầu lòng. Nhưng nhìn đứa con yếu ớt, chẩn đoán bại não, người bố không nhận, bỏ đi. Bên nội chối bỏ, chị đành bế con quay về nhà ngoại ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương sinh sống cho đến giờ. Nhưng cuộc sống của mẹ con chị qua mỗi năm càng chật vật, bế tắc hơn bởi không nghề nghiệp, không sức khỏe và nặng gánh con bệnh tật, bà ngoại già yếu.
Bản thân chị Hoan mắc chứng động kinh, nên không thể làm việc, lao động như người bình thường. Trước đây, chị cũng biết làm ruộng, cắt cỏ. Nhưng có lần lên cơn co giật ngoài đồng nên từ đó chỉ dám quanh quẩn trong nhà, ôm đứa con trai tật nguyền. Mấy năm nay, bệnh càng nặng, số lần xuất hiện cơn động kinh càng dày, “vật” cho cả chị lẫn đứa con trên tay nằm lăn giữa nền nhà. May nhờ có láng giềng họ hàng xung quanh phát hiện đỡ cả 2 mẹ con dậy.
Cuộc sống của 4 mẹ con, bà cháu trông chờ vào chế độ trợ cấp hàng tháng của chị Hoàn và con trai tàn tật, nên mọi chi tiêu phải hết sức tằn tiện, dè sẻn. Dịp nào thuốc men, hay có việc phát sinh, hết tiền, chị đành xách rổ đi xin gạo. Trước khi ra khỏi nhà, chị đặt Ngọc trên giường, chèn chăn gối xung quanh để con không trườn qua được. Cũng từ đó, Hiền bắt đầu nhiệm vụ trông chừng, bồng bế anh trai, thậm chí lo cả sinh hoạt cá nhân của anh.
Căn bệnh bại não khiến Nguyễn Danh Ngọc đã 14 tuổi nhưng nhìn như đứa trẻ lên 5, chỉ biết nằm trên giường ú ớ. Nhưng cậu bé vẫn có nhận thức, reo lên khi thấy mẹ, nghe lời bà, em gái. Có lúc do nằm một chỗ mỏi người, không thể tự trở được, em đau đớn, giận dữ cố gắng trườn, quật người xuống chiếu để được mẹ vỗ về, bồng bế. Hoặc khi chán ở nhà, Ngọc cũng biết đòi đi chơi. Những lúc ấy, em Hiền lại vừa bế, vừa vác anh ngang người, 2 anh em tha nhau quanh quẩn phía ngoài sân.
Ông Phạm Văn Long - xóm trưởng xóm Thanh Tiến, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương (Nghệ An) ngậm ngùi: “Gia đình chị Hoan thuộc diện nghèo khổ hiếm có. Nhà 4 người nhưng chẳng ai có sức lao động. Chị Nguyễn Thị Hoan bị động kinh, cháu Nguyễn Danh Ngọc bị bại não, nằm liệt một chỗ, cụ Xuân (mẹ chị Hoan) hơn 80 tuổi già yếu, mắt mờ, tai điếc. Chỉ còn mỗi cháu Thảo Hiền là lành lặn, mạnh khỏe bình thường”.
Gánh nặng từ lúc lọt lòng của Thảo Hiền
Năm 2013, chị Nguyễn Thị Hoan “xin” thêm được đứa con gái, may mắn sinh ra lành lặn, mạnh khỏe, bình thường. Chị kể: “Khi đó, tôi chỉ mong sinh thêm một đứa nữa, sau này tôi già yếu chết đi, thì còn có người chăm lo, cưu mang cho cháu Ngọc”. Cô con gái út được đặt tên là Nguyễn Thị Thảo Hiền, cũng mang theo hi vọng và gánh “trách nhiệm” chỗ dựa cho anh trai tàn tật từ khi vừa mới lọt lòng.
Hiền có đôi mắt lúc nào cũng nhìn xuống dưới, buồn rười rượi, không giống như của cô bé mới 9 tuổi. Hoàn cảnh gia đình như thế nào, Hiền đều hiểu và chấp nhận. Như cái cách em đi học về biết phụ mẹ nấu nướng, dọn dẹp. Biết trông chừng, chăm sóc và nghe hiểu, đoán ý tiếng ú ở của anh trai. Biết không đòi hỏi bất cứ điều gì từ bà ngoại già yếu hay người mẹ bệnh tật. Biết cả im lặng khi thỉnh thoảng thấy mẹ cau có, quát nạt vì cảnh nhà quẫn bách. Và chưa một lần hỏi về bố của mình là ai.
Lên 9 tuổi, Hiền mới chỉ học lớp 2 vì lưu ban một năm. Nhưng với Hiền, được đến trường, đi học mỗi ngày là niềm vui to lớn. Đó là khoảng thời gian em được học, được chơi với các bạn vô tư như tuổi của mình. Nhắc đến cái gì, cũng là ước mơ của Thảo Hiền, lời nói bật ra mà chẳng kịp suy nghĩ: “Em ước có đủ gạo, có cá thịt trong bữa ăn, có dép, quần áo mới, có xe đạp để đi học. Em cũng muốn có ngôi nhà rộng hơn để ở cùng bà, mẹ và anh”. Ngôi nhà hiện tại của mẹ con Hiền, chỉ khoảng 15m2, được chia đôi, một nửa để cái rương gỗ và bộ bàn ghế cũ kỹ, nửa còn lại đặt 2 chiếc giường song song nhau cho 4 người ngủ.
Cô Phạm Thị Lan Anh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Liệt 1 (huyện Thanh Chương, Nghệ An) cho biết: “Em Nguyễn Thị Thảo Hiền có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đáng ra theo tuổi, Hiền đã lên lớp 3. Nhưng do em không đi học chuyên cần, mẹ không đưa đón thường xuyên, nên không đạt chuẩn kiến thức kỹ năng và lưu ban năm lớp 1. Năm nay học lớp 2, cô giáo tích cực phụ đạo, động viên nên giờ em đã đọc viết thành thạo, chữ đẹp, tính toán tốt. Hằng năm, nhà trường đều ưu tiên học bổng, tặng quầ áo, sách vở, gạo cho gia đình em Hiền. Qua đó giúp đỡ phần nào để em yên tâm đến lớp, đảm bảo quyền lợi học tập cho Thảo Hiền”.
Ông Phạm Văn Long – xóm trưởng xóm Thanh Tiến, xã Võ Liệt chia sẻ thêm: “Hoàn cảnh gia đình chị Hoan quá éo le nên bà con đều hết lòng giúp đỡ. Mỗi lần có đoàn trao quà về địa phương, chúng tôi cũng ưu tiên cho mẹ con chị. Nhưng đó chỉ là sự hỗ trợ trước mắt. Nguyện vọng của gia đình chị và cũng là người dân trong xóm là sửa sang lại căn nhà cho đỡ chật chội, dột nát. Nhưng kinh phí lớn nên xóm mong có thêm nhiều sự giúp đỡ từ các tấm lòng hảo tâm khác”.