Mong ngóng một ngôi trường kiên cố

GD&TĐ - Tình trạng cơ sở vật chất Trường TH Hoàng Văn Thụ (xã Tam Sơn, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Giáo viên, học sinh thấp thỏm, lo âu khi phải dạy học trong những căn phòng cũ nát, xập xệ, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Nỗi lo về trường lớp xuống cấp, đe dọa tính mạng học sinh, giáo viên trở thành nỗi ám ảnh kéo dài trong nhiều năm qua. 

Mong ngóng một ngôi trường kiên cố

Vấn đề đã được nhà trường đề xuất, kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục, sửa chữa.

Thầy trò “thấp thỏm”

Chúng tôi thật sự rùng mình khi bước vào các dãy phòng lớp học ở Trường TH Hoàng Văn Thụ (xã Tam Sơn, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) với loang lổ những vết nứt vỡ, trần nhà, mái ngói rệu rã. Phía bên ngoài một số căn phòng, dán các tờ thông báo “Nguy hiểm, học sinh không lại gần” đã bắt đầu ố vàng. Thầy Nguyễn Đại Ngọc - Hiệu trưởng Trường TH Hoàng Văn Thụ như muốn ngăn cản khi chúng tôi đề nghị được vào thăm căn phòng khóa kín có dán tờ thông báo.

Thầy cho biết, căn phòng này ba hôm trước còn là phòng làm việc của Ban giám hiệu, nhưng sau đợt mưa vài hôm trước, một vết nức toác bằng chiều dài của cả căn phòng xuất hiện. Một căn phòng khác cũ không kém, nhưng ít nứt hơn được chọn làm phòng làm việc thay thế, nhưng đó cũng là căn phòng cuối cùng còn dùng được. Những căn phòng còn lại, đã chi chít tờ thông báo dán ngay tường, khi thậm chí không còn cửa để khóa…

Thầy Ngọc cho hay: Trường TH Hoàng Văn Thụ có đến 5 điểm ở rải rác các thôn. Điểm trường này là điểm trường chính, nằm ở khu trung tâm của xã, vốn là trụ sở của Trường THCS Quang Trung cũ. Vì ở gần lòng hồ, thường xuyên bị ngập vào mùa lũ, nên Trường Quang Trung được đầu tư xây mới một khu nhà khang trang phía gần trụ sở UBND xã.

Dãy phòng học này được nhường lại cho Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ. Dãy có chừng 9 phòng, nhưng chỉ sử dụng được 3 phòng làm phòng học cho 4 lớp từ lớp 1 tới lớp 5. Riêng khối lớp 4 được chuyển về điểm trường ở thôn Thuận Yên Tây. Các phòng còn lại được tận dụng làm nơi làm việc, thư viện, phòng máy tính, nhưng dăm ba hôm lại phải dịch chuyển do… sợ sập.

Nỗi niềm nhà giáo

Đến bây giờ các thầy cô giáo vẫn mang nỗi ám ảnh về căn phòng ăn tập thể, nơi 8 thầy cô giáo vẫn nấu ăn chung mỗi ngày đột ngột đổ sập vào đầu tháng 11 vừa rồi. May mắn, là khối gạch đá ấy sập xuống trong đêm, chỉ làm hỏng những vật dụng để lại trong nhà bếp. Các cô giáo thay nhau nhặt nhạnh những thứ còn sót lại, đem cất tạm vào phòng ở. Năm cô giáo cùng ở chung một phòng. Phòng còn lại, các cô dành cho một cô giáo khác ở cùng đứa con.

Cô Nguyễn Thị Lập, giáo viên trường dẫn chúng tôi qua căn phòng tập thể. Căn phòng chỉ vỏn vẹn hai chiếc giường và một cái bàn học đã cũ là nơi soạn giáo án của cả năm giáo viên. Phía góc nhà, vẫn còn mớ nồi niêu méo xệch các cô nhặt nhạnh từ căn bếp bị sập. “Cả tuần nay tụi em phải đi ăn ở ngoài, vì phòng chật quá… ”, cô Lập nói.

Trong số những giáo viên ở điểm trường chính, cô Nguyễn Thị Thêm - giáo viên chủ nhiệm lớp 1, với hơn 28 năm gắn bó với ngôi trường. Giọng cô buồn buồn: “Nhiều buổi đến lớp, phụ huynh góp ý xin cho các em… đội mũ bảo hiểm để học. Tôi nghe mà buồn mấy ngày liền. Giáo viên vất vả mãi cũng quen rồi, nhưng nhìn lũ trẻ thì thương lắm”.

Ngoài cô Thêm, thầy Nhứt, trường có không ít giáo viên trẻ. Như cô Lập, mới 25 tuổi, ra trường là xin về dạy ở tít tận trên điểm trường này. Làm Tổng phụ trách Đội, cô Lập phải chạy như thoi giữa các điểm trường trong các giờ ngoại khóa. Mỗi tuần một lần trở về nhà cách đó chừng hơn ba mươi cây số, chưa kịp nghỉ ngơi đã phải vội trở lại trường.

“Em còn trẻ, nên không ngại khó, ngại khổ, được lên lớp, được làm đúng nghề mình yêu đã là hạnh phúc với hàng vạn người rồi. Chỉ hơi chạnh lòng vì trường lớp thế này, thương cho học sinh mình không bằng các trường khác…”, cô Lập tâm sự.

Thầy Ngọc cho biết thêm: Trước tình hình trường lớp xuống cấp nghiêm trọng nhà trường đã thông báo, kiến nghị với chính quyền địa phương tìm phương án giải quyết nhằm đảm bảo điều kiện dạy học cho giáo viên, học sinh. Để giải quyết tình thế trước mắt, nhà trường đã đề xuất với lãnh đạo UBND xã Tam Sơn xin một số phòng của trụ sở Ủy ban xã cũ để làm phòng làm việc. Tuy nhiên, mong ước lớn nhất của tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh và người dân địa phương là có được một ngôi trường xây dựng khang trang, vững chãi, để giáo viên, học sinh có thể yên tâm dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ