Sẵn sàng cho năm học mới
Ngày 16/8, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai năm học 2024-2025 cấp trung học cơ sở.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện thành phố có 679 trường THCS công lập với hơn 600 nghìn học sinh. Khối ngoài công lập gồm 52 trường với hơn 42 nghìn học sinh. Toàn thành phố có 500 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỉ lệ: 73,6%) trong đó khối tư thục có 4 trường.
Năm học 2023-2024, cấp học THCS đạt nhiều kết quả nổi bật. Chất lượng đại trà, mũi nhọn tương đối ổn định, phát triển. Toàn ngành hiện hiệu quả đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Các nhà trường chủ động, linh hoạt xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch năm học; chuẩn bị tốt điều kiện và triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới hiệu quả.
Việc tập huấn về dạy học có hiệu quả, kịp thời; bắt nhịp nhanh với chương trình, SGK; định dạng đúng, trúng với các môn tích hợp, môn mới, nhất là các môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử - Địa lí, Nghệ thuật của Chương trình GDPT 2018. Các hoạt động trải nghiệm của các đơn vị được tổ chức bài bản, phong phú và rộng khắp.
Đây là năm học đầu tiên lứa học sinh lớp 9 của các nhà trường sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo Chương trình GDPT 2018. Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo các Phòng GD&ĐT hướng dẫn các nhà trường thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá.
Các nhà trường thực hiện việc đánh giá học sinh theo quy định, bảo đảm không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình, trong đó, lưu ý xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học; xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra, đánh giá định kỳ của môn học phù hợp với kế hoạch dạy học; chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Bên cạnh đó, các nhà trường cần thực hiện có hiệu quả các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá, đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ; khuyến khích các nhà trường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra; tăng cường thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục.
Tạo thuận lợi cho học sinh
Tham luận tại hội nghị, cô Trịnh Hồng Vân - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) cho biết: Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên thi theo chương trình GDPT 2018. Đây cũng là lứa học sinh chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Vì vậy, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các trường, phụ huynh, học sinh trong các kỳ thi sắp tới.
Do đó, các nhà trường trên địa bàn quận Thanh Xuân đề xuất Sở GD&ĐT Hà Nội sớm ban hành văn bản hướng dẫn về cấu trúc, đề thi minh họa, hướng dẫn chấm vào lớp 10 THPT năm 2025-2026; sớm ban hành tài liệu đồng hành với kì thi tuyển sinh vào lớp 10 để tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình, nhà trường nghiên cứu hướng dẫn, tư vấn học sinh phù hợp.
Cô Trần Mai Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Liệt, đại diện cho các cán bộ quản lý, giáo viên huyện Thanh Trì nêu ý kiến: Năm học tới, học sinh lớp 9 sẽ học và thi theo chương trình GDPT 2018. Đây là năm đầu tiên thi theo định hướng mới nên các giáo viên và học sinh không tránh khỏi lo lắng.
Khó khăn lớn nhất đối với các nhà trường, các giáo viên là phương án thi lớp 10 thế nào, cấu trúc đề thi ra sao. Đặc biệt là môn Ngữ văn, các môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý với cách học, cách thi hoàn toàn mới sẽ là thách thức với giáo viên và học sinh.
Trước những khó khăn trên, các nhà trường đề xuất Sở sớm có phương án tuyển sinh vào lớp 10, sớm có đề minh họa để giáo viên nắm được cấu trúc của đề thi, từ đó xây dựng kế hoạch ôn tập cụ thể hơn cũng như xây dựng ngân hàng ôn tập cho học sinh hiệu quả hơn.
Cô Hương đề xuất Sở GD&ĐT Hà Nội giới thiệu tài liệu ôn thi vào lớp 10 sớm hơn mọi năm, giới thiệu danh mục tài liệu tham khảo dành cho môn Ngữ văn chất lượng, uy tín để giáo viên tham khảo; tổ chức hội thảo hướng dẫn cụ thể về những nội dung liên quan, thống nhất định hướng thi, kho đề thi, các nguồn bài tập vận dụng cũng như công cụ sử dụng để làm các bài tập đó.
Năm học 2024-2025 là năm thứ 4 cấp THCS thực hiện Chương trình GDPT 2018, trong đó với học sinh lớp 9 là năm đầu tiên. Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo các Phòng GD&ĐT hướng dẫn các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đồng thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình GDPT.