Vấn đề đã được nhà trường, người dân địa phương kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa có hướng khắc phục, giải quyết. Chính vì vậy ước mong có được một con đường tử tế để đến lớp của giáo viên, học sinh nơi đây còn lắm xa vời?
Cô trò lội bùn đến lớp
Theo lời phản ánh của giáo viên, điểm trường mầm non xã Hồng Hóa nằm cách đường quốc lộ 12A chừng 300 mét, nhưng vô cùng lầy lội. Con đường bị xe cộ cày nát khiến đường đất trở thành những vũng bùn. Lầy lội đến nỗi xe máy không thể đi vào được, nhiều chỗ bùn nhão nhoét ngập sâu ngang gối. Trở thành những cái bẫy khiến người đi bộ cũng có thể té ngã bất cứ lúc nào.
Cô giáo Đinh Thị Hoài Linh - giáo viên đang phụ trách lớp mầm non nơi đây, bày tỏ: “Để đến được điểm trường trong thời gian này, tôi phải gửi xe máy trong một nhà dân rồi lắp ủng đi bộ vào. Có nhiều bữa đi được đoạn thì cả cô và trò té ngã phải quay về thay quần áo mới trở lại lớp.
Thương nhất là các cháu nhỏ, cứ mỗi sáng là ba mẹ phải cõng đến lớp, có cháu không có người cõng phải tự đi bộ nên té ngã suốt, nếu không ngã thì quần áo cũng bẩn hết. Nhiều cháu tới lớp phải đi chân trần lạnh đến tím tái”. Tại điểm trường mầm non này chỉ có 8 cháu từ 3 - 5 tuổi theo học. Tuy nhiên, do đường lầy lội nên các cháu thường hay bỏ học. Ngày chúng tôi đến, lớp học chỉ còn lại 5 cháu nhưng cô trò vẫn dạy học bình thường.
Chị Đinh Thị Lan - một người dân địa phương cho hay: “Nhà tôi có 2 con nhỏ đang theo học tại lớp mầm non này. Do con đường tới lớp quá lầy lội nên tôi không thể chở các cháu đến lớp, cũng không thể bế một lúc hai cháu đi học được. Bởi vậy, ngày nào vợ chồng tôi cũng phải đưa đón 2 cháu đến lớp rồi mới đi làm”. Không những cô trò chịu cảnh khổ cực, mà hàng chục hộ dân nơi đây phải vật lộn với con đường “đau khổ” này trong suốt nhiều năm qua.
Chính quyền cần quan tâm giải quyết
Nhiều người dân địa phương phản ánh, trên con đường này có những đoạn đường hết sức nguy hiểm vì có dây điện thắp sáng nằm vùi lấp dưới lớp bùn đất. Ông Đinh Xuân Giang - một người dân lo lắng: “Đường lầy lội bị té ngã bất cứ lúc nào cũng không đáng lo lắm, nhưng sợ nhất là sợ bị điện giật. Có lần, tôi cùng một số hộ trong tổ đã cho xe chở đất, đá lấp một số chỗ bùn lầy nhưng cũng chẳng ăn thua vì lượng xe cộ ra vào chở gỗ tràm ngày càng nhiều nên đường lúc nào cũng như ruộng bùn”.
Còn ông Đinh Minh Trung, thở dài: “Cách đây khoảng 4 năm, xã vận động gia đình tôi cùng 19 hộ dân ra đây sinh sống. Họ còn hứa sẽ cấp “sổ đỏ” đất nhà, đất vườn, làm đường, làm điện cho bà con yên tâm định canh, định cư. Nhưng chờ mãi chẳng thấy đường ở mô, chỉ có con đường đất lầy lội như rứa đó”. Cách đây không lâu, xóm mới 6 hộ dân ra dựng nhà ở nhưng không được cấp “sổ đỏ”, đường thì lầy lội, điện phải kéo hơn cây số nên 2 hộ đã bỏ xóm trở về nơi ở cũ.
Ông Đinh Xuân Dục - Tổ trưởng tổ tự quản Cầu Roòng nói: “Con đường về xóm mới lầy lội là do đường đất, các phương tiện giao thông lại ra vào nhiều kèm theo tải trọng lớn khiến đường bị bầm nát, lầy lội. Sự việc này chúng tôi cũng nhiều lần đề xuất lên xã nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.
Ông Cao Hữu Mựu - Chủ tịch UBND xã Hồng Hóa cho biết: “Hiện xã cũng đã nhận được phản ánh về tình trạng lầy lội của con đường vào xóm mới ở tổ tự quản Cầu Roòng. Hiện nay, ngân sách của xã có hạn, trong khi kinh phí để làm mới con đường này phải mất tiền tỷ. Trước mắt, xã sẽ vận động người dân tự bỏ kinh phí, sức lực và xã cũng sẽ hỗ trợ một phần để khắc phục”.