Mong Đại hội XII của Đảng có những quyết sách giúp Việt Nam cất cánh

GD&TĐ - Phóng viên báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) để lắng nghe những tâm tư mà ông muốn gửi gắm.

Mong Đại hội XII của Đảng có những quyết sách giúp Việt Nam cất cánh

Mỗi kỳ Đại hội Đảng đều là dấu mốc quan trọng về sự phát triển của Đảng, của đất nước. Vậy cá nhân ông kỳ vọng những gì vào kỳ Đại hội Đảng XII?

- Là một người dân Việt Nam, tôi đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của đất nước. Điều kỳ vọng ngày càng lớn vì sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới (tính từ năm 1986 đến nay), Việt Nam đã tạo ra được một nền tảng khá vững chắc cho sự phát triển của mình. Vì vậy, ai ai cũng mong muốn, sau 30 năm, Việt Nam sẽ có sự đổi mới mạnh mẽ hơn, nhanh hơn, vững chắc hơn.

Tôi liên tưởng 30 năm qua, Việt Nam như một chiếc phi cơ đang chạy trên đường băng và chuẩn bị cất cánh. Đây là thời điểm chín muồi về mọi mặt để Việt Nam có thể tạo ra đột phá, tạo nên những điều kỳ diệu. Đây cũng là mong mỏi của mỗi người dân trong nước và bạn bè quốc tế đối với đất nước chúng ta trong giai đoạn hiện nay.

Tôi mong rằng, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng sẽ tạo động lực để có thể nâng phi cơ cất cánh, vượt lên lực hấp dẫn của trái đất, đưa Việt Nam vươn cao, vươn xa, khẳng định vị trí trên trường quốc tế.

Ông có thể cho biết những nhận định, đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011 - 2015)?

- Nói một cách ngắn gọn, chúng ta đã hoàn thành cơ bản Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI cách đây 5 năm trên tất cả các lĩnh vực.

Về chính trị: Luôn có sự ổn định, không có những thay đổi gây ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước. Nếu so với một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, rõ ràng nước ta luôn có sự ổn định về chính trị.

Quá trình dân chủ hóa đã được thực hiện, cơ quan lập pháp - Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất - nơi đại diện cho tiếng nói của người dân có vị thế và tiếng nói ngày càng quan trọng, nói lên được nguyện vọng của nhân dân về những vấn dề quan trọng nhất của đất nước.

Báo chí, truyền thông ngày càng cập nhật thông tin công khai, tạo ra những cuộc thảo luận quy mô lớn, mang lại sự phát triển tích cực cho đất nước.

Về mặt kinh tế: Tăng trưởng kinh tế luôn ổn định, kiềm chế tốt lạm phát, thu hút đầu tư nước ngoài rất tốt, đặc biệt là quá trình hội nhập kinh tế. Việt Nam đã tham gia vào Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định thương mại tự do với liên minh Châu Âu, liên minh thuế quan,...Tất cả những điều này khẳng định nền kinh tế Việt Nam có sức sống mới, diện mạo mới.

Điều quan trọng hiện nay là việc sử dụng các nguồn lực để phát triển kinh tế một cách bền vững, tái cấu trúc nền kinh tế (vấn đề đầu tư, sử dụng vốn ODA,...).

Sự chuyển dịch của các tập đoàn kinh tế nhà nước để tạo ra sự phát triển hiệu quả và sự đổi xử bình đẳng, công bằng giữa khu vực kinh tế tư nhân và khu vực nhà nước.

Về văn hóa xã hội đặc biệt khởi sắc với sự hồi sinh của các giá trị văn hóa truyền thống: các lễ hội, phong tục tập quán được lưu giữ và phát huy các giá trị.

Các địa danh du lịch của nước ta được bảo tồn rất tốt bao gồm cả giá trị văn hóa tinh thần và giá trị thiên nhiên. Việt Nam được coi là điểm đến lý tưởng với cảnh quan tươi đẹp và sự hòa bình, ổn định xã hội. Hàng năm, nước ta đón khoảng 8 triệu khách quốc tế tới tham quan.

Về vấn đề hội nhập: Hiện nay Việt Nam đã tham gia vào hầu hết các diễn đàn quốc tế và có quan hệ hợp tác với khoảng 180 quốc gia trên thế giới. Đại hội XI đã từng đề cập đến vấn đề "hội nhập toàn diện". Và trong 5 năm qua, không chỉ có kinh tế mà cả chính trị, an ninh quốc phòng, văn hóa xã hội đều đã thể hiện tốt sự hội nhập quốc tế.

Mong Đại hội XII của Đảng có những quyết sách giúp Việt Nam cất cánh ảnh 1 PGS.TS Phạm Quang Minh

Theo ông, những nhân tố nào có ảnh hưởng quyết định đến những thành công như vừa nêu trên?

- Yếu tố quan trọng nhất làm nên mọi thành công có lẽ là sự đồng thuận. Ở đây là sự đồng thuận giữa sự lãnh đạo của Đảng với cơ quan hành pháp - Chính phủ và các tổ chức xã hội khác. Vì chỉ có sự đồng thuận mới có thể tạo nên sức mạnh.

Đây chính là nội lực của đất nước và nhân tố này chắc chắn sẽ tiếp tục góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển chung của đất nước trong giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ, việc tranh thủ được các nguồn lực quốc tế, phát huy được ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế thông qua những chiến lược, hành động cụ thể để có thể làm bạn, làm đối tác tin cậy với tất cả các nước.

Nói tóm lại, để có được những thành công, chúng ta đã kết hợp hài hòa giữa yếu tố bên trong chính là sự đồng thuận, ổn định và yếu tố bên ngoài là sự hợp tác, ngoại giao rộng mở.

Xin ông cho biết nhận định về những dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực Giáo dục trong giai đoạn 2011 - 2015, khi Nghị quyết Đại hội XI đi vào cuộc sống?

- Với giáo dục, dấu ấn quan trọng nhất là Đại hội XI của Đảng đã đưa ra Nghị quyết về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Có thể nói, đây là một chủ trương vô cùng sáng suốt vì không một quốc gia tiên tiến, phát triển nào mà không có một nền giáo dục được quan tâm và phát triển. Giáo dục chính là bệ phóng cho sự phát triển của mỗi quốc gia.

Nền giáo dục phát triển là nền giáo dục hiện đại, cởi mở nhưng cũng phải có triết lý ổn định cho sự phát triển đó. Chất lượng giáo dục của Việt Nam hiện nay đang trên đà hoàn thiện, tạo động lực lớn cho sự phát triển chung. Trong thời gian qua, nguồn lực dành cho giáo dục đã nhận được được ưu tiên lớn của Đảng và Nhà nước từ những chính sách mang tầm vĩ mô.

Điểm nhấn quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI trong giáo dục chính là chúng ta đã hoàn thành phổ cập tiểu học, đưa nước ta thành một trong những nước có tỷ lệ người biết đọc biết viết lên hàng cao nhất thế giới (khoảng 97%).

Bên cạnh đó, vấn đề đổi mới thi cử được Bộ GD&ĐT triển khai đã có những chuyển biến tích cực. Kỳ thi THPT Quốc gia đã góp phần hạn chế tốn kém, giảm thiểu nhiều lo âu cho người dân.

Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội cũng là một trong những hành động cụ thể hóa chỉ đạo đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo của Nghị quyết Đại hội XI…

Ông đặt kỳ vọng gì vào những quyết sách của Đại hội XII đối với giáo dục đào tạo?

- Tôi mong rằng, trong thời gian tới, giáo dục đào tạo vẫn tiếp tục là vấn đề được Đảng và Nhà nước dành quan tâm đặc biệt. Cùng với đó, vấn đề đào tạo đội ngũ giáo viên trong các trường Sư phạm cần được quan tâm hơn nữa vì người thầy là yếu tố quyết định trong quá trình dạy học: Có thầy giỏi mới có trò giỏi.

Theo tôi, chính sách vĩ mô, Đảng và Chính phủ đã rất ưu tiên cho giáo dục. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào người thầy, vào nhà trường. Tiếp sau nữa mới là chương trình, sách giáo khoa, phương pháp,...

Trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tôi mong chờ những quyết sách lớn, trong đó chỉ ra điểm mấu chốt, giải pháp cơ bản, đột phá để có thể tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá trong giáo dục.

Tuy nhiên, giáo dục cũng chỉ là một trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy cần có sự ổn định, đồng bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa,... để tương trợ sự phát triển của giáo dục.

Mọi cải cách suy cho cùng đều là kết quả của sự đồng thuận và đồng bộ. Mong rằng, Đại hội sẽ bầu ra những đại diện đủ đức, đủ tài để lãnh đạo đất nước phát triển ổn định, vững chắc.

Trân trọng cảm ơn ông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.