Mong có phụ lục riêng đối với giáo viên vùng khó khi xét Nhà giáo Ưu tú

GD&TĐ - Giáo viên vùng khó vừa dạy kiến thức và hỗ trợ học sinh trong cuộc sống nên lãnh đạo trường, học sinh mong có chính sách riêng cho thầy cô.

Chị Y Móc một mình gồng gánh nuôi 2 người con và mẹ già nên việc giáo dục con chủ yếu nhờ thầy, cô.
Chị Y Móc một mình gồng gánh nuôi 2 người con và mẹ già nên việc giáo dục con chủ yếu nhờ thầy, cô.

Phụ huynh và học sinh mong giáo viên vùng khó được hưởng chính sách đặc thù

Chị Y Móc (SN 1988, làng Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) có 2 người con. Con lớn học lớp 4, còn cháu nhỏ mới lên lớp 1. Chỉ với ít đất sản xuất, mình chị Y Móc gồng gánh nuôi 2 người con cùng mẹ già đã 78 tuổi.

Điều kiện sống khó khăn nên chị ít quan tâm được đến việc học của các con. Do đó, chủ yếu nhờ giáo viên vừa dạy học và sẻ chia với các cháu. Chính vì vậy, công việc của giáo viên vùng khó có phần nhiều và vất vả hơn.

“Giáo viên không chỉ giảng dạy kiến thức cho các con mà còn hỗ trợ gia đình chia sẻ tâm tư, tình cảm và nguyện vọng. Đặc biệt ở những vùng khó thầy, cô còn phải lặn lội đến từng nhà để vận động khi có học sinh không đến trường. Chính vì vậy, mình mong có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên hơn đối với giáo viên vùng sâu, vùng xa”, chị Y Móc nói.

Mấy năm nay, bên cạnh việc học kiến thức trên trường lớp, A Diệm (học sinh lớp 9, Trường PTDT BT THCS xã Đăk Tăng) và những học sinh khác thường xuyên được nhà trường và giáo viên hướng dẫn cách ứng phó với động đất. Không những vậy, thầy cô cũng quan tâm đến đời sống học sinh. Mỗi khi có bạn nào nghỉ học hoặc hoàn cảnh khó khăn giáo viên đều hết lòng giúp đỡ.

“Không chỉ giúp chúng em có thêm kiến thức để sau này phát triển bản thân, thầy cô còn hướng dẫn, hỗ trợ chúng em ứng phó với động đất, lũ lụt… Không những vậy, giáo viên còn thường xuyên quan tâm, hỗ trợ khi chúng em gặp khó khăn, từ sách vở, quần áo… đến thức ăn.

Em cảm nhận được sự vất vả, khổ cực của thầy cô khi hết lòng hy sinh để mong chúng em học tập tốt, có tương lai tươi đẹp hơn. Do đó, nếu được em mong rằng các cấp chính quyền, Bộ ngành Trung ương quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa với thầy cô vùng khó. Có như vậy, thầy cô mới có thêm điều kiện để giúp chúng em phát triển toàn diện”, em A Diệm bộc bạch.

Bài viết, việc làm ý nghĩa thay thế đề tài nghiên cứu khoa học

Giáo viên vùng khó không chỉ dạy chữ mà còn quan tâm đến đời sống học sinh.
Giáo viên vùng khó không chỉ dạy chữ mà còn quan tâm đến đời sống học sinh.

Từng công tác tại ngôi trường có học sinh dân tộc thiểu số, thầy Lê Đắc Tường – Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Liên Việt (TP Kon Tum) phần nào cảm nhận được khó khăn, gian khổ của giáo viên khi vừa là thầy, cô vừa là người cha, mẹ thứ 2 của học trò.

Thầy Tường tâm sự, ở vùng thuận lợi thì học sinh có điều kiện tốt hơn để học tập. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng quan tâm và đầu tư vào giáo dục hơn cho con em mình. Chính vì vậy, giáo viên cũng bớt đi phần nào khó khăn trên hành trình dạy chữ, giúp các em trở thành người có ích cho xã hội.

Còn với những huyện, xã, thôn khu vực vùng sâu vùng xa giáo viên không chỉ thường xuyên trau dồi kinh nghiệm, linh hoạt thay đổi phương pháp giảng dạy mà còn phải quan tâm đến đời sống học sinh.

Với Luật giáo dục và quy định xét danh hiệu Nhà giáo Nhân dân thầy Tường rất ủng hộ. Bởi để đạt được Nhà giáo Nhân dân thì đòi hỏi phải có nhiều cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giáo dục. Đây là những tấm gương sáng, mẫu mực và tiêu biểu, xuất sắc nhất có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội. Những người này cũng đi đầu trong việc đổi mới quản lý giáo dục, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, quản lý, giảng dạy đạt chất lượng, hiệu quả cao…

Thế nhưng với tiêu chuẩn danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”, thầy Tường cho rằng, có những thầy, cô đã hy sinh cả một đời để cống hiến cho giáo dục và tiếp bước cho nhiều thế hệ học sinh nên người. Do đó, thầy mong rằng với tiêu chuẩn tài năng sư phạm, sáng kiến hoặc đề tài nghiên cứu khoa học cần có sự linh động. Bởi thầy cô vùng khó chủ yếu dạy học, quan tâm nhiều đến đời sống học sinh nên ít có thời gian để thực hiện các sáng kiến hoặc đề tài nghiên cứu.

Theo thầy Tường, giáo dục vùng khó có đặc thù riêng nên chăng cần có phụ lục dành cho giáo viên vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để thầy, cô được công nhận. Thay vì đề tài nghiên cứu khoa học, có thể thay thế bằng bài viết, hoặc những việc làm của cá nhân mang lại lợi ích cho xã hội, học sinh và được nhà trường, ngành Giáo dục xác nhận. Bên cạnh đó, thầy cũng mong thủ tục, hồ sơ được rút gọn, đơn giản và thuận lợi hơn để nhiều thầy, cô tiêu biểu được công nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ