Mong chính sách nhân văn sớm được triển khai

GD&TĐ - Chia sẻ về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, nhiều nhà giáo rất phấn khởi và cho rằng việc tăng lương cho nhà giáo và miễn học phí cho HS đến cấp THCS là chính sách hết sức nhân văn. 

Mong chính sách nhân văn sớm được triển khai

Bên cạnh đó, chính sách tiền lương cũng cần quan tâm đến đội ngũ nhà giáo làm cán bộ quản lý giáo dục. Khi nghề giáo có sự hấp dẫn sẽ tự khắc thu hút được người giỏi, chất lượng giáo dục sẽ được cải thiện…

Thầy Hồ Văn Luyến - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tầm Vu, huyện Châu Thành A (Hậu Giang): “Rất cần chính sách tiền lương phù hợp cho nhà giáo”

Khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, đội ngũ nhà giáo chúng tôi rất quan tâm. Chúng tôi rất vui mừng khi Bộ đã “điểm” trúng nhiều vấn đề cần phải giải quyết để đưa ngành GD-ĐT phát triển theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện. Trong đó, chính sách tiền lương cho nhà giáo và việc miễn học phí cho HS tới cấp THCS là vấn đề được nhiều nhà giáo, phụ huynh và HS quan tâm.

Vấn đề lương của nhà giáo bấy lâu nay luôn được cả xã hội quan tâm, mặt dù có nhiều chính sách để nhà giáo sống được bằng lương nhưng hiện nay có nhiều nhà giáo còn gặp khó khăn trong cuộc sống, nhất là những giáo viên mới ra trường. Theo tôi tính toán, một giáo viên mới ra trường hiện nay lương khoảng 2 - 3 triệu đồng.

Nếu độc thân, chưa có gia đình và chưa có con thì có thể tạm sống được. Nếu ai có lập gia đình, có con thì với đồng lương này so với vật giá hiện nay thì cuộc sống chật vật lắm! Cũng theo chia sẻ của nhiều giáo viên mới ra trường, để đảm bảo được cuộc sống và bám trường, bám lớp, đa số họ phải nhờ sự hỗ trợ từ gia đình. Nhiều giáo viên còn chia sẻ rằng họ ngại lập gia đình vì sợ cuộc sống của vợ chồng nhà giáo không đảm bảo!

Do đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã “điểm” trúng những khó khăn nhất mà đội ngũ nhà giáo đang gặp phải, đó là đồng lương - thu nhập chính của nhà giáo. Trong Dự thảo Luật có nêu: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”, là hết sức phù hợp và chúng tôi rất đồng tình, ủng hộ.

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải quan tâm đến đội ngũ làm công tác quản lý ở các Phòng GD&ĐT, các Sở GD&ĐT. Nếu chúng ta nêu khái niệm “nhà giáo” để chỉ những người đang đứng lớp là chưa đủ, mà cần phải bao gồm luôn những người làm công tác quản lý giáo dục.

Đây là đội ngũ đóng vai trò rất quan trọng, họ làm công tác điều hành, quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ; đa số họ là những người có năng lực, có uy tín, được điều chuyển từ các trường phổ thông lên. Do đó, Dự thảo Luật nên bổ sung chính sách tăng lương cho cả cán bộ quản lý giáo dục, nếu không thì cán bộ quản lý giáo dục rất thiệt thòi.

Thầy Mai Văn Sang - Giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa, huyện Tam Bình (Vĩnh Long): “Ủng hộ chính sách nhân văn”

Chúng tôi đồng tình và thống nhất cao, đặc biệt là những vấn đề mà Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đề ra, trong đó có chính sách cho nhà giáo và HS. Đặc biệt chính sách về tiền lương của nhà giáo và chính sách miễn học phí cho HS đến cấp THCS được cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và HS đồng tình ủng hộ.

Để đưa Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT vào cuộc sống, hiện nay cần phải đưa nội dung lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp vào Luật.

Khi lương của nhà giáo được đảm bảo, đủ sống góp phần giúp nâng cao đời sống nhà giáo, từ đó các thầy cô yên tâm công tác, cống hiến cho ngành; đồng thời thu hút được nhiều người giỏi vào sư phạm. Khi nghề giáo có sự hấp dẫn sẽ tự khắc thu hút được người giỏi, thầy cô sẽ có điều kiện để chuyên tâm cho lớp học. Hy vọng với những chính sách mới, các giáo viên có thể an tâm đứng lớp, giữ lửa với nghề cao quý nhất.

Việc miễn học phí cho HS tới cấp THCS trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Vì căn cứ vào thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay cũng như yêu cầu phát triển nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục THCS và phân luồng HS. Vì vậy, phải có cơ chế thích hợp để thực hiện phổ cập giáo dục.

Nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi mà đời sống phụ huynh và HS còn nhiều khó khăn, việc miễn học phí tới cấp THCS sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí học hành cho phụ huynh. Đơn cử trong những lớp tôi đang dạy, có lớp 5 - 6 em HS thuộc diện hộ nghèo, hằng ngày gia đình các em phải làm thuê, làm mướn. Họ lo cho con đến trường đã khó rồi nên việc đóng học phí lại càng khó hơn. Theo tôi, miễn học phí cho HS đến cấp THCS là chính sách nhân văn, sẽ kéo giảm tỷ lệ HS bỏ học và giảm áp lực tài chính cho phụ huynh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.