Môn Sinh Học trong Chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Sinh học là môn học được lựa chọn trong nhóm môn khoa học tự nhiên ở giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp. Thời lượng môn học cho mỗi lớp là 105 tiết/năm học, dạy trong 35 tuần. Trong đó, thời lượng dành cho nội dung cốt lõi là 70 tiết.

Thực hành môn Sinh học của HS bậc THCS
Thực hành môn Sinh học của HS bậc THCS

Mục tiêu quan trọng

GS Đinh Quang Báo - Chủ biên chương trình (CT) môn Sinh học cho biết - môn Sinh học góp phần hình thành, phát triển ở học sinh (HS) các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung cốt lõi và năng lực chuyên môn; phát triển ở HS năng lực nhận thức kiến thức sinh học, năng lực tìm tòi, khám phá thế giới sống và năng lực vận dụng kiến thức sinh học vào thực tiễn thông qua việc hệ thống hoá, củng cố kiến thức, phát triển kỹ năng và giá trị cốt lõi của sinh học đã được học ở giai đoạn giáo dục cơ bản. CT môn Sinh học cũng giúp HS tiếp tục tìm hiểu các khái niệm, quy luật sinh học làm cơ sở khoa học cho việc ứng dụng tiến bộ sinh học, nhất là tiến bộ của công nghệ sinh học vào thực tiễn đời sống; trên cơ sở đó HS định hướng được ngành nghề để tiếp tục học và phát triển sau THPT.

Trả lời câu hỏi “Mục tiêu định hướng nghề nghiệp được thể hiện trong CT môn Sinh học như thế nào?”, GS Đinh Quang Báo cho biết, CT định hướng theo 2 giai đoạn; giai đoạn 1 được coi như nền tảng cốt lõi phổ thông đã hoàn thành, giai đoạn 2 được linh hoạt thiết kế theo hướng gắn với ứng dụng công nghệ. Nội dung sinh học được lựa chọn dựa trên các lĩnh vực công nghệ sinh học hiện đại. Ví dụ: Công nghệ tế bào, sinh học phân tử, di truyền học người, sinh thái nhân văn… Nội dung sinh học đi theo logic để tạo mô hình ứng dụng công nghệ sinh học.

Giới thiệu nhập môn Sinh học được giới thiệu các lĩnh vực ngành nghề liên quan đến tri thức sinh học. Trong mỗi chủ đề nội dung đều giới thiệu các ngành nghề liên quan đến chủ đề nội dung đó, mỗi chuyên đề cố gắng đi sâu vào một số lĩnh vực ngành nghề. Trong các năng lực môn học hướng tới năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn được mô tả thành cấu trúc rõ ràng để trong dạy học GV hướng tới hình thành và phát triển năng lực cho HS.

“Phương pháp dạy học cố gắng tạo ra các tình huống ứng dụng để vừa học nội dung lý thuyết vừa giải quyết vấn đề ứng dụng thực tiễn lý thuyết đã học. Trong định hướng kiểm tra đánh giá cố gắng kiểm tra khả năng HS sử dụng kiến thức sinh học giải quyết vấn đề thực tiễn và ứng dụng công nghệ. Việc giới thiệu các ngành nghề chưa có điều kiện cho HS thực hành nghề sinh học hiện đại vì đòi hỏi nhiều trang thiết bị phổ thông chưa đáp ứng nên một số quy trình công nghệ được giới thiệu bằng các video/clip và khuyến khích cho HS tham quan các cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại” - GS Đinh Quang Báo chia sẻ thêm.

Các tiết thực hành thông qua hướng dẫn của giáo viên giúp học sinh phát huy đầy đủ khả năng trong môn học
  • Các tiết thực hành thông qua hướng dẫn của giáo viên giúp học sinh phát huy đầy đủ khả năng trong môn học

Thể hiện rõ định hướng phát triển năng lực

Với yêu cầu cần đạt về phẩm chất, GS Đinh Quang Báo cho biết: Môn Sinh học giáo dục cho HS tình yêu thiên nhiên; tự hào với sự đa dạng và phong phú của tài nguyên sinh vật Việt Nam, đồng thời giáo dục các em trách nhiệm công dân trong việc giữ gìn, phát huy, bảo tồn sự đa dạng, phong phú của tài nguyên sinh vật trên Trái đất. HS sẽ được giáo dục, rèn luyện các đức tính như chăm chỉ, trung thực trong học tập, trong tìm tòi, khám phá khoa học, thái độ và trách nhiệm đúng đắn trong bảo vệ môi trường, phát triển bền vững quốc gia, toàn cầu... Tất cả những phẩm chất đó được giáo dục theo cách tích hợp xuyên suốt các chủ đề nội dung môn Sinh học.

Yêu cầu cần đạt về năng lực chung, môn Sinh học có nhiều ưu thế hình thành và phát triển các năng lực chung: Năng lực tự chủ và tự học; năng lực giao tiếp và hợp tác; năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Về năng lực đặc thù: Môn Sinh học hình thành và phát triển cho HS các năng lực sinh học: Nhận thức kiến thức sinh học; tìm tòi và khám phá thế giới sống; vận dụng kiến thức sinh học vào thực tiễn. Các năng lực chuyên môn này được thể hiện theo các mức độ từ thấp lên cao gắn với các chủ đề sinh học từ lớp 10 - 12.

 

Thực chất của việc hình thành, phát triển năng lực là tổ chức học tích hợp. Vì vậy, nội dung CT thiết kế các chủ đề mang tính khái quát, ở đó kết nối được nhiều nội dung khác nhau mà trước đây rời rạc. Chính kết nối ấy vừa có tác dụng nhận thức kiến thức khách quan hơn, đồng thời qua đó HS có khả năng nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức vào thực tiễn, vì khi vận dụng kiến thức vào thực tiễn đòi hỏi HS không chỉ vận dụng kiến thức của một môn học mà của nhiều môn học khác. Khi đánh giá cần đánh giá thông qua HS giải quyết các tình huống. Thực chất các tình huống là các bài tập, câu hỏi, dự án đòi hỏi tích hợp các kiến thức, kĩ năng, thái độ ở những phạm vi khác nhau.


GS Đinh Quang Báo

Nói cụ thể về năng lực nhận thức sinh học, GS Đinh Quang Báo nhắc đến việc trình bày, giải thích, vận dụng được các kiến thức sinh học cốt lõi về các đối tượng, sự kiện, khái niệm và các quá trình sinh học; những thuộc tính cơ bản về các cấp độ tổ chức sống từ phân tử, tế bào, cơ thể, quần thể, quần xã – hệ sinh thái, sinh quyển. Từ nội dung kiến thức sinh học về các cấp độ tổ chức sống, HS khái quát được các đặc tính chung của thế giới sống là trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng; sinh trưởng và phát triển; cảm ứng; sinh sản; di truyền, biến dị và tiến hoá.

Năng lực tìm hiểu thế giới sống: Tìm tòi, khám phá các hiện tượng trong tự nhiên và trong đời sống liên quan đến sinh học, bao gồm: Đề xuất vấn đề; đặt câu hỏi cho vấn đề tìm tòi, khám phá; đưa ra phán đoán, xây dựng giả thuyết; lập kế hoạch thực hiện; thực hiện kế hoạch; viết, trình bày báo cáo và thảo luận; đề xuất các biện pháp giải quyết vấn đề trong các tình huống học tập, đưa ra quyết định...

Năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng: Giải thích những hiện tượng thường gặp trong tự nhiên và đời sống hàng ngày liên quan đến sinh học; giải thích, bước đầu nhận định, phản biện một số ứng dụng tiến bộ sinh học nổi bật trong đời sống.

Trả lời câu hỏi “Định hướng phát triển năng lực được thể hiện trong CT môn Sinh học như thế nào?”, GS Đinh Quang Báo chia sẻ: CT môn Sinh học vừa phải thể hiện năng lực chung và năng lực chuyên môn. Mỗi năng lực được mô tả thành cấu trúc với năng lực thành tố và mỗi thành tố được thể hiện bằng các kĩ năng tiến trình/các động từ hành động.

Khi tổ chức dạy học từng chủ đề nội dung cần tích hợp cả năng lực chung và năng lực chuyên môn. Việc tích hợp này được thể hiện ở yêu cầu cần đạt/chuẩn đầu ra, được mô tả bằng các động từ hành động thể hiện ở những mức độ khác nhau của năng lực. Các mức độ này đã được kí hiệu trong các bảng mô tả năng lực.

Dựa vào các động từ hành động/ kĩ năng tiến trình để khi biên soạn SGK và khi tổ chức dạy học thiết kế một chuỗi các tình huống yêu cầu HS giải quyết để bộc lộ năng lực vì HS phải sử dụng tích hợp các kiến thức, kĩ năng khác nhau theo các phạm vi khác nhau. Ngoài ra, trong dạy học cần sử dụng các PPDH tích cực như dự án, trải nghiệm, thực hành nhằm phát triển năng lực người học.

Những kế thừa từ CT hiện hành

CT môn Sinh học tuân thủ việc kế thừa CT hiện hành, vì quá trình phát triển CT đi theo đường xoắn ốc. CT mới kế thừa CT hiện hành ở những điểm sau:

Các đơn vị nội dung kiến thức được cấu trúc lại theo định hướng tích hợp phát triển năng lực và ngành nghề. CT mới không làm đảo lộn trật tự kế hoạch thực hiện tiến trình dạy học các nội dung ở các lớp. Điều này thuận lợi cho GV vốn đang quen với sự sắp xếp kế hoạch hiện nay. Điều này cũng phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của HS phổ thông. CT mới cũng tiếp tục quán triệt tiếp cận hệ thống để xác định các cấp độ tổ chức của thế giới sống. Chú trọng phát triển kĩ năng thực hành thí nghiệm và ứng dụng thực tiễn; Vẫn định hướng dạy học tích cực.

CT môn Sinh học mới cũng tiếp cận với xu hướng thế giới, thể hiện ở việc: Khi xác định các năng lực chuyên môn và các kĩ năng tiến trình đã tiếp thu xu hướng thế giới. Việc lựa chọn nội dung phản ánh các thành tựu sinh học hiện đại của thế giới cả về lý thuyết và công nghệ. Việc thiết kế các chủ đề, các mạch nội dung cũng tham khảo CT của các nước trên thế giới. Hiện nay, trên thế giới có xu hướng dạy khái quát hóa nội dung nên CT đã được thiết kế theo xu hướng đó, thể hiện sự tiếp cận tích hợp các mạch nội dung. Các phương pháp dạy học đặc biệt là tổ chức học tập trải nghiệm và kiểm tra đánh giá HS đều tiếp cận xu hướng thế giới.

Bài 2: Nội dung cốt lõi và điểm mới về phương pháp giáo dục

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ