Giáo viên sẽ không gặp khó khăn
- Các trường sư phạm có những mã ngành mới nào để đào tạo giáo viên thích ứng với chương trình mới môn GDTC, thưa ông?
- Đối với chương trình GDTC mới, các mã ngành đào tạo thể dục thể thao, đào tạo ở các khoa GDTC hiện nay đủ để đảm nhiệm việc giảng dạy, chỉ cần điều chỉnh, bổ sung một số nội dung các môn thể thao phù hợp vào các chương trình hiện hành là đủ để đáp ứng với yêu cầu chung.
- Theo ông, GV khi dạy chương trình mới sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì?
- Nhìn chung đối với các GV đã được đào tạo tại các trường thể dục thể thao (TDTT); trường sư phạm TDTT; các khoa GDTC thì việc thực hiện dạy chương trình mới không gặp nhiều khó khăn. Về cơ bản, các trường TDTT và khoa GDTC đã đào tạo theo hướng năng lực, theo truyền thống của hoạt động TDTT.
Vì vậy, để bám sát với chương trình mới, cần tập huấn cho GV về nội dung chương trình giảng dạy nhằm phát triển phẩm chất và năng lực cho người học, cách kiểm tra đánh giá theo định hướng mới phù hợp với năng lực HS. Ngoài ra, do tính tự chọn theo hướng mở trong chương trình nên cần phải tập huấn cho GV về một số nội dung giảng dạy của các môn thể thao (như võ, đá cầu, khiêu vũ thể thao, thể dục nhịp điệu…) mà họ còn ít được tập luyện.
Lưu ý về phương pháp dạy học
- Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển phẩm chất trong môn học GDTC, việc định hướng vận dụng các phương pháp dạy học được thể hiện như thế nào trong chương trình môn học?
- Để thực hiện mục tiêu phát triển phẩm chất của môn học GDTC, cần lựa chọn những phương pháp dạy học phù hợp, có ưu thế góp phần bồi dưỡng phẩm chất cụ thể như:
Thông qua việc tổ chức các hoạt động học tập, GV giúp HS rèn luyện tính trung thực, tình cảm bạn bè, tính đồng đội, tinh thần trách nhiệm và ý thức tự giác, chăm chỉ tập luyện để phát triển hài hoà về thể chất, tinh thần, có những phẩm chất và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, có sức khỏe, có văn hóa, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
- Để thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển năng lực chung cũng như năng lực đặc thù của môn học GDTC, trong chương trình môn học, việc định hướng vận dụng các phương pháp dạy học để bồi dưỡng năng lực được thể hiện như thế nào?
- Để thực hiện mục tiêu phát triển năng lực chung cũng như năng lực đặc thù của môn học GDTC, cần lựa chọn những phương pháp dạy học phù hợp, có ưu thế góp phần bồi dưỡng năng lực cụ thể.
Để giúp HS phát triển các năng lực chung, GV cần tổ chức cho HS thực hiện các hoạt động tìm tòi, khám phá, đặc biệt là tra cứu thông tin, thiết kế và thực hiện các bài tập thực hành để nâng cao năng lực tự chủ và tự học ở HS.
Môn học GDTC có nhiều lợi thế trong hình thành và phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác khi HS thường xuyên được thực hiện các bài thực hành, các trò chơi, các hoạt động thi đấu có tính đồng đội. Đặc biệt, khi thực hiện các nhiệm vụ học tập này, HS cần được trao đổi, trình bày, chia sẻ và phối hợp với đồng đội thực hiện ý tưởng. Đây là những cơ hội để HS có thể hình thành và phát triển năng lực hợp tác và giao tiếp.
Giải quyết vấn đề và sáng tạo cũng là ưu thế của môn học GDTC. Thông qua các hoạt động luyện tập, trò chơi, thi đấu, GV cần tạo cơ hội cho HS vận dụng kiến thức để phát hiện vấn đề và đề xuất cách giải quyết, biết cách lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch để giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Vận dụng phương pháp học tập và hình thức làm việc theo nhóm, GV cũng sẽ giúp HS phát hiện và giải quyết vấn đề một cách khách quan, trung thực trên cơ sở phân tích khoa học.
Hình thành, phát triển năng lực đặc thù cho HS, cụ thể là năng lực chăm sóc sức khỏe, GV cần chú ý tạo cho HS cơ hội huy động những hiểu biết, kinh nghiệm sẵn có để hình thành ý thức và kiến thức về chăm sóc sức khỏe; đồng thời vận dụng phương pháp dạy học tình huống, tăng cường giao nhiệm vụ ở nhà, phối hợp với cha mẹ HS giúp đỡ HS xây dựng nền nếp giữ gìn vệ sinh, chăm sóc sức khỏe bản thân.
Hình thành, phát triển năng lực vận động cơ bản, cần tận dụng ưu thế của GDTC là một loại hình GD mà nội dung chuyên biệt là dạy học vận động (động tác) và sự phát triển có chủ định các tố chất vận động của con người. Các giai đoạn dạy học động tác nhằm hình thành ở người học kĩ năng vận động, khả năng vận dụng vào thực tế.
Việc tổ chức các hoạt động, trang bị kiến thức và hình thành kĩ năng vận động (kĩ năng thực hiện bài tập, động tác và trò chơi vận động...) thông qua dạy học động tác và tổ chức các hoạt động, giúp cho HS hình thành và phát triển được các tổ chất thể lực cơ bản như: Nhanh, mạnh, bền, khéo léo và mềm dẻo; khả năng thích ứng của cơ thể; trí nhớ vận động.
Hình thành, phát triển năng lực hoạt động TDTT, GV cần vận dụng nguyên tắc giáo dục cá biệt, quan tâm phát hiện và hướng dẫn HS tập luyện các môn TDTT phù hợp với sở thích, sở trường; tạo cơ hội cho HS được quan sát và tham gia các trò chơi, các hoạt động cổ vũ và thi đấu thể thao, từ đó khơi dậy niềm đam mê hoạt động thể dục thể thao, khả năng hoạt động thể dục thể thao, phát triển khả năng trình diễn và thi đấu.
|
Chủ động xây dựng kế hoạch và chuẩn bị điều kiện dạy học
- Trong chương trình GDTC, HS sẽ được lựa chọn nhiều môn thể thao. Theo ông, liệu các trường có đủ điều kiện để dạy và học không?
- Chương trình môn GDTC là chương trình có nhiều lựa chọn cho nhà trường và HS. Các nhà trường căn cứ vào điều kiện sân tập, dụng cụ, trang thiết bị dạy học; căn cứ vào đội ngũ GV giảng dạy môn GDTC; căn cứ vào đặc điểm khí hậu và đặc thù phong trào thể thao theo vùng miền (môn thể thao có thế mạnh của địa phương) để lựa chọn các môn phù hợp đưa vào chương trình giảng dạy cho HS.
Trên cơ sở các môn thể thao của nhà trường lựa chọn, HS được lựa chọn môn thể thao phù hợp với năng khiếu, sở thích của bản thân để học tập. Vì vậy, các trường phổ thông chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện đáp ứng cho hoạt động dạy - học môn GDTC.
Đồng thời để có thể đáp ứng được nguyện vọng của HS về các môn thể thao hiện nay các nhà trường cần nỗ lực nhiều và có kế hoạch để từng bước xây dựng cơ sở vật chất. Linh hoạt trong việc hướng dẫn HS lựa chọn những môn thể thao mà nhà trường và GV chủ động thực hiện được; hoặc có thể liên kết với các cơ sở trong và ngoài ngành GD để tổ chức các lớp học trong và ngoài nhà trường; hoặc có thể gửi HS đến các cơ sở TDTT (các Câu lạc bộ, các trung tâm TDTT…) để học tập.
- Địa phương và nhà trường khi tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học môn GDTC theo Chương trình mới thì có quyền tự chủ như thế nào?
- Chương trình môn học GDTC là chương trình có nhiều lựa chọn cho nhà trường và HS. Căn cứ vào điều kiện dạy học cụ thể của nhà trường, GV và HS lựa chọn các hoạt động GDTC và thể thao phù hợp với tình hình thực tế, trên cơ sở bảo đảm đáp ứng các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực quy định trong chương trình.
Đầu năm học, GV và nhà trường căn cứ vào kết quả kiểm tra sức khoẻ tại trường hoặc giấy chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền, sắp xếp cho HS học những nội dung phù hợp và đề ra các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho HS trên cơ sở tất cả HS đều được tham gia học tập và rèn luyện với nội dung phù hợp.
Căn cứ vào thực tế của địa phương, thể lực và nguyện vọng của HS, nhà trường tổ chức dạy học và giúp HS lựa chọn môn thể thao phù hợp, bao gồm các môn thể thao được tổ chức trong Hội khỏe Phù đổng các cấp, trong hệ thống giải thi đấu quốc gia, quốc tế và các môn thể thao truyền thống của địa phương...
- Xin cảm ơn ông!