Môn Mĩ Thuật trong Chương trình giáo dục phổ thông mới

GD&TĐ - Mĩ thuật là môn học thuộc lĩnh vực GD nghệ thuật. Chương trình (CT) môn Mĩ thuật vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới, vừa chú trọng kế thừa và phát huy những ưu điểm của CT môn Mĩ thuật hiện hành.

Học sinh hào hứng với những tiết Mĩ thuật. Ảnh minh họa/INT
Học sinh hào hứng với những tiết Mĩ thuật. Ảnh minh họa/INT

Những điểm đáng lưu ý được kế thừa

ThS.GVC Nguyễn Thị Đông - Chủ biên CT môn Mĩ thuật - chia sẻ: CT mới môn Mĩ thuật tiếp tục mục tiêu GD mĩ thuật, giúp HS có những kiến thức ban đầu về mĩ thuật, hình thành những hiểu biết cơ bản cần thiết về đường nét, hình khối, màu sắc, đậm nhạt…; có hiểu biết sơ lược về mĩ thuật Việt Nam và thế giới; rèn luyện kĩ năng quan sát, qua đó phát triển tư duy, trí tưởng tượng, sáng tạo, thực hành và phân tích được sơ lược một số tác phẩm mĩ thuật Việt Nam và thế giới, biết vận dụng kĩ năng đó vào cuộc sống; bước đầu cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống, con người, vẻ đẹp của một số tác phẩm mĩ thuật.

CT môn học tiếp tục thể hiện quan điểm: GD thẩm mĩ, tính phổ cập, tính ứng dụng, tính liên thông và tăng cường thực hành. Đồng thời, kế thừa cơ bản mạch nội dung dạy học các phân môn: Vẽ theo mẫu, vẽ trang trí, vẽ tranh, thường thức mĩ thuật, tập nặn, tạo dáng và một số nội dung thủ công các lớp 1, 2, 3 (môn Thủ công, Kĩ thuật). Tuy nhiên, các nội dung này được tổ chức lại và phát triển theo hai mạch nội dung Mĩ thuật tạo hình và Mĩ thuật ứng dụng, gắn với yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù.

CT cũng tiếp tục vận dụng các phương pháp dạy học (PPDH) quy định trong CT Mĩ thuật hiện hành. Ví dụ: PP trực quan; PP quan sát; PP gợi mở, vấn đáp; PP luyện tập; PP hợp tác theo nhóm; PP trò chơi. Các PP này trong CT mới chú trọng vận dụng linh hoạt trong thực hành và thảo luận mĩ thuật, đồng thời phối hợp với các PP, hình thức DH tích cực, nhằm quán triệt quan điểm dạy học “lấy người học làm trung tâm” trong tiến trình GD.

Để hình thành, phát triển hoạt động phân tích và đánh giá thẩm mĩ ở HS, trong tổ chức dạy học, giáo viên khích lệ HS tích cực tham gia hoạt động học tập; vận dụng đa dạng các PP, hình thức tổ chức dạy học, tạo điều kiện để HS được tiếp cận và khám phá nghệ thuật bằng nhiều cách khác nhau (trưng bày, triển lãm, nhận xét, thảo luận, chia sẻ, nói, viết, biểu đạt ngôn ngữ cơ thể, diễn hoạt hình ảnh…); kết hợp liên hệ truyền thống văn hóa, bối cảnh xã hội và khai thác thiết bị công nghệ, nguồn Internet; quan tâm đến sự khác biệt về giới tính, đa dạng sắc tộc, đặc điểm văn hoá vùng miền và tính thời đại; các yếu tố này cần được cân nhắc, phù hợp với đặc điểm tâm - sinh lí lứa tuổi HS và điều kiện dạy học thực tế; đồng thời, cần chú ý đến mối liên hệ và tương tác giữa các thành phần năng lực khác của năng lực mĩ thuật trong tiến trình dạy học. Qua đó, HS thể hiện sự tự hào về sản phẩm mĩ thuật do mình tạo nên, tôn trọng sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật của người khác và biết tự đánh giá quá trình học tập.

Bên cạnh việc kế thừa những ưu điểm của CT Mĩ thuật hiện hành, CT môn Mĩ thuật đổi mới lần này tiếp cận với xu hướng quốc tế dựa trên cơ sở nghiên cứu CT môn học của một số quốc gia, vùng lãnh thổ, kết hợp tham vấn chuyên gia tư vấn quốc tế về giáo dục Mĩ thuật, rút ra các xu hướng chung trong xây dựng CT môn Mĩ thuật có thể vận dụng vào trường phổ thông Việt Nam. Cụ thể CT môn Mĩ thuật học tập kinh nghiệm tập trung ở một số phương diện sau: Xác định thành phần năng lực đặc thù và xây dựng yêu cầu cần đạt; lựa chọn nội dung dạy học; định hướng PPDH và đánh giá kết quả GD.

Điểm mới trong chương trình môn học

Nói về những điểm mới nổi bật trong CT môn Mĩ thuật, ThS.GVC Nguyễn Thị Đông cho biết: CT được xây dựng theo định hướng hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực HS; lần đầu tiên được dạy học ở cấp THPT. CT bảo đảm dạy học tích hợp, dạy học phân hóa và định hướng nghề nghiệp. Ở giai đoạn GD cơ bản, môn học là nội dung GD bắt buộc; ở giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp, môn học là nội dung GD lựa chọn.

CT xây dựng theo hướng mở, thể hiện ở việc không quy định cụ thể nội dung GD mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù của môn học. Việc lựa chọn nội dung GD để biên soạn SGK dành quyền chủ động cho tác giả; việc tổ chức GD, kiểm tra đánh giá… dành quyền chủ động cho các cơ sở GD và giáo viên miễn là đáp ứng các yêu cầu cần đạt được quy định trong CT.

CT chú trọng đổi mới PP, vận dụng đa dạng hình thức, không gian học tập, các chất liệu, vật liệu sưu tầm, tái sử dụng trong thực hành, sáng tạo; chú trọng lồng ghép, tích hợp hoạt động thực hành và thảo luận, HS đồng thời vừa là “người sáng tạo nghệ thuật” vừa là “người thưởng thức nghệ thuật”.

CT cũng đổi mới đánh giá, trọng tâm là đánh giá năng lực mĩ thuật, một biểu hiện của năng lực thẩm mĩ; kết hợp đánh giá quá trình với đánh giá tổng kết thông qua sử dụng những công cụ đánh giá như quan sát, nhận xét sản phẩm, dự án học tập, hồ sơ học tập…; tạo cơ hội để HS tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng.

Mĩ thuật là môn học phát huy tối đa khả năng sáng tạo của HS
  • Mĩ thuật là môn học phát huy tối đa khả năng sáng tạo của HS

Mục tiêu và yêu cầu cần đạt

Theo ThS.GVC Nguyễn Thị Đông, CT Mĩ thuật giúp HS đạt được các mục tiêu chủ yếu sau: Hình thành, phát triển năng lực mĩ thuật dựa trên kiến thức và kĩ năng mĩ thuật; nhận thức được mối quan hệ giữa mĩ thuật với đời sống, xã hội và các loại hình nghệ thuật khác. Có ý thức trân trọng di sản văn hoá, nghệ thuật và khả năng ứng dụng kiến thức, kĩ năng mĩ thuật vào đời sống. Có hiểu biết tổng quát về ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác và khả năng định hướng được nghề nghiệp cho bản thân. Trải nghiệm và khám phá mĩ thuật thông qua nhiều hình thức hoạt động; góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

CT môn học chú trọng hình thành, phát triển năng lực mĩ thuật – biểu hiện của năng lực thẩm mĩ với các thành phần: Quan sát và nhận thức thẩm mĩ, sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ, phân tích và đánh giá thẩm mĩ. Mô hình khái quát năng lực đặc thù của môn học như sau:

Để hình thành, phát triển hoạt động quan sát và nhận thức thẩm mĩ ở HS, trong tổ chức dạy học, giáo viên khuyến khích và tạo cơ hội để HS được quan sát, nhận thức về đối tượng thẩm mĩ từ bao quát, tổng thể đến chi tiết, bộ phận và đối chiếu, so sánh để tìm ra đặc điểm, vẻ đẹp và phát hiện các giá trị thẩm mĩ của đối tượng. Tùy theo nội dung, mục đích dạy học và tâm lí lứa tuổi, khả năng nhận thức của HS, giáo viên đặt ra yêu cầu quan sát một cách phù hợp, nhằm thúc đẩy, phát triển ở HS ý thức tìm tòi, khám phá cuộc sống, môi trường xung quanh và thưởng thức nghệ thuật. Quan sát, nhận thức thẩm mĩ cần được kết hợp, lồng ghép trong hoạt động thực hành sáng tạo, thảo luận, phân tích, đánh giá thẩm mĩ của tiến trình dạy học và liên hệ, ứng dụng thực tiễn.

Để hình thành, phát triển hoạt động sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ ở HS, trong tổ chức dạy học, giáo viên vận dụng các yếu tố kích thích khả năng thực hành, sáng tạo của HS bằng những cách thức khác nhau; khuyến khích HS thử nghiệm và đổi mới, kích thích tư duy, khả năng giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và liên hệ, ứng dụng thực tiễn. Đồng thời, cần có những hướng dẫn cụ thể để HS chủ động chuẩn bị, sẵn sàng học tập, sáng tạo nhằm tăng cường ý thức trách nhiệm, thúc đẩy sự hứng khởi ở HS.

Khi sử dụng các PP, kĩ thuật dạy học, giáo viên cần tích hợp, lồng ghép hoạt động thực hành, sáng tạo, ứng dụng thẩm mĩ với thảo luận, cũng như kết hợp quan sát, nhận thức và phân tích, đánh giá thẩm mĩ trong tiến trình dạy học. Đặc biệt cần lưu ý, không phải HS nào cũng có khả năng (năng khiếu) thể hiện sự khéo léo cần thiết cho sáng tạo, vì vậy, PPDH cần đánh thức trí tò mò của HS về văn hóa thị giác, giúp các em mạnh dạn, tự tin trong học tập, thực hành, trao đổi, nhận xét để khi trưởng thành, các em vẫn có khả năng tiếp nhận và quan tâm đến lĩnh vực mĩ thuật.

____________________

Bài 2: Thay đổi cơ bản trong nội dung chương trình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ