Môn Mĩ thuật trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới

GD&TĐ - ThS.GVC Nguyễn Thị Đông – Chủ biên chương trình (CT) môn Mĩ thuật – cho biết: CT môn Mĩ thuật phát triển hai mạch nội dung Mĩ thuật tạo hình và Mĩ thuật ứng dụng, trong đó nền tảng kiến thức cơ bản dựa trên các yếu tố và nguyên lí tạo hình. Nội dung GD mĩ thuật được phân chia theo hai giai đoạn: Giai đoạn GD cơ bản và giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp.

Học sinh phát triển tốt tư duy sáng tạo thông qua môn Mĩ thuật
Học sinh phát triển tốt tư duy sáng tạo thông qua môn Mĩ thuật

Hai mạch nội dung

- Bà có thể chia sẻ những thay đổi cơ bản trong nội dung CT môn Mĩ thuật?

- Ở giai đoạn GD cơ bản: Mĩ thuật là nội dung GD bắt buộc từ lớp 1 - 9. CT tạo cơ hội cho HS làm quen, trải nghiệm kiến thức mĩ thuật thông qua nhiều hình thức hoạt động; hình thành, phát triển ở HS khả năng quan sát và cảm thụ nghệ thuật, nhận thức và biểu đạt thế giới; khả năng cảm nhận và tìm hiểu, thể nghiệm các giá trị văn hoá, thẩm mĩ trong đời sống và nghệ thuật.

Giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp: Mĩ thuật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của HS. Nội dung GD mĩ thuật được mở rộng, phát triển kiến thức, kĩ năng mĩ thuật đã hình thành ở giai đoạn GD cơ bản, tiếp cận các nhóm ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác và có tính ứng dụng trong thực tiễn; giúp HS phát triển tư duy độc lập, khả năng phản biện phân tích và sáng tạo nghệ thuật; hiểu được vai trò và ứng dụng của mĩ thuật trong đời sống; tạo cơ sở cho HS được tìm hiểu và có định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân dựa trên nhu cầu thực tế, thích ứng với xã hội.

Cụ thể các nội dung khái quát ở từng cấp học như sau:

Ở tiểu học, nội dung GD gồm: Lí luận và lịch sử mĩ thuật, Hội họa, Đồ họa (tranh in), Điêu khắc, Thủ công. Trong đó, nền tảng kiến thức cơ bản dựa trên tiếp cận các yếu tố và nguyên lí tạo hình; nội dung Lí luận và lịch sử mĩ thuật được giới hạn trong phạm vi làm quen với tìm hiểu tác giả, sản phẩm, tác phẩm, di sản văn hóa nghệ thuật và được giới thiệu, lồng ghép trong thực hành, thảo luận.

Ở THCS, nội dung GD gồm: Lí luận và lịch sử mĩ thuật, Hội họa, Đồ họa (tranh in), Điêu khắc, Thiết kế công nghiệp, Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang. Trong đó, nền tảng kiến thức cơ bản dựa trên các yếu tố và nguyên lí tạo hình; nội dung Lí luận và lịch sử mĩ thuật được giới hạn trong phạm vi tìm hiểu tác giả, sản phẩm, tác phẩm, di sản văn hóa nghệ thuật và được giới thiệu, lồng ghép trong thực hành, thảo luận. Ở mỗi lớp 8 và lớp 9, CT thiết kế chủ đề hướng nghiệp, giúp HS có hiểu biết ban đầu về các ngành nghề liên quan đến mĩ thuật tạo hình, mĩ thuật ứng dụng dựa trên kiến thức mĩ thuật; từ đó làm cơ sở để định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Bên cạnh việc GV, nhà trường chủ động chuẩn bị để tổ chức dạy học; phụ huynh cần hỗ trợ và đồng hành với con em trong việc chuẩn bị các điều kiện học tập, giúp các em sẵn sàng tham gia trải nghiệm, thực hành, sáng tạo mĩ thuật một cách tốt nhất, trên cơ sở phù hợp với khả năng bản thân và gia đình.

ThS.GVC Nguyễn Thị Đông

Ở THPT, các nội dung GD lựa chọn gồm: Lí luận và lịch sử mĩ thuật, Hội họa, Đồ họa (tranh in), Điêu khắc, Thiết kế công nghiệp, Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang, Thiết kế mĩ thuật sân khấu, điện ảnh, Thiết kế mĩ thuật đa phương tiện, Kiến trúc. Trong đó trọng tâm là phát triển kiến thức, kĩ năng mĩ thuật đã hình thành ở giai đoạn GD cơ bản; nội dung Lí luận và lịch sử mĩ thuật vừa được thực hiện độc lập, vừa thực hiện lồng ghép trong thực hành, thảo luận. Bên cạnh đó, CT có các chuyên đề học tập dành cho những HS yêu thích và có thiên hướng mĩ thuật, gồm: Hình họa, Trang trí, Bố cục.

Ngoài ra, ở THPT, môn Mĩ thuật còn có các chuyên đề học tập. Đây là nội dung GD lựa chọn, dành cho những HS yêu thích và có thiên hướng mĩ thuật. Mỗi năm học, HS được lựa chọn 3 chuyên đề với tổng thời lượng 35 tiết. Nội dung các chuyên đề gồm: Thực hành vẽ hình hoạ, Thực hành vẽ trang trí 1, Thực hành vẽ tranh bố cục 1, Thực hành vẽ hình họa 2, Thực hành vẽ trang trí 2, Thực hành vẽ tranh bố cục 2, Thực hành hình họa 3, Thực hành vẽ trang trí 3, Thực hành vẽ tranh bố cục 3.

Lưu ý để thực hiện thành công CT

- Giáo viên khi dạy Mĩ thuật theo CT mới sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa bà?

- Dạy học CT môn Mĩ thuật mới, giáo viên (GV) có thuận lợi khi thực hiện mạch nội dung mĩ thuật tạo hình ở các cấp học và mĩ thuật ứng dụng cấp tiểu học; đồng thời, những năm gần đây, việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học đã được các cơ sở GD, đội ngũ GV coi trọng, thực hiện. Phát huy tinh thần đổi mới này, GV sẽ có nhiều thuận lợi trong triển khai dạy học CT mới.

Tuy nhiên, thay đổi dạy học từ CT định hướng nội dung (đáp ứng mục tiêu chuẩn kiến thức, kĩ năng) sang dạy học CT phát triển phẩm chất, năng lực HS (đáp ứng yêu cầu cần đạt) sẽ có khó khăn ban đầu với GV. Đòi hỏi GV cần nghiên cứu kĩ CT, chủ động tìm hiểu những điểm mới của CT và các tài liệu liên quan, đặc biệt nội dung mĩ thuật ứng dụng; tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng dạy học CT mới…, làm cơ sở để tổ chức dạy học đáp ứng yêu cầu cần đạt trong CT.

- Để thực hiện CT, giáo viên và các cơ sở GD cần lưu ý những gì?

- Để thực hiện CT môn Mĩ thuật, tùy vào điều kiện thực tiễn ở địa phương, GV nhà trường cần chuẩn bị thiết bị dạy học cần thiết, phù hợp với nội dung GD trong CT, như: Phòng học bộ môn và đồ dùng, thiết bị trong phòng học; tranh, ảnh, mẫu vẽ…, băng đĩa hình ảnh, video, tư liệu…; hoạ phẩm, vật liệu sẵn có… và không gian học tập (trong lớp, ngoài lớp).

Ngoài đồ dùng, thiết bị dạy học tối thiểu được quy định trong danh mục do Bộ GD&ĐT ban hành, nhà trường khuyến khích GV, HS tự chuẩn bị đồ dùng, thiết bị dạy học; đồng thời, phối hợp, huy động sự giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức ở địa phương để bổ sung thiết bị dạy học phù hợp với CT.

CT môn Mĩ thuật là căn cứ để biên soạn SGK, các tài liệu hướng dẫn, chỉ đạo dạy học và đánh giá kết quả GD. Căn cứ yêu cầu cần đạt của CT, các nhà trường xây dựng, phát triển kế hoạch thực hiện CT phù hợp với đặc điểm của nhà trường, địa phương và đối tượng HS.

Giai đoạn GD cơ bản, căn cứ vào điều kiện thực tế, nhà trường có thể xây dựng thời khoá biểu luân phiên giữa các khối.

Giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp, nhà trường hướng dẫn HS lựa chọn các nội dung học tập phù hợp với sở thích ngành nghề, khả năng của bản thân; các hướng lựa chọn có thể tập trung khám phá, tìm hiểu ngành nghề liên quan đến mĩ thuật tạo hình, mĩ thuật ứng dụng hoặc kết hợp lựa chọn tìm hiểu ngành nghề vừa liên quan đến mĩ thuật tạo hình và mĩ thuật ứng dụng; đồng thời, nhà trường cần xây dựng thời khoá biểu thuận lợi cho tổ chức hoạt động dạy học phù hợp với đặc thù môn học lấy hoạt động thực hành, sáng tạo làm trọng tâm.

Với HS có năng khiếu mĩ thuật, GV chú trọng dạy các nội dung thực hành, sáng tạo đa dạng theo mức độ nâng cao dần; khích lệ HS tham gia các phong trào, hình thức hoạt động mĩ thuật trong, ngoài nhà trường phù hợp với khả năng; đồng thời, tư vấn, phối hợp với gia đình tạo cơ hội để HS phát triển năng khiếu nghệ thuật theo sở thích, thiên hướng của bản thân.

Với HS có thể trạng đặc biệt, căn cứ yêu cầu cần đạt của CT, nhà trường, GV xây dựng kế hoạch GD, vận dụng các phương pháp dạy học phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi và khả năng nhận thức, vận động của HS, giúp HS có hiểu biết thiết yếu về mĩ thuật trên cơ sở nội dung thực hành, sáng tạo ở mức độ đơn giản; đồng thời, phối hợp với gia đình, giúp HS từng bước nâng cao thể trạng bản thân và phát triển học tập, hòa nhập vào đời sống.

Với HS vùng khó khăn, nhà trường, GV xây dựng kế hoạch GD phù hợp với điều kiện thực tế, giúp HS có hiểu biết cần thiết về mĩ thuật thông qua các nội dung thực hành, sáng tạo ở mức độ đơn giản, kết hợp với hoạt động trải nghiệm gắn với đời sống thực tiễn; đồng thời, khuyến khích, động viên HS nỗ lực học tập, tham gia các hoạt động mĩ thuật phù hợp với bản thân.

- Xin cảm ơn bà!

Bài 3: Lưu ý về phương pháp giáo dục và kiểm tra, đánh giá

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.