Món đường đen của mẹ

GD&TĐ - Nhà trồng đám mía bên sông, năm nào thu hoạch ba cũng chở mía cây tới lò thuê ép, nấu được hai thùng đường đen.

Món đường đen của mẹ

Số đường ấy mẹ bán một thùng; còn một thùng để dành nhà ăn.

Thùng đường đen mẹ quản kĩ lắm: Đậy kín, cất trong buồng, con cái đứa nào muốn ăn phải hỏi xin. Mẹ “duyệt” mới được ăn, không thì đừng hòng ho he! Còn nhớ, tôi qua hàng xóm kiếm được trái cam chua, về rón rén hỏi xin mẹ ít đường để pha nước cam, mẹ hét: “Uống nước cam pha đường coi chừng sinh lãi (giun)!”.

“Sinh lãi” hay không có trời mới biết nhưng tôi dám chắc một điều: Mẹ sợ… tốn đường! Cũng phải, nhà đông người, có mỗi một thùng đường dành ăn cả năm lại còn giỗ chạp, Tết nhất…; không tiết kiệm lỡ hết giữa chừng tiền đâu mua thêm?

Cái thùng đường để dành ấy ngoài việc giỗ chạp, Tết nhất lấy làm bánh trái thì lâu lâu mẹ sẽ đem nấu chè bồi dưỡng cho cả nhà. Được ăn chè chỉ những khi trời nắng nóng hoặc vào mùa công việc nặng nhọc.

Phần đường ngon nhất ráo khô trên mặt mẹ nạy, xắn thành viên nhỏ cất vô thẩu (thố) đậy kín nắp dành cho ba tôi ăn cháo sáng trước lúc ra đồng. Lũ con lâu lâu thèm ngọt cũng được mẹ nhón, chia cho mỗi đứa một cục cầm ăn đỡ thèm.

Đường đen không rời hạt như đường cát mà kết tinh nguyên khối trong thùng; mỗi lần muốn ăn phải dùng dao hì hục xắn, nạy từng tảng rất khổ. Vậy nhưng chẳng nghe mẹ phàn nàn gì chuyện ấy. Mẹ kêu: “Khó vậy mà bây còn ăn vụng được, dễ nữa chắc chết tao…”.

Thời gian khổ ăn toàn đường đen nên lũ nhỏ đứa nào cũng thèm đường cát quá tay, tưởng tượng món gì nấu bằng đường cát cũng ngon. Con Út than: “Bác Sáu nhà giàu, nấu chè đường cát trắng tinh, dòm rõ từng hột đậu, múi mít thấy bắt ngon. Nhà mình toàn nấu đường đen, chén chè đen thui, đố biết thứ gì ở trỏng…”.

Mẹ nạt: “Chè nấu đường đen mới ngon. Thấy hay không rồi cũng ăn vô bụng, biết làm gì?”. Cứ nghĩ mẹ “bảo thủ” nên nói cứng vậy nhưng sau này lớn lên mới biết mẹ không hẳn sai khi cứ khăng khăng “chè nấu đường đen mới ngon”.

Không phải chè nào nấu đường đen cũng ngon nhưng vài món chè quê xưa (bánh canh, chè nếp…), quả thật, nấu bằng đường đen ngon hơn đường cát!

Chưa hết, bánh bò, bánh ít - hoặc vài món thạch cần trộn đường khi ăn như xu xoa, sâm nam (sương sâm)… - đều phải làm bằng đường đen hoặc ăn với nước si rô nấu từ đường đen mới lột tả được cái “thần” của món.

Nhớ có lần vợ tôi đi chợ, mua về mấy cái bánh bò làm bằng đường cát. Nhìn qua đã “ẹ” bởi bánh một màu trắng chạch, không vàng nâu quyến rũ như bánh bò làm từ đường đen truyền thống.

Ăn lại càng chán do bánh chỉ thuần vị ngọt mà không thơm, cái mùi thơm rất đặc trưng của bánh bò được tạo nên bởi hương bột lên men lẫn vào trong hương mật của đường…

Giờ thì đường đen đã gần như… kí ức. Xã hội công nghiệp hóa với ưu tiên số 1 cho nhu cầu tiện lợi đã từ lâu “khai tử” đường đen truyền thống. Muốn mua đường đen phải tìm lên phố, vào siêu thị trung tâm.

Bán cho đủ hàng chứ dường như chẳng còn mấy người mua. Có chăng, chắc cũng chỉ đôi người lãng đãng như tôi, không đơn thuần đi mua một món ăn mà còn tìm mua… hoài niệm! Mà không, là tôi mua về nấu chè cho mẹ.

Mẹ giờ sắp tới tuổi trăm, già lão móm mém vẫn cứ nhất định khăng khăng: Chè nấu đường đen ngon hơn đường cát. Vị đậm đà…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty yến sào Khánh Hòa Gà nướng cơm lam Vũng Tàu Kho tủ cơm 12 khay inox giá rẻ Lò vi sóng Bosch đức chính hãng