Mùa "săn" sứa của ngư dân làng biển
Cứ sau Tết Nguyên đán, ngư dân làng biển Hoằng Trường (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) lại tấp nập ra khơi đánh bắt sứa. Mùa khai thác sứa biển nơi đây tuy chỉ kéo dài từ 3-4 tháng trong năm, nhưng góp phần mang lại nguồn thu khá cho bà con xã biển.
Theo các ngư dân xã Hoằng Trường, mùa đánh bắt sứa biển năm nay đến muộn, sản lượng khai thác ít hơn so với thời điểm năm ngoái. Tuy nhiên, giá sứa tăng gần gấp đôi, dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/con nên bà con ngư dân rất phấn khởi, căng buồm ra khơi săn "lộc biển".
Với kinh nghiệm đánh bắt sứa hàng chục năm nay, bà Lê Thị Ảnh (xã Hoằng Trường) cho biết: Mùa sứa biển thường bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán và kéo dài đến hết tháng 4 âm lịch hàng năm. Việc đánh bắt chỉ diễn ra ở gần bờ, ít tốn kém hơn so với những nghề đánh bắt thủy, hải sản khác.
Ngoài sứa trắng, ngư dân làng biển xứ Thanh cũng khai thác, đánh bắt sứa đỏ (có nơi gọi là sứa nâu). Tuy nhiên, những năm gần đây, sản lượng đánh bắt sứa đỏ rất ít và gần như không có. Vì vậy, khi đánh bắt được sứa đỏ, bà con ngư dân chỉ để dành ăn chứ không bán cho thương lái.
Sứa đỏ thường nặng từ 8-10 kg/con, có màu đỏ đặc trưng. Hiện nay, việc khai thác loài sứa này rất hiếm, ngư dân làng biển chỉ để dành ăn chứ không bán. Ảnh: LT. |
Cũng như sứa trắng, loại sứa đỏ cũng được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: Sứa hấp chấm chẻo, nộm sứa đỏ,... Đặc biệt, người dân làng biển xứ Thanh còn chế biến sứa đỏ thành món canh chua thanh mát, giải nhiệt ngày hè.
Đánh thức vị giác với món canh chua sứa đỏ
Anh Lê Phạm Thảo (xã Hoằng Trường, Hoằng Hóa), một trong những người có kinh nghiệm chế biến món ăn này, cho biết: Canh chua sứa đỏ là món ăn “độc nhất vô nhị” của người dân Hoằng Trường. Món ăn này vị rất thanh mát, giúp chống ngán và giải nhiệt ngày hè.
“Việc đánh bắt sứa đỏ cũng tương tự như sứa trắng. Tuy nhiên, về hình dáng và trọng lượng có sự khác biệt rõ rệt. Sứa đỏ thường chỉ có trọng lượng từ 8-10 kg/con, có màu đỏ đặc trưng. Những năm gần đây, việc khai thác sứa đỏ rất ít, bà con ngư dân chỉ để dành ăn chứ không bán”, anh Thảo cho hay.
Theo anh Thảo, nguyên liệu để làm món canh chua sứa đỏ đòi hỏi phải có nước hầm xương hay nước luộc gà. Đây là mấu chốt tạo nên hương vị thơm ngon, đậm đà của món ăn này. Nếu không có nước hầm xương, có thể thay thế bằng thịt ba chỉ.
“Sứa đỏ sau khi làm sạch nhớt sẽ trần qua nước nóng khoảng 70 độ C để khử mùi hôi, tanh. Sau đó, thái sứa thành miếng vừa ăn. Để tạo độ chua cho món ăn này, bạn có thể dùng cà chua hay trái me, tùy thích. Tuy nhiên, người dân làng biển chúng tôi thường sử dụng lá vang chua sẵn có ở địa phương”, anh Thảo chia sẻ.
Ngoài các nguyên liệu kể trên, bạn có thể kết hợp cùng hàu tươi để tăng thêm hương vị thơm, ngọt cho món ăn dân dã này. Hàu tươi sau khi phi thơm cùng hành khô cho dậy mùi thì đổ phần nước hầm xương vào, nấu sôi.
Cuối cùng, cho phần sứa đỏ đã thái miếng, lá vang chua vào nồi đun sôi, nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp.
Món canh chua sứa đỏ khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được hương vị ngọt đậm đà của phần nước dùng hòa quyện cùng vị giòn, dai của thịt sứa, vừa thanh mát lại chống ngán hiệu quả. Món ăn dân dã này thường xuất hiện trong bữa ăn ngày hè của ngư dân làng biển xứ Thanh.