Bé trai chằng chịt vết thương sau khi tiếp xúc với sứa biển

GD&TĐ - Bé trai 10 tuổi, nhập viện trong tình trạng cơ thể có nhiều vết thương sâu ở phần ngực và cánh tay trái sau va chạm với sứa biển trong lúc tắm biển.

Hình ảnh tổn thương của bệnh nhân khi nhập viện do va chạm với sứa biển.
Hình ảnh tổn thương của bệnh nhân khi nhập viện do va chạm với sứa biển.

Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận nam bệnh nhi 10 tuổi trong tình trạng nhiều vết loét sâu, ranh giới rõ, trên có giả mạc đen bẩn, ngứa nhiều ở vùng tay, ngực.

Theo lời mẹ bệnh nhi kể, 2 tuần trước, bệnh nhi xuất hiện rát đỏ vùng ngực và tay trái sau khi tiếp xúc sứa biển, đau rát nhiều tại tổn thương. 2 ngày sau, tổn thương tiến triển thành bọng nước nhăn nheo, vỡ, để lại các vết trợt và ngứa rất nhiều.

Tổn thương trợt loét sâu hơn, bệnh nhi được cho đi khám và điều trị tại bệnh viện huyện, được chỉ định dùng kháng sinh tiêm, thuốc bôi không rõ loại, tổn thương đỡ ít nên đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám và có chỉ định nhập viện.

Theo BSCKII. Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em cho biết: Theo như bệnh nhi mô tả, ban đầu bệnh nhi đã bị viêm da tiếp xúc kích ứng do tiếp xúc với chất độc của sứa biển, do chăm sóc vết thương không tốt, cào gãi nhiều nên vết thương bị loét, lâu lành.

Sứa biển có các xúc tu với hàng triệu tế bào có chứa chất độc, vì vậy, nếu vô tình chạm vào sứa khi đang bơi, các chất độc này sẽ bám vào da và xâm nhập vào cơ thể. Tùy theo loại sứa có độc chất cao hay thấp mà cơ thể sẽ có những biểu hiện khác nhau.

Thông thường, nạn nhân sẽ mắc viêm da tiếp xúc kích ứng với chất độc của sứa biển, biểu hiện là nổi các sẩn đỏ, bọng nước ở vùng da tiếp xúc, lan thành vệt do cào gãi, cảm giác đau rát và ngứa nhiều.

Bệnh nhi có nhiều tổn thương loét da, ranh giới rõ, trên có nhiều giả mạc đen bẩn vùng cánh tay, ngực sau khi tiếp xúc với sứa biển 14 ngày. Ảnh: BV.
Bệnh nhi có nhiều tổn thương loét da, ranh giới rõ, trên có nhiều giả mạc đen bẩn vùng cánh tay, ngực sau khi tiếp xúc với sứa biển 14 ngày. Ảnh: BV.

Trong trường hợp nặng thì có thể xuất hiện các triệu chứng ảnh hưởng lên các cơ quan trong cơ thể. Những triệu chứng này xuất hiện một cách nhanh chóng và nặng dần lên trong vòng vài giờ sau khi bị cắn.

Biểu hiện của mức độ nặng khi bị sứa cắn đó là đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt… có thể dẫn đến ngưng thở, hôn mê và tử vong.

Xử trí đúng cách khi bị sứa cắn:

- Đưa ngay người bị sứa đốt ra khỏi vùng nguy hiểm có sứa.

- Nhổ các xúc tu bám vào da bằng dụng cụ sạch.

- Hạn chế sờ, gãi, chạm tay vào vết đốt tránh lan rộng vết thương.

- Rửa vết đốt bằng giấm, ammoniac, banking soda hay nước biển để làm sạch các chất độc. Chườm mát các vị trí tổn thương. Không sử dụng nước ngọt để rửa do sẽ làm tăng hoạt tính độc của sứa.

- Tổn thương da trên diện rộng, ngứa khó chịu nhiều nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa da liễu.

- Theo dõi người bị đốt nếu có những biểu hiện nặng như đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, phù mặt, nôn ói, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt… thì phải chở ngay đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị.

Để phòng tránh bị sứa cắn, khi đi du lịch cần hỏi trước người dân địa phương về vùng biển có nhiều sứa không, nên mặc quần áo bơi dài thân để che chắn cơ thể khi xuống nước, chú ý quan sát khi bơi để tránh va chạm với sứa biển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ