Có một nỗi sợ mà hầu như ai cũng gặp phải, thậm chí còn coi như là một cơn ác mộng, đó là sau Tết mà nhà vẫn còn... bánh chưng.
Cho dù bạn là một người thích ăn bánh chưng đi nữa, thì năm bảy ngày Tết, ngày nào cũng ăn, thì rồi cũng đến giới hạn chịu đựng thôi. Chưa kể những ai bình thường đã không coi bánh chưng là món ăn yêu thích, cả Tết cố ăn được 1 - 2 miếng, thì quả thật những tháng ngày sau Tết mà nhà còn bánh chưng là một cơn ác mộng lớn.
Mà khổ lắm, dù trước Tết đã dặn bố mẹ gói hay mua ít bánh chưng thôi, nhưng có cố gắng lắm cũng phải làm đôi cặp để thắp hương, rồi người này cho một cặp, người kia biếu một cặp... Bánh chưng chất đầy tủ lạnh. Từ bao giờ, việc mở tủ lạnh ra lại trở thành nỗi sợ lớn đến thế, thì câu trả lời chính là khi trong tủ lạnh có bánh chưng.
Bánh chưng để trong nhà, bỏ thì uổng, để lâu thì hỏng, thế nên cách duy nhất chính là hối thúc các thành viên cố ăn, ăn cho bằng hết. Người ăn khổ, người giục cũng mệt.
Sáng dậy, chuẩn bị đi học, mắt nhắm mắt mở hỏi mẹ: "Mẹ ơi, sáng nay ăn gì?", mẹ bảo: "Bánh chưng kìa, mẹ rán rồi đó!"... Một cảm giác hụt hẫng dâng lên tận bộ não.
Thật ra, bánh chưng rán không phải là không ngon. Thậm chí, nếu chịu khó cắt miếng mỏng và rán giòn lên, thì cũng "sơn hào hải vị" lắm chứ. Rồi những khi nhà đi chơi về muộn, hoặc bỗng lên cơn lười biếng mà không muốn nấu cơm thì bánh chưng rán quả là một thượng sách.
Với những ai là sinh viên học xa nhà, kiểu gì chả gồng gánh dăm ba cái bánh chưng lên ăn dần. Dù rằng, ừ thì cũng hơi ngán và ám ảnh thật, nhưng ăn bánh chưng vừa đỡ mất công nấu nướng nhiều, lại đỡ được một khoản tiền, lại chắc dạ no lâu thì cũng hợp lý lắm chứ.
Chịu khó cắt mỏng ra, rán giòn lên thế này thì cũng ngon lắm đó!
Tình hình bánh chưng nhà bạn đã "xử lý" đến đâu rồi? Cùng anh em cập nhật tình hình ngay nhé!