Môi trường tích cực, 'chìa khóa' nuôi dưỡng tính hài hước ở trẻ

GD&TĐ - “Chìa khoá” giúp trẻ hài hước là được tạo cơ hội để cùng cười với cả nhà, khám phá niềm vui từ cuộc sống. 

Trẻ em hài hước là người hạnh phúc, lạc quan và có tự trọng hơn. Ảnh minh họa.
Trẻ em hài hước là người hạnh phúc, lạc quan và có tự trọng hơn. Ảnh minh họa.

Tính hài hước luôn song hành với lối suy nghĩ lạc quan, yêu đời.

Cuộc sống của trẻ rất cần sự hài hước và tiếng cười đùa. Tuy nhiên, các phụ huynh cần cho trẻ hiểu, hài hước không có nghĩa là đùa quá trớn hay lấy điểm yếu của người khác ra trêu chọc. Đùa vui thực sự hiệu quả khi đem lại tiếng cười sảng khoái cho mọi người.

Kỹ năng có được nhờ rèn luyện

Hầu như phụ huynh nào cũng mong muốn con có đôi chút khiếu hài hước để dễ hòa nhập vào cuộc sống. Tuy nhiên, không phải tình huống hài nào của trẻ cũng mang lại sự sảng khoái. Đôi khi, vì thái quá hoặc không thích hợp mà sự hài hước đó lại là nguyên nhân dẫn đến mối bất hòa của các thành viên, làm cho tâm trạng càng trở nên tiêu cực. Hoặc, điều đó cũng có thể làm cho trẻ cảm thấy mất hứng khi mọi người không ủng hộ.

Nhiều ý kiến cho rằng, cha mẹ nên dạy trẻ hiểu rõ tính hài hước thể hiện khi nào là phù hợp, khi nào thì không nên, thế nào là hài nhảm nhí khiến mọi người khó chịu. Trẻ cần biết rằng, không nên lấy khiếm khuyết của người khác ra để đùa giỡn, giễu cợt. Hài hước làm cho mọi người đều vui vẻ là sự hài hước thông minh và cần phải học tập, rèn luyện mới có được.

Không ít phụ huynh lầm tưởng rằng sự hài hước là do gen, không thể do giáo dục mà hình thành được. Song, dưới góc độ tâm lý, khiếu hài hước cần được rèn luyện và nuôi dưỡng từ nhỏ để phát triển chứ không phải tự nhiên mà có. Trẻ thường thẩm thấu tính hài hước từ những người thân trong gia đình của mình.

Các nghiên cứu cho thấy, hài hước giúp trẻ dễ dàng giải quyết những “chướng ngại vật” của thời thơ ấu, như sự khác biệt giữa bản thân và bạn bè, những trò trêu chọc, tình cảm bạn bè, chuyển trường, chuyển nhà,... bằng một thái độ tích cực. Đặc biệt, một tiếng cười do sự hài hước mang lại sẽ khiến cả tình thân giữa các thành viên trong gia đình thêm thắt chặt.

Các chuyên gia cho biết, hài hước sẽ mang lại cho trẻ một lợi thế rất lớn trong suốt cuộc đời. Các bác sĩ và chuyên gia sức khỏe tâm thần cho biết, sự hài hước góp phần làm nên một sức khỏe tích cực, cho cả người lớn cũng như trẻ em. Khi cười, cơ hoành sẽ phải hoạt động. Từ đó, cho phép chúng ta hấp thụ nhiều khí oxy hơn và kích thích phổi phát triển.

Cười đồng thời cũng giúp máu được lưu thông tốt hơn, làm tăng nhịp tim và giảm huyết áp. Tiếng cười còn có thể giúp mọi người ngủ ngon hơn, tiêu hóa tốt và tăng cường hệ miễn dịch. Mặt khác, hài hước còn góp phần cải thiện và rèn luyện trí nhớ.

moi-truong-tich-cuc-tao-nen-tinh-hai-huoc-2.jpg
Phụ huynh có thể gợi ý để trẻ kể lại những chuyện vui, chuyện đáng cười mà con mới gặp ở trường. Ảnh minh họa.

Ngoài ra, hài hước cũng đem đến sự thoải mái, làm giảm căng thẳng. Nhiều khi trẻ đang khóc lóc hoặc giận hờn, nhưng cha mẹ trêu đùa khiến con bật cười, bé sẽ nhanh chóng quên đi sự buồn phiền hay khó chịu trước đó. Hoặc, khi học tập căng thẳng, một chút hài hước của thầy cô hay bạn bè có thể giúp trẻ cảm thấy bớt áp lực và phấn chấn tinh thần hơn.

Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, một đứa trẻ vui vẻ, hài hước và hòa đồng thường hạnh phúc, lạc quan và tự tin hơn. Hài hước giúp trẻ bình tĩnh và tự tin trước mọi tình huống bất ngờ và khó khăn. Những đứa trẻ hài hước thường không nghiêm trọng hóa các vấn đề, cũng như không bi lụy hay chùn bước. Trẻ có cách suy nghĩ và giải quyết vấn đề linh hoạt, sáng tạo và tích cực.

Những đứa trẻ hài hước và vui vẻ thường dễ dàng chiếm được cảm tình của mọi người, đặc biệt là từ thầy cô và bạn bè. Trẻ cũng dễ dàng hòa nhập khi đến một môi trường mới. Nhiều giáo viên với kinh nghiệm giảng dạy lâu năm cho biết, những “cây hài” ở lớp học thường là những đứa trẻ có trí tuệ hơn người.

Nhà khoa học đại tài Albert Einstein từng nói rằng, trí tuệ xuất chúng của ông bắt nguồn từ khiếu hài hước của một đứa trẻ. Từ đó, cũng có nhiều nghiên cứu chứng minh tính cách hài hước có liên quan tới trí tuệ của người trưởng thành.

Các nhà khoa học cho biết, để khiến người khác cười, một người phải có cả trí tuệ (IQ) lẫn khả năng nhận thức cảm xúc (EQ) để tạo ra những tình huống vượt qua mong đợi hoặc phán đoán của người đối diện. Những phẩm chất này của người hài hước sẽ đóng góp rất lớn vào thành công của họ sau này, như khả năng hấp dẫn người khác, thành lập và gắn kết nhóm, tổ chức lãnh đạo và hóa giải các mối xung đột.

moi-truong-tich-cuc-tao-nen-tinh-hai-huoc5.jpg
Trẻ em thường chịu ảnh hưởng tính hài hước từ những người thân trong gia đình như cha mẹ hay ông bà. Ảnh minh họa.

Sử dụng ngôn từ tích cực

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), trẻ em hài hước là người hạnh phúc, lạc quan và có tự trọng hơn. Theo bác sĩ này, sự hài hước có liên quan đến di truyền. Song, trẻ vẫn có thể rèn luyện để sở hữu tính hài hước.

Để đạt được điều đó, khi trẻ được vài tháng tuổi, cha mẹ có thể cười với con, tập cho bé cười. Khi trẻ lớn hơn một chút, phụ huynh có thể đặt vật lạ bất ngờ lên đầu, hoặc bụng trẻ, cù lét, ú òa, chơi các trò chơi khiến con cười. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể sử dụng các lời nói vô nghĩa nhưng hài hước giúp bé cười và để trẻ học tính hài hước.

Cha mẹ có thể khuyến khích trẻ làm trò, hoặc nói những câu khiến phụ huynh cười. Hoặc, trẻ có thể cố tình chỉ sai, gọi sai đồ vật, bộ phận cơ thể, tạo âm thanh con vật này cho con vật khác (như chó thì kêu meo meo…).

Cha mẹ cũng có thể cùng con tạo dáng đi, khuôn mặt, cử chỉ khôi hài. Bước vào giai đoạn lớn hơn, trẻ có thể cùng cha mẹ kể những câu chuyện cười, xem phim hài hoặc học những câu nói cho vui. Bác sĩ Khanh cho biết, cha mẹ nên khuyến khích, chia sẻ các trò làm trẻ vui, hiếu động, thay vì lạnh nhạt khiến bé mất hứng thú.

Theo giáo viên Trịnh Mai Chi - Trường Mầm non Bông Mai 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), trẻ em thường chịu ảnh hưởng tính hài hước từ những người thân trong gia đình như cha mẹ hay ông bà. Vậy nên, để nuôi dưỡng một đứa trẻ hài hước, khi giao tiếp, trò chuyện cùng con, cha mẹ hãy tích cực sử dụng những ngôn từ và cử chỉ hài hước.

Bản thân cha mẹ nên thường xuyên vui cười. Thỉnh thoảng, cha mẹ có thể kể một vài câu chuyện cười cho con nghe hoặc đố bé truyện cười vừa kể có ý nghĩa gì. Hoặc, phụ huynh có thể gợi ý con kể lại những chuyện vui, chuyện đáng cười mà ngày hôm nay trẻ gặp ở trường. Ngoài ra, những bộ phim hài, clip hài với lời thoại thông minh và hóm hỉnh cũng là môi trường tốt để trẻ học hỏi, rèn luyện sự hài hước.

“Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng thích hài hước và hiểu được những câu nói đùa. Phụ huynh không nên cảm thấy thất vọng hay chán nản khi con không thể hiểu cha mẹ vừa pha trò gì. Thay vào đó, cha mẹ hãy cho con thấy hài hước là một phần của cuộc sống. Sự hài hước giúp câu chuyện trở nên hấp dẫn, gần gũi hơn và đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người”, giáo viên Mai Chi cho biết.

Nữ giáo viên lưu ý, cha mẹ hãy hưởng ứng khi con có những hành động hay cử chỉ hài hước. Điều này có giá trị tinh thần to lớn, khuyến khích trẻ phát huy khiếu hài hước. Ngay cả trong trường hợp trẻ kể chuyện còn hơi “nhạt” một chút, phụ huynh cũng không nên vội bỏ đi. Thay vào đó, hãy cố gắng nhẫn nại nghe con kể hết câu chuyện của mình.

Trong quá trình lắng nghe, cha mẹ có thể khéo léo gợi ý con rắc thêm “ít muối” cho câu chuyện kịch tính và hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, cha mẹ không nên lạm dụng điều này. Bởi, nếu thường xuyên hưởng ứng những câu chuyện “nhạt” của con, trẻ sẽ nghĩ rằng, mình là một người vô cùng hài hước. Thực tế, trẻ cần nỗ lực hơn nữa để trở thành một người hài hước thực thụ bằng tài năng và kinh nghiệm.

“Trong một gia đình vui nhộn, mọi hoạt động thường ngày tưởng như nhàm chán đều có thể trở nên vô cùng thú vị nếu như nó được pha trộn thêm chút “gia vị” hài hước. Nhiều ông bố bà mẹ hài hước đã biến những bữa cơm gia đình trở thành game show tràn đầy tiếng cười. Họ cũng có thể biến những lần dọn dẹp đồ chơi hay sách vở của trẻ thành một bữa tiệc đầy ắp tiếng cười. Vừa làm, vừa cười đùa vui vẻ cùng nhau cũng sẽ khiến cho công việc nhanh được hoàn thành hơn”, nữ giáo viên chia sẻ.

Tuy nhiên, theo giáo viên Mai Chi, cha mẹ cũng cần chỉ cho con biết đâu là giới hạn của sự hài hước. Bởi, khoảng cách giữa hài hước và sự trêu đùa vô duyên chỉ cách nhau trong gang tấc. Hài hước, bông đùa không đúng lúc rất nguy hiểm. Trẻ tuyệt đối không được lấy người khác ra làm trò đùa, không nên trêu đùa ác ý, cười trên nỗi đau hoặc khuyết điểm của người khác.

Mục đích của hài hước là để tất cả mọi người đều cảm thấy vui vẻ và yêu đời. Do đó, cha mẹ cần dạy con hiểu rằng, khi bất cứ ai đó cảm thấy không vui, thì hành động hài hước của trẻ là vô nghĩa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ