Môi trường sư phạm thân thiện, tôn trọng sự khác biệt của học trò

GD&TĐ - Chiều 28/11, tại Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) diễn ra chương trình talkshow Trường học hạnh phúc với chủ đề: Sáng tạo và tôn trọng sự khác biệt của mỗi học trò.

Các diễn giả tham gia chương trình.
Các diễn giả tham gia chương trình.

Tại chương trình, ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) trao đổi: Từ ý tưởng của Nhà giáo Nguyễn Văn Hoà, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT đã phát động cuộc vận động “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc”.

Các nhà trường được khuyến khích hỗ trợ các thầy, cô giáo trong việc nâng cao năng lực trong việc xử lý các tình huống sư phạm diễn ra trên thực tế. Với thông điệp góp phần xây dựng trường học hạnh phúc, các thầy cô giáo được khích lệ thay đổi để hướng đến một môi trường sư phạm văn minh, thân thiện. Trường học hạnh phúc được tạo nên bởi các hành vi chuẩn mực, trước hết là của thầy, cô giáo có đạo đức trong sáng, yêu nghề và tận tâm vì học sinh.

Tại Lễ phát động, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh đến ba tiêu chí: Yêu thương- An toàn- Tôn trọng. Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, trong trường học cần tôn trọng sự khác biệt của học sinh, thấu hiểu, chia sẻ và hỗ trợ học sinh vượt qua khó khăn trong học tập để trưởng thành.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng khuyến khích, lan toả những mô hình, cách làm tốt của các cơ sở giáo dục, nhân rộng các gương nhà giáo sáng tạo trong dạy học và trong giáo dục học sinh, hướng đến việc giảm áp lực, thu hút học sinh vào các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa, để việc đến trường đối với mỗi học sinh là hạnh phúc.

Ông Linh cho biết thêm, môi trường giáo dục và phương pháp giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, tạo tâm lý cho học sinh muốn đến trường, mỗi ngày đến trường là một ngày vui ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm rất phù hợp với xu thế phát triển giáo dục hiện nay.

Nhà giáo Nguyễn Văn Hoà - Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ: Từ năm 2014, nhà trường đã thực hiện chương trình Thầy cô chúng ta thay đổi. Các thầy cô đã thay đổi về các nhìn học trò, thay đổi nhìn nhận vai trò của mình không chỉ là người dạy kiến thức mà phải là nhà tâm lí nhà giáo dục, phải trở thành người  mẹ thứ hai thay mặt cho gia đình cho xã hội giáo dục từng học trò thay đổi. Thầy cô giáo phải là người truyền cảm hứng cho học sinh.

Từ thay đổi của các thầy cô giáo, tạo ra nguồn cảm hứng và tạo ra sức mạnh làm cho học trò thay đổi. Các thầy cô giáo của trường NBK bây giờ trở thành nhà tâm lí giáo dục, trở thành người truyền cảm hứng và gánh trách nhiệm nặng nề là giúp cho mỗi trò đều tiến bộ.

Các thầy cô giáo dạy học cũng là thực hiện nếp sống văn hóa, thực hiện cách ứng xử giữa con người với con người ở thời đại mới, quan tâm đến cảm xúc của học sinh, tôn trọng học sinh, đặc biệt là tôn trọng sự khác biệt của học sinh.

"Thầy cô thay đổi thì thầy cô được hạnh phúc, thầy cô hạnh phúc thì tạo ra học sinh hạnh phúc, cha mẹ học sinh cũng hạnh phúc, và tạo ra không khí hạnh phúc cho các gia đình. Tôi hi vọng nếu điều này lan tỏa thì xã hội cũng sẽ hạnh phúc, giáo dục thay đổi"- thầy Hòa bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ