(GD&TĐ)-Nhạc sĩ Nguyễn Giang, Hội viên Hội Nhạc sĩ Hà Nội, quê Hà Nội. Ông đã cho ra mắt bạn đọc các tập thơ: Dấu tích những con đường; Mưa trong mắt - Thi nhân trong tôi; Những mùa đi qua phố. Sắp tới, ông sẽ xuất bản tập thơ Ngược gió. Ngoài ra, ông còn đam mê sáng tác âm nhạc. Ông đã có 3 CD ca khúc Nguyễn Giang; Ông còn là tác giả và đạo diễn phim tài liệu: “Tìm tên trên mộ đồng đội”. Đặc biệt ca khúc: "Đồng đội ơi" do ông phổ nhạc đã được công chúng yêu âm nhạc và anh em cựu chiến binh nồng nhiệt đón nhận.
Nhạc sĩ Nguyễn Giang bộc bạch: Từ khi còn học phổ thông tôi đã rất yêu thơ. Tôi thích đọc thơ đến kỳ lạ. Ngày ấy không có điều kiện để mua sách báo như bây giờ, tôi phải đứng chờ ở quầy báo để đọc thơ trên báo Văn nghệ. Nhiều tác giả tôi rất hâm mộ cho tới tận bây giờ, như: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hạn Mạc Tử, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật...
Điều gì đã thôi thúc ông làm thơ?
- Đối với tôi, mỗi bài thơ, mỗi tác phẩm viết ra đều mang số phận con người, vì nó đều gắn với chân dung của con người ấy. Vì vậy, tôi đã viết tập: "Thi nhân trong tôi” - (Nhà xuất bản Văn học - năm 2006). Tôi đã viết chân dung của gần 200 nhà thơ. Tập thơ đó đã được dư luận báo chí và bạn đọc hoan nghênh.
Ông có cho rằng tác phẩm mang bóng dáng tác giả?
- Bởi thơ mang số phận của con người. Đối với mỗi nhà thơ, đề tài nó đến rất tự nhiên. Có người viết về: Cỏ hoa, sông núi..., có người viết về vũ trụ, có người viết về tình yêu đối với cuộc đời và nhân loại, có người viết về đồng đội... Tôi cũng vậy, những gì làm tôi xúc động thì tôi đều tâm huyết. Vì sáng tác là "Bắt được", sáng tác là "Trời cho": Lúa vít cong đòn gánh/ Lẵn bờ vai thon thả dậy thì/ Em cất giữ mùa màng trong áo/ Mây mẩy hạt vàng/ Ăm ắp tình quê... có khi một kỷ niệm nhỏ về tình mẫu tử lại thôi thúc tôi: Ngày trước/ U ăn trầu/ Răng đen hạt na môi căn chỉ/ Nhà có chiếc bình vôi ai cũng quý/ Không may u sớm về trời/ Thầy lặng lẽ cất bình vôi vào tủ... Rồi thầy mất/ Anh cả rước bình vôi lên bàn thờ hương khói... Nhìn bình vôi thấy hình bóng thầy u...
Cùng một lúc, ông đam mê cả thơ và nhạc. Vậy giữa thơ và nhạc có "giành giật" cảm xúc của ông không?
Nhạc sỹ Nguyễn Giang |
- Sáng tác cái gì cũng đều phải có đam mê, nhưng chỉ đam mê cũng chưa đủ, tôi luôn tìm tòi, học hỏi, tích luỹ kiến thức trong trường đời. Còn thành công đến đâu là còn do năng khiếu "Trời cho" con người đó. Giữa thơ và nhạc đều có liên quan mật thiết với nhau. Thơ chính là ca từ gợi lên giai điệu, khúc thức cho âm nhạc. Trong thơ có nhạc và trong nhạc có thơ.
Được biết bộ phim: "Tìm tên trên mộ đồng đội", trong đó có sử dụng hai ca khúc "Đồng đội ơi" và "Khóc những nấm mộ vô danh" mà ông vừa là tác giả vừa là đạo diễn sắp được trình chiếu. Ông có thể cho biết đôi điều cảm xúc về việc xây dựng bộ phim và những ca khúc này?
- Như chúng ta đã biết, việc đi tìm đồng đội đã được sự quan tâm, đóng góp của tất cả mọi người hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Vừa qua, được sự giúp đỡ của đồng đội, của nhiều tập thể và cá nhân... bằng tình yêu thương đồng đội da diết, tôi đã cùng đoàn làm phim từ Hà Nội về Quảng Nam, Đà Nẵng và các nghĩa trang liệt sỹ để trực tiếp làm phim "Tìm tên trên mộ đồng đội". Trong phim, tôi đã sáng tác hai ca khúc: "Đồng đội ơi", "Khóc những nấm mộ vô danh" phổ thơ Trương Vĩnh Tuấn. Tôi nghĩ, chỉ có bằng cả tình yêu thương đồng đội da diết và sâu nặng, tôi và đoàn làm phim mới có thể hoàn thành được công việc thiêng liêng ấy. Là người sáng tác, tôi đã nhiều năm trăn trở và khi bắt được tứ thơ của Trương Vĩnh Tuấn thì bao nhiêu nỗi day dứt, nhớ thương về đồng đội đã trào ra trên đầu ngọn bút. Vừa viết ca khúc, nước mắt tôi vừa trào ra...
Quan niệm của ông thế nào về thơ mới, thơ cũ hiện nay?
- Theo tôi, thời nào cũng vậy, sự phát triển của con người ngày càng cao và không ngừng đổi mới. Do đó, lối sống và tư duy của con người cũng luôn đổi thay. Thơ cũng là sản phẩm đặc biệt của tư duy thì không nằm ngoài quy luật đó. Nhưng thực chất không có thơ mới, thơ cũ nào cả mà chỉ có thơ hay và thơ không hay.
Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện này.
Trần Thị Nương (Thực hiện)