Trong một bài thuyết trình ở TED show, Giáo sư Robert Walldinger đã nói về nghiên cứu kéo dài gần 100 năm qua 3 thế hệ đối tượng dự án của trường Đại học Harvard với câu kết luận: Cuộc sống tốt đẹp được kiến tạo bởi những mối quan hệ tốt đẹp.
Với những đứa trẻ, thời gian ở cùng gia đình chiếm đa số cuộc sống của chúng, vì vậy, những mối quan hệ trong gia đình hầu như đóng vai trò quyết định chất lượng cuộc sống.
Vậy làm thế nào để có được những yếu tố tạo nên mối quan hệ gia đình chất lượng:
Hiện diện: Đầu tiên, các thành viên trong gia đình cần dành thời gian để có mặt cho nhau một cách trọn vẹn
Cuộc sống hiện nay quá bận rộn, ở nhiều gia đình, cha mẹ thường đi làm về muộn, trong tình trạng mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần. Những bữa cơm gia đình trở nên chóng vánh, thường chỉ có một bữa cơm chung vào buổi chiều.
Thậm chí có những trường hợp do cha mẹ đi công tác, làm việc quá giờ, hoặc có hẹn với bạn bè, khách hàng, nên không ngồi quây quần ăn cùng con cái được bữa cơm nào trong ngày. Đôi khi ngay cả lúc ở bên nhau thì trong lòng còn vấn vương công việc, nên người ngồi đấy nhưng không thể lắng nghe câu chuyện của con, không kết nối được với con.
Để có được sự hiện diện trọn vẹn cho nhau, cha mẹ cần chủ động quy ước thời gian dành cho gia đình. Thời lượng không quan trọng bằng chất lượng. Có thể thống nhất với nhau việc không sử dụng điện thoại khi ở bên nhau, hay tự quản lý cảm xúc cá nhân không để bị chi phối bởi những điều bất như ý xảy ra ở cơ quan trước khi mở cửa bước vào nhà.
An toàn: Nhu cầu căn bản nhất của con người là an toàn. Những đứa trẻ cũng vậy
Cần tuyệt đối tránh bạo lực với trẻ. Đôi khi vì không kiểm soát được cảm xúc, cha mẹ thường bộc lộ sự tức giận qua những hành vi bạo lực như nặng lời, quát mắng, thậm chí đánh đập trẻ.
Những hành động này sẽ gây tổn thương lớn với trẻ cả về thể chất lẫn tâm hồn, và có thể để lại những di chứng mà con trẻ sẽ mang theo suốt cả cuộc đời. Có nhiều trẻ em rất thông minh, học hành giỏi giang nhưng lại thiếu tự tin vì từ nhỏ nhiều lần nghe cha mẹ nhiếc mắng là vô dụng.
Lại có những đứa trẻ vì bị đối xử bạo lực ở gia đình mà khi ra môi trường xã hội lại ứng xử với bạn bè và người khác đúng như vậy.
Để trẻ cảm thấy an toàn trong môi trường gia đình, cha mẹ cần đối xử với con cái ân cần, yêu thương. Hãy nói với con những lời nhẹ nhàng. Dù con mắc sai lầm, cha mẹ cần bình tĩnh tìm cách giảng giải cho con hiểu. Tránh xử lý sự việc khi trong lòng mình đang nóng giận.
Có thể rời sang một không gian khác, hay làm việc gì đó khiến mình vui vẻ, để một chút thời gian trôi qua, khi đã kiểm soát được cảm xúc của bản thân rồi, lúc đó mới cùng con nói chuyện.
Thấu cảm: Tâm thế trẻ em còn mong manh, chưa vững vàng vì chúng thiếu trải nghiệm, vậy nên chúng rất cần sự thấu hiểu và ủng hộ của cha mẹ
Mặt khác, phía cha mẹ thường cho rằng mình mới là người đặt ra các luật lệ trong gia đình, và con cái có nghĩa vụ phải tuân theo. Chuyện thường xảy ra khi con cái không nghe lời, hoặc không đạt được các kỳ vọng của cha mẹ là chúng sẽ bị chê trách, mắng mỏ, bị phạt, và đôi khi còn bị coi thường.
Điều này lặp đi lặp lại sẽ tạo nên một hố sâu ngăn cách giữa cha mẹ và con cái mà sau này khi cha mẹ nhận ra và muốn hàn gắn sẽ vô cùng khó khăn.
Khi con cái làm những điều không như ý, cha mẹ cần đặt mình vào vị trí của con, nhìn sự việc với đôi mắt của con, cân đối lại giữa những yêu cầu mình đưa ra với năng lực thực có của con. Không nên áp đặt những tiêu chuẩn hoặc xu hướng xã hội vào gia đình mình một cách máy móc. Việc đặt những kỳ vọng lớn sẽ gây áp lực cho trẻ và cho cả bản thân mình.
Hãy chia sẻ với con về những mong muốn tốt đẹp của mình cho gia đình, thảo luận cùng với con xem con có thể làm được đến đâu, lắng nghe tâm tư của con, chấp nhận ý kiến của con và cùng con đặt ra các mục tiêu, nguyên tắc ứng xử trong gia đình một cách hợp lý và khả thi. Như vậy cả hai phía sẽ đều có động lực và cảm thấy hạnh phúc.
Đồng hành: Không phải là mỗi chúng ta luôn cần có bạn đồng hành trên suốt chặng đường đời sao? Con trẻ cũng vậy. Hãy làm người bạn đồng hành với trẻ
Làm bạn, có nghĩa là luôn ở bên cạnh, đôi khi là hiện diện thể chất, đôi khi cũng chỉ cần sự hiện diện tinh thần. Khi gặp khó, con trẻ nghĩ ngay đến việc hỏi ý kiến cha mẹ - đó là sự đồng hành. Khi có niềm vui hay thành tích học tập, con trẻ mang về khoe ngay với cha mẹ - đó cũng là sự đồng hành.
Hãy đón nhận tất cả với trái tim rộng mở. Đừng ngại ngần khi cùng nghêu ngao hát với con một ca khúc tuổi teen, cùng con chơi một ván bài, hay xem một bộ phim trẻ con ngớ ngẩn nào đó. Bên trong mỗi người lớn chúng ta đều có một đứa trẻ, hãy mang nó ra để chơi với con.
Đôi khi con cần ở một mình, hãy tôn trọng những khoảnh khắc đó. Hãy chỉ ngồi bên con và yên lặng, hay sẵn lòng để con khóc trên vai mình mà không cố hỏi nó xem có chuyện gì nếu con không muốn nói.
Đừng chỉ trích con về những điều con không đạt được vì lúc đó con đã thất vọng về bản thân lắm rồi, hãy bình tĩnh ngồi với con sau đó để chỉ cho con cách con sẽ có thể làm được.
Tin tưởng: Trên tất cả mọi điều, sự tin tưởng là nền tảng cho mọi mối quan hệ tốt đẹp
Cha mẹ là người sinh con ra, nâng giấc cho con từ tấm bé. Đứa con chính là sự tiếp nối tất cả những phẩm chất tốt đẹp của bạn. Vậy nên chừng nào bạn còn nuôi dưỡng được những phẩm chất đó ở trong mình, thì tức là bạn cũng hoàn toàn có thể giúp con có những điều tương tự.
Có rất nhiều chuyện xảy ra mỗi ngày, những bất hòa, bất như ý... cha mẹ và con cái đôi khi có thể xung đột quan điểm, có thể tranh cãi gay gắt với nhau... nhưng chừng nào còn giữ được niềm tin với nhau, thì mọi chuyện đều có thể giải quyết.
Vào những lúc bối rối nhất, bạn có thể giữ yên lặng, nhẹ nhàng đi ra phía sau ôm lấy con, hoặc nhắn tin cho con nếu không thể lại gần, rằng bạn tin tưởng con và yêu con. Mối quan hệ sẽ có thể được hàn gắn.